Cần xây dựng nhiều kịch bản trong phòng chống COVID-19

Minh Thảo |

Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện số 1063/CĐ-TTg (Công điện số 1063) về phòng chống COVID-19. Một trong những nội dung của công điện được người dân quan tâm nhất, đó là các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg (Chỉ thị 16) tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi nơi cư trú từ sau ngày 31/7/2021 tới khi hết giãn cách (trừ những người được chính quyền cho phép).

Vào những ngày cuối tháng 7/2021, hình ảnh những đoàn người rời TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành phía Nam để trở về quê bằng xe máy khiến ai chứng kiến cũng thấy xót xa. Đường về nhà lúc nào cũng mang đến cho mọi người cảm giác bình yên. Vậy mà đường về của những lao động nghèo này lại mang theo nhiều lo âu, bất ổn. Những đoàn xe nối nhau chạy dài trên quốc lộ, chở theo cả người già, trẻ nhỏ và đồ đạc cồng kềnh. Những gom góp mà người dân cố gắng mang theo cho chuyến hồi hương sau bao năm lăn lộn xa quê chỉ có thế nhưng lại trở nên nặng nề cho một hành trình quá xa.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

TP. Hồ Chí Minh là mảnh đất “lạc nghiệp” của con em khắp mọi miền đất nước. Theo số liệu Báo Người lao động trích dẫn, bình quân mỗi năm TP. Hồ Chí Minh tăng thêm khoảng 200.000 người có đăng ký chính thức, trong đó 2/3 là dân nhập cư từ nơi khác đến. Việc TP. Hồ Chí Minh đóng góp vào ngân sách quốc gia tăng từ 26,5% trong giai đoạn 2001-2010 và tăng lên 27,5% trong giai đoạn 2011-2019 có phần đóng góp không nhỏ của người nhập cư. Tuy nhiên, khi dịch bệnh xảy ra, người lao động đến từ các địa phương khác lại rơi vào hoàn cảnh khó khăn nhiều nhất.

Dẫu biết rằng trong tình thế phức tạp này, việc đứng yên một chỗ sẽ là giải pháp tối ưu trong phòng dịch. Tuy nhiên, với người lao động, sau nhiều ngày bị mất việc, sống trong nơm nớp lo âu vì thu nhập không có, vì sợ lây nhiễm COVID-19 trong những căn phòng trọ chật chội thì trở về quê là điều mong mỏi lớn nhất của họ. Vượt cung đường hàng ngàn kilomet như người dân ở các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An là cả một hành trình nhọc nhằn, tiềm ẩn nhiều rủi ro về tai nạn và dịch bệnh.

Câu chuyện một người lao động trên đường chở vợ từ TP. Hồ Chí Minh về quê bằng xe máy gặp tai nạn giao thông ở thị trấn Hàm Tân, huyện Tân Nghĩa, tỉnh Bình Thuận khiến nhiều người xót thương. Ngày 30/7, chỉ trước một ngày có công điện của Thủ tướng Chính phủ, vợ chồng lao động nghèo này đã khăn khói về quê. Và hành trình này đã không đi đến điểm cuối là quê nhà Thanh Hóa của họ khi người chồng qua đời sau vụ tai nạn nói trên.

Sau khi dịch bệnh bùng phát dữ dội, rất đông người dân của nhiều tỉnh thành khác đang sinh sống, lao động, học tập tại TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam có nhu cầu trở về quê. Một số địa phương, trong đó có Quảng Trị đã đón người dân (thuộc đối tượng ưu tiên như người bị bệnh tật, đau ốm; phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ; người cao tuổi; người khuyết tật; trẻ em) về quê bằng hình thức tập trung. Tuy nhiên, ngoài các đối tượng được ưu tiên thì nhu cầu trở về của người khác cũng rất đông.

