Tiếp theo kỳ trước
Thi đỗ vào trường đại học, cao đẳng mà mình mơ ước nhưng vì hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nên hành trình chinh phục giảng đường của các tân sinh viên còn lắm chông chênh...
Không đầu hàng trước khó khăn
Căn nhà tạm bợ của ông Hoàng Minh Thể (46 tuổi) nằm sâu trong con ngõ nhỏ ở Khóm 1, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa vẫn còn tràn ngập niềm vui khi con trai Hoàng Văn Chuẩn (SN 2004) nhận giấy báo rồi vào nhập học ngành công nghệ thông tin, Trường Đại học Đông Á, TP. Đà Nẵng cách đây 2 tháng. Cùng với niềm vui, vẫn phảng phất nỗi lo âu hằn in trên gương mặt khắc khổ của ông Thể.
“Nhà tôi quá nghèo khó, thiếu thốn trăm bề. Nhiều lúc vợ chồng tôi cũng có ý định gác lại giấc mơ học tập của con. Nhưng rồi thấy con chăm chỉ học tập, tôi lại cố gắng. Bây giờ, con tôi thi đỗ đại học, gia đình tôi vui lắm. Nhưng chạnh lòng khi nghĩ đến việc không biết lấy gì để nuôi con ăn học suốt 4 năm học đại học”, ông Thể cho biết.
Trước đây, ông Thể làm nghề phụ thợ nề, dù thu nhập bấp bênh nhưng cũng đủ để phụ với vợ ông là bà Lê Thị Nhàn (42 tuổi) lo cho cuộc sống gia đình. Cách đây khoảng 3 tháng, ông Thể bị gãy xương vai bên trái trong một vụ tai nạn giao thông khi đang trên đường đi làm về. Hiện tại, ông Hoàng Minh Thể không tiếp tục làm nghề phụ thợ nề được. Nguồn sống của cả gia đình đặt hết lên vai bà Nhàn với công việc đóng chai tại một cơ sở sản xuất nước uống đóng chai ở thị trấn Khe Sanh với mức lương khoảng 3 triệu đồng/tháng.
“Với quyết tâm học đại học, nên khi nhập học khoảng nửa tháng là em đi tìm việc làm thêm để có thu nhập phục vụ cho việc học tập, giảm bớt phần nào gánh nặng cho ba mẹ. Bây giờ em đang vừa học, vừa làm vào ban đêm ở quán trà sữa gần nơi ở trọ”, Hoàng Văn Chuẩn cho biết.
Vượt lên nghịch cảnh để đến giảng đường
Người dân Khu phố 7, Phường 3, thị xã Quảng Trị vừa cảm thương, vừa khâm phục nghị lực vượt lên hoàn cảnh khó khăn để học tập tốt khi nói về em Trần Thị Thanh Vân (SN 2004). Hiện Thanh Vân đã nhập học ngành ngôn ngữ Hàn Quốc, Trường Đại học Đông Á, TP. Đà Nẵng, nhưng giấc mơ tiếp tục theo học đại học của em dường như trở nên chông chênh…
Hoàn cảnh gia đình Thanh Vân thật éo le. Ba em là ông Trần Đình Lợi (55 tuổi) bị mù lòa bẩm sinh nhưng phải hằng ngày mò mẫm, loạng choạng từng bước chân để chăm sóc vợ là bà Mai Thị Quyên (53 tuổi) bị bệnh ung thư máu đang nằm liệt giường.
Ông Lợi ngậm ngùi chia sẻ: “Tôi bị mù lòa, hiện tại đang làm nghề xoa bóp bấm huyệt ở Hội Người mù thị xã Quảng Trị. Năm 2019, một biến cố lớn đã ập đến với gia đình khi vợ tôi bị mắc căn bệnh ung thư máu. Nguồn thu nhập từ nghề xoa bóp bấm huyệt của tôi cùng với 3 suất trợ cấp xã hội của Nhà nước không đủ để trang trải cho cuộc sống thường nhật.
Tôi phải chạy vạy vay mượn tiền của bà con lối xóm để chữa bệnh cho vợ. