Chợ Đông Hà (Quảng Trị) hiện có 1.400 hộ kinh doanh, trong đó có khoảng 1.000 hộ có lô quầy kiên cố.
Tuy nhiên, sau ảnh hưởng COVID-19 và các hình thức kinh doanh thương mại điện tử ngày càng trở nên phổ biến thì hoạt động kinh doanh, buôn bán ở chợ Đông Hà lâm vào cảnh ế ẩm, đìu hiu. Thách thức này đòi hỏi chợ Đông Hà cần thay đổi để theo kịp sự phát triển của xã hội.
Chợ ế ẩm, nhiều lô quầy đóng cửa
Thời gian qua, không chỉ khu vực kinh doanh áo quần, vải, giày dép… mà các quầy hàng thực phẩm thiết yếu phục vụ cuộc sống hằng ngày tại chợ Đông Hà đều vắng khách, tiểu thương chán nản vì không bán được hàng.
Bà Lê Thị Hoa (64 tuổi), buôn bán ở quầy gia vị hơn 20 năm tại chợ Đông Hà nhưng chưa bao giờ bà thấy vắng khách và ế ẩm như hiện nay. Nhà ở thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong nên thói quen của bà trước đây là đến chợ sáng sớm và tối muộn mới đóng cửa về nhà.
Quầy hàng gia vị này là bà kế nghiệp buôn bán của mẹ chồng, nhờ vậy mà nuôi được 4 người con trưởng thành. Có thời điểm, công việc buôn bán ở chợ thuận lợi, bà còn thuê thêm một lô quầy ở chợ để mở rộng kinh doanh. Tuy nhiên, từ sau COVID-19 đến nay thì việc buôn bán ngày càng trở nên khó khăn. Đặc biệt, thời gian gần đây có ngày không bán được đồng nào.
Hàng hóa ế ẩm nhưng tiền thuê lô quầy, thuế, phí… thì vẫn phải chi trả đều đặn khiến bà không khỏi lo lắng. “Những năm trước, chợ Đông Hà đông đúc, tấp nập, ngày cuối tuần, dịp lễ, tết là khách đến mua sắm đông lắm.
Tôi phải thuê thêm người phụ bán mà không ngơi tay. Bây giờ, có ngày chẳng có ai đến mua hàng, chỉ có người bán hàng ngồi lại với nhau. Tình cảnh này khiến tôi muốn đóng cửa nghỉ bán nhưng ở tuổi này cũng không biết phải chuyển đổi sang công việc gì nên cố gắng cầm cự được ngày nào hay ngày nấy”, bà Hoa bộc bạch.
Trước đây, chợ Đông Hà là chợ đầu mối, trung tâm thương mại lớn nhất tỉnh, hoạt động buôn bán, giao thương hàng hóa ở đây diễn ra rất nhộn nhịp, thu hút từ 5.000 - 7.000 lượt khách hàng đến mua sắm mỗi ngày, đồng thời đây còn là địa chỉ khách du lịch nội địa và quốc tế thường đến tham quan, mua sắm mỗi lần có dịp đến Quảng Trị.
Thời điểm ấy, tổng giá trị hàng hóa lưu chuyển ở chợ đạt hàng trăm tỉ đồng mỗi năm; giải quyết việc làm cho khoảng 3.000 lao động thường xuyên, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương. Tuy nhiên, hiện nay việc kinh doanh, buôn bán ở chợ khó khăn nên nhiều người đã đóng cửa lô quầy, nghỉ bán.
Ngoài tầng 2, dãy nhà 3 (khu vực ngày trước siêu thị Quảng Hà thuê mặt bằng) có khoảng 130 lô quầy đóng cửa bỏ không từ nhiều năm nay, nhiều khu vực kinh doanh trước đây sầm uất, nhộn nhịp nay cũng thu hẹp hoạt động như khu vực bán vải, áo quần, gia vị, rau, cá… Thống kê sơ bộ của Ban Quản lý chợ Đông Hà, hiện có khoảng 100 lô quầy tại các khu vực này đang đóng cửa không hoạt động.
