Chiêu lừa 'con đang cấp cứu, chuyển tiền gấp để phẫu thuật' lan ra Hà Nội

An Ly |

Mới đây, một số phụ huynh ở Hà Nội cho biết nhận được điện thoại của người lạ, thông báo con của họ đang bị cấp cứu ở Bệnh viện Việt Đức và yêu cầu chuyển tiền gấp để phẫu thuật.

Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng trường THPT Chu Văn An (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, mới đây, hai phụ huynh có con học tại trường bị kẻ xấu mạo danh giáo viên, nhân viên y tế nhắn tin: "Con gặp tai nạn đang ở bệnh viện cấp cứu, cần chuyển tiền ngay để nhập viện".

 
 Tin nhắn cảnh báo của Trường THPT Chu Văn An gửi đến toàn thể phụ huynh nhà trường về sự việc. Ảnh chụp màn hình.

May mắn hai phụ huynh này khi nhận được cuộc gọi, tin nhắn đã cảnh giác, xác minh thông tin từ nhà trường, giáo viên chủ nhiệm nên không bị lừa.

Hiệu trưởng trường THPT Chu Văn An cho biết, sau khi nhận được thông tin, nhà trường yêu cầu các giáo viên chủ nhiệm thông báo đến phụ huynh của tất cả các lớp trên toàn trường để tránh bị lừa. Thông báo nêu rõ: "Kẻ xấu nắm rất rõ thông tin của học sinh và tên chính xác của giáo viên, kể cả môn dạy. Nếu cha mẹ học sinh nhận được tin nhắn, cuộc gọi tương tự thì liên hệ ngay với phó hiệu trưởng hoặc thầy cô chủ nhiệm để xác minh".

Đồng thời nhà trường cũng báo cáo với cơ quan chức năng để ngăn chặn kịp thời tình trạng này.

Những ngày gần đây, rộ thông tin lừa đảo "con đang nằm viện, chuyển tiền gấp để nhập viện/phẫu thuật" ở nhiều thành phố.

 
 Các đối tượng thay phiên nhau gọi điện thúc giục cô giáo chuyển tiền cứu con.

Ngày 9/3, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, chỉ trong 2 tuần đầu tháng 3, khoảng 10 phụ huynh trên địa bàn thành phố bị kẻ xấu lợi dụng nhắn tin, gọi điện với chiêu thức "con đang cấp cứu trong bệnh viện cần chuyển tiền gấp". Các phụ huynh cả tin, không xác minh lại thông tin dẫn đến thiệt hại lớn nhất lên tới hơn 200 triệu đồng, theo VTC News.

Ngày 10/3, lãnh đạo Trường THPT Phan Bội Châu (TP Pleiku, Gia Lai) xác nhận những ngày qua, giáo viên, phụ huynh nhà trường liên tục nhận nhiều cuộc gọi lừa đảo với chiêu thức "con đang cấp cứu, cần chuyển tiền gấp".

Theo đó, ngày 9/3, một giáo viên tổ Ngữ văn, Trường THPT Phan Bội Châu đồng thời là phụ huynh một học sinh lớp 11 tại trường nhận cuộc gọi báo tin con bị té cầu thang, đang cấp cứu tại bệnh viện, cần chuyển gấp 20 triệu đồng.

Tương tự, ngày 8/3, phụ huynh một học sinh lớp 11 khác cùng trường nhận điện thoại của một người tự xưng là giáo viên môn Giáo dục công dân, báo tin học sinh bị té cầu thang, đang được cấp cứu bệnh viện Binh đoàn 15.

Biết bị lừa đảo, phụ huynh đã không nói chuyện nhiều với đối tượng xấu và báo sự việc đến giáo viên chủ nhiệm và Ban giám hiệu nhà trường để cảnh báo.

Trước đó, nhiều phụ huynh tại TP.HCM đã bị kẻ gian lừa chuyển khoản hàng chục đến hàng trăm triệu đồng.

Các đối tượng đánh trúng tâm lý lo lắng cho con của các bậc cha mẹ, sử dụng chiêu thức nhắn tin vào số điện thoại của phụ huynh là các em học sinh phải nhập viện cấp cứu, cần số tiền lớn để lo viện phí, theo Dân trí.

Trong đó, một phụ huynh có con đang học tại một trường quốc tế tại quận 7 (TP.HCM) nhận được liên hệ từ người xưng là giáo viên. Do tin tưởng, vị phụ huynh này đã chuyển ngay 200 triệu đồng cho người lạ để "kịp thời cấp cứu cho con".

Ngày 6/3, Sở GD&ĐT TP.HCM đã có văn bản gửi các đơn vị trực thuộc yêu cầu rà soát, chấn chỉnh công tác truyền thông liên lạc giữa cơ sở giáo dục và gia đình học sinh, sinh viên.

Công an TP.HCM đánh giá, thông tin phụ huynh, học sinh được các trường, cơ sở giáo dục bảo mật chặt chẽ. Ngành giáo dục cũng khẳng định không làm lộ, lọt số điện thoại của phụ huynh.

(Nguồn: Phụ nữ mới)

TAGS

Mạo danh nhân viên Viettel lừa đảo hơn 800 triệu đồng

An Ly |

Ngày 10/3, Công an thành phố Hà Nội thông tin về phương thức lừa đảo bằng thủ đoạn giả danh nhân viên của các nhà mạng, gọi điện thoại tới khách hàng thông báo nợ cước nhằm chiếm đoạt tài sản không còn mới.

Những thủ đoạn lừa đảo mới dựa vào công nghệ hiện đại

Thanh Mai |

Cơ quan chức năng nhiều lần đưa ra cảnh báo với người dân cần đặc biệt cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo tinh vi này.

Vụ gọi điện thoại lừa đảo: Vì sao các đối tượng lừa đảo có thông tin cá nhân của phụ huynh?

PV |

Liên quan đến hành vi lừa đảo bằng hình thức gọi điện thoại cho phụ huynh thông báo con bị tai nạn phải cấp cứu và đề nghị chuyển tiền tạm ứng viện phí, nhiều phụ huynh lo lắng về việc bảo mật thông tin cá nhân của học sinh trong nhà trường.

Thành phố Hồ Chí Minh tái diễn nạn lừa đảo "chuyển tiền vì con đang cấp cứu"

PV |

Ngành giáo dục TP.HCM đã rà soát, chấn chỉnh công tác liên lạc giữa nhà trường và gia đình học sinh để tránh tái diễn tình trạng phụ huynh bị lừa vì chiêu thức yêu cầu chuyển tiền vì con đang cấp cứu.