Thời gian qua, tình trạng lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Vì nhiều nguyên nhân khác nhau, đã có không ít người rơi vào bẫy của các đối tượng lừa đảo.
Trong thời điểm COVID - 19 bùng phát, rất nhiều người dân sử dụng các ứng dụng trên không gian mạng để học tập, kinh doanh, mua sắm. Lợi dụng tình hình đó, các đối tượng đã gia tăng hoạt động lừa đảo. Hình thức tạo tài khoản trên mạng xã hội facebook để rao bán khẩu trang y tế là một ví dụ. Khi có người đặt mua hàng, đối tượng đưa thông tin bán khẩu trang y tế chất lượng cao, giá thành rẻ, không hạn chế số lượng.
Sau khi thống nhất giá mua bán và số lượng, đối tượng yêu cầu người mua chuyển trước một số tiền (gọi là tiền đặt cọc, thường từ 30% đến 50% trên tổng giá trị đơn hàng) qua tài khoản ngân hàng do các đối tượng cung cấp. Sau đó, đối tượng sử dụng sim “rác”, điện thoại đóng giả là người bán hàng gọi điện đến người mua thuyết phục và yêu cầu chuyển tiền đặt cọc. Khi người mua hàng chuyển tiền xong, đối tượng ngay lập tức cắt đứt liên lạc rồi chiếm đoạt tiền đặt cọc. Cũng có trường hợp, sau khi nhận tiền, đối tượng chỉ giao cho người mua có thể là hàng giả hoặc hàng kém chất lượng, sau đó khóa tài khoản facebook, bỏ số điện thoại rồi chiếm đoạt tiền.
Thiếu tá Đỗ Dương Hà, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự - kinh tế - ma túy Công an thị xã Quảng Trị cho biết: Các đối tượng còn có một thủ đoạn khác là sẽ cài mã độc lên các website quyên góp tiền để ủng hộ quỹ phòng, chống COVID-19. Khi người dân truy cập vào, các website sẽ bị nhiễm mã độc và bị đối tượng lấy cắp thông tin cá nhân, sau đó sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Một thủ đoạn cũng khá phổ biến trong thời gian gần đây là các đối tượng điện thoại thông báo cho bị hại biết có mua hàng online nên nhà sản xuất có phần quà thưởng cho khách hàng (thường là những phần quà như nhẫn, vòng đeo tay…). Sau đó, đối tượng thông báo do hàng có giá trị nên muốn nhận phần quà này, khách hàng phải nộp tiền thuế cho đơn vị bán hàng (10% thuế giá trị gia tăng); đối tượng sẽ giao quà và nhận tiền thông qua dịch vụ bưu chính. Thực chất, phần quà có giá trị rất thấp hoặc là hàng giả không có giá trị.
Theo Thiếu tá Trần Đức Trí, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự - kinh tế - ma túy Công an huyện Gio Linh, khi mua hàng trực tuyến qua mạng, người mua cần sàng lọc, kiểm tra kỹ thông tin quảng cáo, rao bán về hàng hóa, danh tính người bán hàng, lựa chọn địa chỉ uy tín, hình thức thanh toán minh bạch. Người dân không nên chuyển tiền đặt cọc mua hàng khi không rõ thông tin, danh tính, địa chỉ người bán để tránh rủi ro và kiểm tra chất lượng hàng hóa trước khi nhận.
Cũng theo Thiếu tá Trần Đức Trí, mặc dù cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo về thủ đoạn lợi dụng mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các đối tượng nhưng một số người dân vẫn mắc bẫy. Như việc đơn vị điều tra làm rõ, kịp thời bắt giữ một đối tượng có hành vi sử dụng mạng xã hội facebook để lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra vào cuối năm 2020 là một ví dụ.
Theo hồ sơ vụ án, vào ngày 25/10/2020, chị H. nhận được một cuộc điện thoại từ người tự xưng là nhân viên của một ngân hàng, thông báo chị có hai giao dịch chuyển tiền bị treo và cần phải xác thực thông tin để thực hiện lại các giao dịch. Do chủ quan nên chị H. tin tưởng và làm theo yêu cầu của đối tượng. Sau khi kết thúc cuộc trao đổi với đối tượng, chị H. kiểm tra tin nhắn thì phát hiện tài khoản ngân hàng bị trừ hai lần tổng cộng gần 35 triệu đồng. Nhận thấy mình bị kẻ gian lừa nên chị H. đã làm đơn trình báo Công an huyện Gio Linh.
Với những kinh nghiệm trong việc phá các vụ án liên quan đến công nghệ cao trước đó, sau khi nhận được đơn trình báo của bị hại, Công an huyện Gio Linh đã khẩn trương vào cuộc điều tra. Qua sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, Công an huyện Gio Linh đã nhanh chóng điều tra làm rõ thủ phạm là đối tượng Văn Phú Hoàng (sinh năm 1993) trú tại khối phố Phước Xuyên, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Theo lời khai của đối tượng, do cần tiền tiêu xài cá nhân nên Hoàng đã sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt của chị H. 2 lần với số tiền gần 35 triệu đồng.
Thiếu tá Đỗ Dương Hà cho biết thêm: Để phòng ngừa đối với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng xã hội, người dân cần phải chú ý đến một số vấn đề như thường xuyên kiểm tra, cập nhật tính năng bảo mật, quyền riêng tư các tài khoản trên mạng xã hội; theo dõi phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao cảnh giác; kịp thời báo cho cơ quan Công an nếu có nghi ngờ để được tiếp nhận và giải quyết…
(Nguồn: Báo Quảng Trị)