Chợ Đông Hà có trở thành trung tâm thương mại hiện đại?
Nguyên nhân chợ Đông Hà vắng khách là do siêu thị lớn nhỏ, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thành phố ngày càng nhiều, đặc biệt sau COVID-19 các kênh bán hàng online phát triển, người dân càng ít đi chợ bởi chỉ cần một chiếc điện thoại là có thể lựa chọn được nhiều mặt hàng, ưng ý thì đặt online và có người giao hàng đến tận nhà.
Đây cũng là thực trạng chung của nhiều chợ truyền thống trong cả nước. Trong xu thế này, để tồn tại, chợ truyền thống nói chung, chợ Đông Hà nói riêng cần thay đổi phương thức quản lý, hoạt động cũng như cách tiếp cận thị trường để tăng khả năng cạnh tranh.
Mới đây, có Tập đoàn Hoàng Phát (Hà Nội) vào tìm hiểu, khảo sát và đề xuất với UBND TP. Đông Hà ý tưởng đầu tư tổ hợp trung tâm thương mại tại khu vực chợ Đông Hà với quy mô dự án 21 tầng (gồm khu dịch vụ vui chơi giải trí, chợ và căn hộ), trong đó có 3 tầng dành cho tiểu thương chợ Đông Hà buôn bán.
Theo bà Trần Thị Phong, quyền Trưởng Ban Quản lý chợ Đông Hà, dự án mới ở bước đầu, để thành hiện thực còn phải qua nhiều công đoạn nhưng băn khoăn mà bà và nhiều người đặt ra là hiệu quả của dự án đối với đại bộ phận tiểu thương chợ Đông Hà. Bởi đa phần tiểu thương ở đây lớn tuổi, khả năng tiếp cận công nghệ thông tin hạn chế, quy mô năng lực kinh doanh đều nhỏ, hàng hóa ở chợ chủ yếu là hàng bình dân thì rất khó có thể thích ứng với môi trường kinh doanh hiện đại như ý tưởng mà chủ đầu tư đưa ra.
Minh chứng cụ thể là thời gian qua, ở một số thành phố lớn như Hà Nội đã chuyển đổi một số mô hình chợ truyền thống thành trung tâm thương mại nhưng không đạt được thành công như mong muốn.
Việc phát triển các siêu thị, trung tâm thương mại mang đến sự văn minh hiện đại cho đô thị là điều cần thiết, nhưng chợ truyền thống vẫn là một nét đẹp văn hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thiết yếu hàng ngày của cộng đồng dân cư.
Chợ Đông Hà có chuyển đổi trở thành trung tâm thương mại hiện đại hay không cần thời gian xem xét, đánh giá, thẩm định của ngành chức năng. Tuy nhiên, để khắc phục khó khăn trước mắt thì chợ Đông Hà cần được đổi mới về không gian, môi trường và cả phương thức kinh doanh để trở thành nơi mua sắm phù hợp cuộc sống hiện nay.
Đặc biệt, tiểu thương ở chợ cần thay đổi tư duy, hình thức kinh doanh để tạo nên sức sống mới cho chợ truyền thống. Họ không thể duy trì cách bán hàng theo lối cũ là ra sạp mở quầy và chờ khách đến thì chèo kéo, mời mọc rồi nói thách, trả giá… mà cần thay đổi phong cách, tiếp cận khách theo phương thức bán hàng mới.
Đó là bên cạnh việc mua bán trực tiếp tại chợ thì cần kết hợp hình thức bán hàng trực tuyến, biết livestream, quảng cáo hàng hóa bằng hình thức online và sẵn sàng cung cấp dịch vụ giao hàng tận nhà.
