Khoảng 2 tuần trở lại đây, thời tiết trên địa bàn tỉnh Quảng Trị chuyển lạnh, nhất là vào sáng sớm và chiều tối khiến số lượng trẻ em đến các cơ sở y tế để khám, điều trị tăng cao, trong đó tập trung chủ yếu là bệnh về đường hô hấp. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần tăng cường biện pháp phòng bệnh nhằm nâng cao sức khỏe cho trẻ.
Ghi nhận của chúng tôi tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị cho thấy, trong những ngày này công việc của các y, bác sĩ bận rộn hơn bởi số bệnh nhân nhập viện liên tục gia tăng. Trung bình mỗi ngày, Khoa Nhi phải tiếp đón khoảng 100 trẻ đến khám và điều trị, cao điểm có ngày lên đến 130 bệnh nhân, với tất cả các loại bệnh như: Thủy đậu, tay chân miệng, tiêu chảy do rota vi rút, viêm màng não mũ, sốc nhiễm trùng huyết… và đặc biệt là các bệnh liên quan đến đường hô hấp.
Việc số bệnh nhân nhi nhập viện để điều trị nội trú tăng cao hơn nhiều so với ngày thường khiến số giường bệnh luôn trong tình trạng quá tải. Ngoài ra, một số trẻ bị mắc bệnh nhưng không được nhập viện kịp thời khiến công tác chăm sóc, điều trị gặp rất nhiều khó khăn và kéo dài. “Cách đây 3 hôm, con tôi đi học về thì bị ho, sổ mũi… cứ nghĩ cháu bị cảm cúm thông thường như trước đây nên tôi tự đi mua thuốc về cho uống. Tuy nhiên, bệnh không hề thuyên giảm mà ngày càng nặng hơn nên tôi đưa cháu đến bệnh viện khám và được các bác sĩ cho nhập viện để điều trị do bị viêm phổi nặng…”, phụ huynh cháu Bảo Hân, trú tại huyện Cam Lộ cho biết.
Để đảm bảo công tác chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân diễn ra bình thường, ổn định, Khoa Nhi đã tiến hành bố trí, sắp xếp lại và điều chuyển bệnh nhi giữa các buồng bệnh một cách hợp lý, phù hợp với từng loại bệnh. Song song với đó, khoa còn bố trí các chai dung dịch sát khuẩn tay, lắp đặt máy thở khí dung nơi thuận tiện để phụ huynh chăm sóc cho trẻ tốt hơn.
Theo các bác sĩ, thời tiết lạnh là điều kiện thuận lợi để các loại vi rút đường hô hấp phát triển, trong khi số trẻ nhập viện trong những ngày qua phần lớn dưới 6 tuổi, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên có sức đề kháng yếu, rất dễ bị nhiễm bệnh trước sự thay đổi của thời tiết, nhất là bị viêm phổi, viêm phế quản, hen suyễn... Do đó, nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời thì rất dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, viêm màng não, phù phổi cấp, thậm chí có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Vì vậy, để phòng tránh các bệnh trong mùa lạnh cho trẻ, các bậc phụ huynh cần chăm sóc trẻ chu đáo hơn, hạn chế đưa trẻ ra ngoài khi trời lạnh, cần giữ ấm phần cổ và ngực; không để chân trẻ bị ẩm ướt hoặc bị lạnh, nhất là khi đi ngủ; hằng ngày phải vệ sinh mũi, họng, vệ sinh thân thể cho trẻ, tắm ở phòng kín tránh gió lùa; sử dụng các biện pháp sưởi ấm cho trẻ (đèn sưởi, quạt sưởi) và tuyệt đối không được sử dụng than củi để sưởi ấm . Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng tránh để trẻ tiếp xúc gần với người lớn hay trẻ khác đang cảm cúm, dù chỉ là cảm cúm thông thường... Đặc biệt, chế độ ăn của trẻ cũng phải được điều chỉnh hợp lý, bảo đảm đủ dinh dưỡng, bổ sung rau quả để cung cấp vitamin và khoáng chất nhằm tăng cường sức đề kháng, không nên cho trẻ ăn, uống các loại thức ăn đã nguội, lạnh, nhất là uống nước lạnh.
Thạc sĩ, bác sĩ Võ Đình Thành, Trưởng Phòng khám đa khoa, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Trị khuyến cáo: “Trong những ngày thời tiết lạnh, phụ huynh, người chăm sóc trẻ cần chú ý quan sát để phát hiện kịp thời những dấu hiệu ban đầu nếu trẻ không may nhiễm bệnh. Theo đó, nếu thấy trẻ có các dấu hiệu như ho, sổ mũi, khò khè, sốt, mệt mỏi, quấy khóc… thì phải đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được các bác sĩ khám, tư vấn, điều trị. Đặc biệt, không nên tự ý mua thuốc cho trẻ uống, hoặc tự ý chữa bệnh ở nhà, bởi cách điều trị không đúng sẽ khiến tình trạng bệnh càng nặng hơn và dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ. Ngoài ra, cha mẹ cần theo dõi và cập nhật lịch tiêm phòng vắc xin cho trẻ đi tiêm đúng lịch, đủ mũi theo quy định của Bộ Y tế”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)