Cảnh giác với “bác sĩ” mạo danh

Hoài Nam |

Thời gian qua, website của một số bệnh viện lớn đã bị các cơ sở, cá nhân giả mạo với mục đích quảng cáo bán thuốc, sản phẩm làm đẹp, thực phẩm chức năng… Không ít người vì tin vào những “bác sĩ” mạo danh này nên đã bị mất tiền oan. Cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, người dân cần cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo này, tránh “tiền mất, tật mang”.


Bà Lê Thị C. (xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) bị đau bệnh xương khớp nhiều năm. Mỗi lần trái gió trở trời là cơ thể bà nhức mỏi, hai cánh tay không nhấc lên nổi. Mỗi lần như thế, bà đều đi châm cứu hoặc tìm đến trung tâm y tế để khám và xin thuốc. Nhưng các cơn đau nhức chỉ tạm chấm dứt vào từng thời điểm chứ không khỏi hoàn toàn.

Theo tư vấn của người thân, bà vào google để tìm kiếm các địa chỉ chữa bệnh xương khớp nổi tiếng khắp cả nước. Vốn nghe các con cảnh báo chớ nên tin lời các thầy lang “nhà tôi 3 đời chữa bệnh xương khớp” nên bà ưu tiên lựa chọn các bệnh viện có uy tín. Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 được bà chọn và để lại tin nhắn nhờ tư vấn bệnh xương khớp của mình. Chỉ trong ngày hôm đó, bà C. được một người tự xưng là “bác sĩ” khoa xương cơ khớp của bệnh viện tận tình hỏi han về tình hình sức khỏe rồi lên đơn thuốc cho bà. Suốt quá trình được tư vấn, bà C. không một chút nghi ngờ, bởi lẽ các triệu chứng bệnh của bà “bác sĩ” đều nói chính xác; thái độ của người tư vấn cũng chuẩn mực, điềm đạm. Thậm chí lúc bà thắc mắc đơn thuốc có số tiền quá cao, gần 5 triệu đồng thì bác sĩ cũng không sốt sắng giục mua mà chỉ khuyên bà nên dùng thuốc tốt để bệnh mau chóng lành. Để chắc chắn, bà còn nhờ con trai kiểm tra thì thấy trên trang web này có logo và những hình ảnh của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Sau khi chấp nhận mua thuốc, để cẩn thận hơn, bà yêu cầu được giao hàng với hình thức ship COD (giao hàng nhận tiền) cho chắc chắn. Các loại thuốc được gửi về sau đó cũng được bà C. nhờ người kiểm tra cẩn thận, đúng là các loại thuốc chữa xương khớp của Mỹ, Việt Nam cùng một số loại thuốc tăng sức đề kháng…

Tuy nhiên, trong quá trình uống thuốc và đi quảng cáo cho mọi người biết về địa chỉ “uy tín” này, bà C. mới biết Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 từng cảnh báo nhiều trang fanpage sử dụng logo và đăng lại các hình ảnh của bệnh viện để tạo lòng tin, sau đó đăng thông tin bán thuốc online. Lãnh đạo của bệnh viện này cho biết đơn vị chỉ khám, điều trị bệnh, thực hiện dịch vụ thẩm mỹ, phẫu thuật theo yêu cầu trong khuôn viên bệnh viện tại Hà Nội. Tất cả cơ sở khám chữa bệnh ghi Viện 108, ngoài khuôn viên bệnh viện ở Hà Nội và các tỉnh thành khác đều là giả mạo. Nơi này cũng chỉ bán thuốc trực tiếp tại các nhà thuốc nằm trong khuôn viên bệnh viện, nhân viên tại quầy đều có đồng phục in tên, logo bệnh viện. Nghi ngờ mình bị lừa, bà C. liên lạc lại với “bác sĩ” tư vấn cho mình hôm trước nhưng không được. May mắn là số thuốc bà mua sau khi kiểm tra đúng nguồn gốc, xuất xứ, chỉ có giá tiền phải trả cao hơn nhiều so với thị trường nên bà C. đỡ tiếc phần nào.