Cần tiếp cận khách theo cách thức mới
Chị Bùi Thị Hoài Phượng, buôn bán ở quầy giày dép là một trong những người đầu tiên ở chợ Đông Hà bắt kịp xu hướng, kết hợp bán hàng ở chợ và bán hàng qua mạng xã hội. Chị Phượng chia sẻ: “Thời thế thay đổi thì mình cũng phải thay đổi. Nhập hàng lần nào tôi đều quay video, chụp ảnh mẫu mã mới đăng lên trang facebook cá nhân hàng ngày để giới thiệu. Lúc rảnh, tôi livestream, chạy khuyến mãi, giảm giá để thu hút khách hàng”.
Nhờ vậy, ngoài lượng khách tìm đến chợ lựa chọn trực tiếp còn có những người đặt hàng online. Chị cũng đăng ký dịch vụ chuyển phát, giao hàng tận nơi cho khách. Từ việc kết hợp 2 hình thức bán hàng này, chị Phượng thấy mình có ưu điểm thuận lợi hơn nhiều trang bán hàng khác vì có địa chỉ kinh doanh, hàng hóa cụ thể, rõ ràng chứ không như một số trang bán hàng trên mạng chỉ là điểm bán hàng ảo, cứ đưa hàng lên giới thiệu rồi ai đặt thì mới nhập hàng về, rất khó để kiểm soát chất lượng cũng như đổi trả vì người bán cũng chỉ là người trung gian. Vì thế mà ngày càng có nhiều khách hàng tin tưởng lựa chọn.
Tuy nhiên, mô hình kinh doanh kết hợp bán hàng trực tiếp tại chợ kết hợp bán hàng online như chị Phượng vẫn chưa phổ biến ở chợ Đông Hà. Bà Trần Thị Phong, quyền Trưởng Ban Quản lý chợ Đông Hà cho biết, để hỗ trợ tiểu thương bắt nhịp với xu hướng thời đại, ban quản lý chợ phối hợp các đơn vị viễn thông như VNPT, Viettel Quảng Trị tổ chức triển khai mô hình “chợ công nghệ - chợ 4.0”, hỗ trợ các tiểu thương thực hiện mô hình thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử ứng dụng công nghệ số. Hiện nay, đa số các tiểu thương đều có tài khoản, mã QR code tại quầy hàng…
Đây là một trong những điều kiện để kích cầu mua sắm không dùng tiền mặt, thương mại điện tử, tuy nhiên tiểu thương ở chợ đa phần lớn tuổi, trình độ sử dụng công nghệ hạn chế nên gặp khó khăn khi áp dụng.
Vì vậy, mong muốn ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn nâng cao kiến thức, kỹ năng bán hàng nhất là bán hàng qua các nền tảng số, mạng xã hội cho tiểu thương. Phối hợp tuyên truyền, vận động tiểu thương hưởng ứng chương trình “chợ công nghệ cao - chợ 4.0”, chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh - dịch vụ. Đồng thời định hướng phát triển một số lô quầy giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm mang nét đặc trưng của Quảng Trị để phục vụ khách du lịch.
Bên cạnh đó, ban quản lý chợ tập trung chấn chỉnh, xây dựng văn minh thương mại tại chợ Đông Hà bằng việc thường xuyên bố trí nhân viên theo dõi, nhắc nhở tiểu thương chấp hành các tiêu chuẩn chợ an toàn như: tuân thủ nguyên tắc về phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm…
Tổ chức ký cam kết và thường xuyên kiểm tra hộ kinh doanh trong việc chấp hành quy định về niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết, không chèo kéo khách hàng, không bán hàng giả… Lắp đặt thêm biển công bố đường dây nóng tại chợ để trợ giúp khách hàng.
Trước tình trạng chợ xuống cấp, ban quản lý chợ đã đề xuất và được UBND thành phố cho phép thuê đơn vị tư vấn kiểm định chất lượng công trình chợ. Hiện đơn vị tư vấn là Trung tâm Quy hoạch và Kiểm định xây dựng tỉnh đang thực hiện các bước kiểm định chất lượng công trình chợ, đồng thời phối hợp Phòng Quản lý Đô thị, Phòng Tài chính - Kế hoạch thành phố kiểm tra, thống nhất kế hoạch sửa chữa chợ trong thời gian tới.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)