Tính từ ngày 25/7-3/8/2021 đã có 31 đoàn (hơn 11 ngàn người) từ các tỉnh, thành phía Nam đi xe máy qua chốt kiểm tra y tế Hải Lăng của tỉnh Quảng Trị để trở về quê. Việc người dân tự di chuyển bằng xe máy về quê nảy sinh nhiều bất cập và hệ lụy. Ngoài nguy cơ tai nạn giao thông còn tạo ra những lỗ hổng về kiểm soát dịch, khiến nguy cơ lây lan dịch bệnh cao hơn so với việc hồi hương theo sự sắp xếp của chính quyền. Nhiều người tự chạy xe về quê sau đó bị phát hiện dương tính, tại Quảng Trị đã phát hiện nhiều trường hợp như vậy.

Do điều kiện của mỗi địa phương khác nhau nên việc đón người dân về quê theo hình thức tập trung hạn chế về mặt số lượng. Tuy nhiên, trên thực tế, nếu không được đón tập trung theo diện đối tượng ưu tiên thì rất nhiều người dân tự chọn phương tiện xe máy để về quê. Và trong thực tế, khi người dân chọn cách này đã xảy ra những hiểm nguy như đã đề cập ở phần trên.

Trong tình hình hiện nay, khi dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, ngoài đẩy mạnh tiêm vắc xin, lan tỏa thông điệp 5K và dốc hết lực lượng trong công tác cứu chữa người bệnh…, chính quyền, đoàn thể các cấp cần tập trung tuyên truyền cho người dân hiểu được khó khăn trong công tác phòng, chống COVID-19, do đó cần sự chung sức của mọi người, “ai ở đâu ở đấy”. Mặt khác phải tìm cách hỗ trợ, đảm bảo đời sống thiết yếu cho những gia đình khó khăn, tạo được niềm tin, sự an tâm để người dân không hoang mang, lo lắng, ủng hộ chính quyền trong phòng, chống dịch bệnh.

Câu chuyện trên cũng đặt ra một vấn đề, trong tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp hiện nay, việc xây dựng nhiều kịch bản để chủ động đối phó với COVID-19 là hết sức quan trọng, trong đó có cả tiên lượng những trường hợp xấu nhất để khi xảy ra có thể chủ động đối phó.

Mới đây, tại một cuộc họp trực tuyến, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã nêu lên thực trạng là tại nhiều địa phương, kịch bản chuẩn bị đều thấp hơn so với thực tế, có địa phương chuẩn bị kịch bản cao nhưng cũng chưa tính hết thực tế, chưa chuẩn bị chu đáo cho công tác phòng chống COVID-19. Không riêng gì y tế, để đối phó với COVID-19, cần phải xây dựng kịch bản trên nhiều lĩnh vực, từ đó đề ra các chỉ tiêu cho sản xuất, phát triển kinh tế một cách hiệu quả, bền vững.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Nhiều giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh Quảng Trị

Thanh Lê |

Với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh Quảng Trị, sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đã ghi nhận sự chuyển biển tích cực trong thời gian qua.

Cần chống dịch nghiêm ngặt hơn, quyết liệt hơn với những giải pháp đặc biệt

PV |

Kết luận hội nghị của Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố để triển khai Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, dịch bệnh COVID-19 với virus SARS-Cov-2 và các biến thể là căn bệnh thế kỷ, nguy hiểm, tạm thời chưa có thuốc chữa.

Triển khai nhiều giải pháp phòng, chống lụt bão ở Triệu Phong

Tuấn Việt |

Mùa mưa bão năm 2021 được dự báo có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, nên ngay từ đầu năm UBND huyện, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đã xây dựng nhiều phương án, biện pháp ứng phó. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội về phòng, chống thiên tai, nhất là các hiện tượng thiên tai bất thường.

Quảng Trị tăng cường giải pháp quản lý vật liệu xây dựng

Nguyên Bảo |

Tỉnh Quảng Trị có lợi thế về số lượng khoáng sản làm vật liệu xây dựng khá phong phú, đa dạng, ngành sản xuất vật liệu xây dựng đã có những bước phát triển và sản xuất được các chủng loại vật liệu xây dựng như cát, đá, xi măng, vật liệu xây lợp, vật liệu ốp lát.