Là một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Đakrông, Húc Nghì (Quảng Trị) có địa hình phức tạp, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, ngoài việc chú trọng phát triển KT-XH, nâng cao chất lượng cuộc sống, địa phương luôn quan tâm đến công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe ban đầu cho người dân.
Trong năm 2023, các dịch bệnh lưu hành như sốt xuất huyết, sốt rét, tay chân miệng, quai bị, thủy đậu… xuất hiện tại một số thôn, bản trên địa bàn huyện Đakrông, riêng xã Húc Nghì có 1 ca viêm não do vi rút. Bên cạnh đó, số người sử dụng chất gây nghiện và lây nhiễm HIV/AIDS tại địa phương có chiều hướng gia tăng.
Trước tình hình đó, xã Húc Nghì đã chủ động triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, không để xảy ra dịch bệnh trên địa bàn. Thông tin rộng rãi tới người dân về tình hình dịch bệnh, hướng dẫn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường phòng chống dịch, thay đổi những thói quen xấu ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Trạm Y tế xã Húc Nghì phối hợp với các trường học trên địa bàn tuyên truyền cho học sinh cách phòng tránh các bệnh truyền nhiễm, hướng dẫn cách rửa tay bằng xà phòng, phun hóa chất tiêu độc khử trùng bảo vệ môi trường học đường, đảm bảo học sinh đến trường an toàn. Trạm y tế luôn quan tâm củng cố, đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân viên y tế thôn bản nhằm tăng cường công tác giám sát dịch bệnh tại cộng đồng ngày càng được tốt hơn.
Địa phương đã tích cực tuyên truyền phòng chống sốt rét bằng loa đài phát thanh của các thôn, thăm hộ gia đình để giám sát việc ngủ màn của người dân. Vận động người dân ngủ màn, phát quang bụi rậm quanh nhà, vệ sinh đường làng ngõ xóm, khi có sốt phải đến ngay cơ sở y tế để được xét nghiệm và xử trí kịp thời. Tổ chức lấy lam máu và xét nghiệm test nhanh tìm ký sinh trùng sốt rét những trường hợp có sốt đến khám, chữa bệnh tại trạm y tế.
Tuy nhiên, tỉ lệ người dân ngủ màn trên địa bàn xã vẫn còn thấp; nhiều người có thái độ chủ quan, lơ là khi sau nhiều năm địa phương không có ca mắc sốt rét; quá trình di biến động của Nhân dân qua lại biên giới khó kiểm soát; các ban, ngành liên quan chưa tích cực tham gia hoạt động phòng chống sốt rét. Những nguyên nhân trên tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh sốt rét có thể bùng phát trở lại.
Hoạt động phòng chống sốt xuất huyết cũng được xã tăng cường. Thực hiện Công văn số 206/UBND-VX ngày 10/3/2023 của UBND huyện Đakrông về việc tổ chức chiến dịch ra quân vệ sinh môi trường diệt lăng quăng/bọ gậy phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, Ban chỉ đạo Chăm sóc sức khỏe nhân dân xã Húc Nghì vận động người dân triển khai thực hiện thường xuyên vào ngày thứ ba hàng tuần tại các thôn.
Trạm y tế đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức truyền thông lồng ghép trong các buổi họp dân về vệ sinh môi trường, phòng chống bệnh tật, xử lý rác thải và sử dụng nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Duy trì vệ sinh môi trường 1 tuần 1 lần vào ngày thứ 3. Nhờ đó, ý thức của người dân được nâng cao, số hộ sử dụng hố xí hợp vệ sinh ngày càng tăng lên.
Một số hoạt động khác như vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống suy dinh dưỡng được địa phương quan tâm. Nhờ vậy, tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng theo cân nặng 34/212 chiếm 16% giảm 0,5% so với năm 2022. Tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng theo chiều cao 54/212 chiếm 24,5% giảm 0,05% so với năm 2022. Chất lượng dân số ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực, các chỉ tiêu cơ bản đã giảm. Các mô hình nâng cao chất lượng dân số, sàng lọc trước sinh đã được triển khai tích cực và đem lại hiệu quả. Vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ trẻ em ngày càng được cải thiện.
Ông Lê Quốc Tuấn, Trưởng trạm Y tế xã Húc Nghì cho biết: “Để hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân trên địa bàn, nhân viên y tế của trạm phải đến từng thôn, bản để triển khai thực hiện. Do địa bàn phức tạp, ngoài sự nỗ lực của nhân viên y tế trạm, sự phối hợp chặt chẽ với y tế thôn bản đóng vai trò rất quan trọng. Đây chính là những “cánh tay nối dài” của trạm y tế tại cơ sở để thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân tại địa bàn phụ trách”.
Thời gian tới, xã Húc Nghì tiếp tục tăng cường công tác giám sát, phát hiện kịp thời dịch bệnh để không lây lan trên diện rộng. Củng cố, nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ, cải thiện lề lối làm việc của cán bộ, viên chức ngành y tế. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của Nhân dân, tăng tỉ lệ hài lòng của người bệnh.
“Bên cạnh đó, chúng tôi kết hợp chặt chẽ với các ban, ngành và tổ chức xã hội để tăng cường công tác truyền thông trực tiếp đến người dân tại các thôn, bản. Chuẩn bị đầy đủ nguồn lực theo phương châm “4 tại chỗ” để kịp thời ứng phó với thiên tai năm 2023”, ông Lê Quốc Tuấn cho biết thêm.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)