Tuy các loại thuốc được bà Lê Thị C. mua đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nhưng giá cao hơn nhiều so với thị trường -Ảnh: H.N
Tuy các loại thuốc được bà Lê Thị C. mua đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nhưng giá cao hơn nhiều so với thị trường -Ảnh: H.N

Lợi dụng tình hình dịch bệnh, thời điểm bệnh nhân F0 tự điều trị tại nhà, thời gian qua nhiều đối tượng đã mạo danh bác sĩ, giám đốc bệnh viện tung ra các chiêu trò lừa đảo người bệnh điều trị theo phác đồ riêng nhằm thu lợi bất chính. Chị L.T. ở TP. Đông Hà mắc COVID-19. Sau nhiều ngày ho dữ dội và mất ngủ, chị than thở trên facebook thì ngay lập tức có người tự xưng là thành viên trong nhóm hỗ trợ online chăm sóc, điều trị F0 tại nhà nhắn tin tư vấn cho chị cách chăm sóc, uống thuốc trong thời gian mắc COVID-19 để mau chóng lành bệnh và không để lại di chứng. Ban đầu cứ tưởng bác sĩ tư vấn cho mình thật nên chị tin răm rắp. Nhưng sau khi lấy được niềm tin từ chị, đối tượng gợi ý mua các loại máy móc và thực phẩm chức năng ngừa hậu COVID-19. Đồng thời liên tục cảnh báo cho chị sự nguy hiểm của hậu COVID-19 khiến chị thấy hoang mang. Sự thúc giục của đối tượng khiến chị nghi ngờ nên công khai facebook cá nhân của người đó để hỏi bạn bè xem đây có đúng là thành viên nhóm hỗ trợ tư vấn online cho bệnh nhân F0 hay không. Ngay lập tức, tài khoản này biến mất. Thông qua câu chuyện của mình, chị T. cảnh báo mọi người xung quanh biết để đề phòng.

Hầu hết tin nhắn riêng kiểu bác sĩ, dược sĩ hướng dẫn “giúp” điều trị hoặc “mách thuốc” đều có khả năng là hành vi lừa đảo. Thường những “bác sĩ” mạo danh này luôn tạo uy tín cho bản thân là “đã điều trị khỏi cho nhiều người” bằng phác đồ riêng. Nếu không tỉnh táo mà tin lời những đối tượng này thì không những tiền mất mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân.

Trước những chiêu trò mạo danh để lừa đảo người bệnh, mọi người cần cảnh giác, nhất là khi sử dụng công cụ tìm kiếm trên mạng. Thông tin cần được nhiều người biết đến đó là hầu hết các bệnh viện không cho phép cán bộ, công nhân viên, bác sĩ, điều dưỡng sử dụng thương hiệu bệnh viện đi làm ăn, hợp tác bên ngoài. Do đó, tất cả đối tượng xưng danh là bác sĩ để bán thuốc theo hình thức này đều là giả mạo.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Giả danh nghĩa bác sĩ bán thuốc trị COVID-19 với giá "cắt cổ"

Thanh Mai |

Ngoài Molnupiravir, các đối tượng này còn bán các loại thuốc khác như Favipiravir, Augmentin 625mg, Favimol 200mg, trong đó Favipiravir giá 10 triệu đồng/hộp.

Giả danh bộ đội đặc công để qua chốt kiểm dịch

Duy Phương |

Công an TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đang tạm giữ để điều tra 1 đối tượng giả danh bộ đội đặc công để qua chốt kiểm dịch.

Đối tượng giả danh công an để lừa đảo sa lưới

PV |

Giả danh là cán bộ công an, Lê Minh Tùng đã lừa đảo chiếm đoạt 60 triệu đồng rồi bỏ trốn. 

Giả danh cán bộ địa chính để lừa đảo cấp sổ đỏ

Kim Anh |

Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã hoàn tất cáo trạng và chuyển hồ sơ vụ án sang Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội để nghiên cứu, đưa ra xét xử bị cáo Hà Đình Long (sinh năm 1981, trú tại Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174, khoản 4, điểm a – Bộ luật Hình sự năm 2015.