Thời gian qua, tội phạm sử dụng công nghệ cao gia tăng nhanh chóng, hoạt động với nhiều thủ đoạn phức tạp, gây ảnh hưởng đến đời sống xã hội. Trong đó nổi lên là tội phạm lợi dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Một số vụ án xảy ra trong thời gian trước đây trên các địa bàn: thành phố Đông Hà, huyện Gio Linh, thị xã Quảng Trị gây bức xúc trong quần chúng nhân dân, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn.
Thiếu tá Đỗ Dương Hà, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự - kinh tế - ma túy Công an thị xã Quảng Trị cho biết: Trong thời gian gần đây, các đối tượng thường sử dụng thủ đoạn giả nhân viên ngân hàng nâng cấp ứng dụng. Theo đó, các đối tượng chủ động gọi điện thoại và hướng dẫn nạn nhân nâng cấp phần mềm, lấy mã OTP để chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng. Cũng có thủ đoạn các đối tượng lập sàn giao dịch tiền ảo để chiếm đoạt tài sản với phương thức quảng cáo hấp dẫn về lợi nhuận để thu hút người chơi; khi người chơi nhập số tiền lớn vào sàn thì sàn sập, không rút được tiền.
Bên cạnh đó, mặc dù chưa xuất hiện phổ biến tại địa bàn tỉnh Quảng Trị nhưng một số thủ đoạn sau đã được các đối tượng sử dụng tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước như: giả làm quân nhân, doanh nhân nước ngoài, Việt kiều muốn gửi quà có giá trị về Việt Nam. Sau đó đối tượng lừa đảo giả làm nhân viên hải quan hoặc đơn vị chuyển phát nhanh yêu cầu đóng phí để nhận quà, hàng. Hoặc như vờ làm người nước ngoài muốn gửi tiền về Việt Nam làm từ thiện, được hưởng từ 30 đến 40% tổng số giá trị tiền gửi, sau đó giả làm nhân viên hải quan hoặc nhân viên ngân hàng yêu cầu nạn nhân đóng phí bảo đảm. Cũng có thủ đoạn các đối tượng giả nhân viên ngân hàng, công ty tài chính, công ty điện máy gọi điện thông báo trúng thưởng (xe SH, sổ tiết kiệm, tủ lạnh, máy giặt…) rồi yêu cầu đóng phí, sau đó chiếm đoạt.
Cũng theo Thiếu tá Đỗ Dương Hà, để góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tội phạm lợi dụng không gian mạng để phạm tội nói chung và lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng, bên cạnh việc các cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh bằng các biện pháp nghiệp vụ thì biện pháp phòng ngừa xã hội giữ vai trò hết sức quan trọng. Trong đó, mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác, tự trang bị kiến thức nhất định cho bản thân để không bị “dính bẫy” của các đối tượng.
Như việc phòng tránh thủ đoạn lừa nâng cấp sim 4G để chiếm đoạt tài sản là một ví dụ. Các đối tượng lừa đảo giả làm nhân viên nhà mạng để hướng dẫn nâng cấp sim điện thoại. Nếu làm theo hướng dẫn thì người dùng sẽ mất quyền sở hữu số điện thoại và các tài khoản ngân hàng gắn liền với số điện thoại đó. Vì vậy, để phòng ngừa, người dân không thực hiện theo bất kỳ hướng dẫn nào của đối tượng. Nếu có nhu cầu nâng cấp sim điện thoại thì nên ra cửa hàng của các nhà mạng thực hiện việc đăng ký chính chủ đối với sim đang sử dụng.
Các đối tượng cũng thường sử dụng thủ đoạn giả vờ chuyển tiền nhầm và yêu cầu nạn nhân trả vào tài khoản khác, sau một thời gian chủ tài khoản quay lại yêu cầu đóng lãi, nếu không sẽ kiện ra tòa hoặc quấy rối. Cách phòng ngừa đối với thủ đoạn này là kiểm tra cụ thể thông tin biến động về tài khoản của mình, đồng thời không thực hiện theo yêu cầu của các đối tượng.
Có thể khẳng định, việc mỗi cá nhân tự trang bị cho bản thân những kiến nhất định sẽ cùng với cơ quan chức năng chủ động hơn trong công tác phòng ngừa, xóa bỏ các điều kiện mà các loại tội phạm có thể lợi dụng để phạm tội. Qua đó góp phần giữ gìn môi trường không gian mạng an toàn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)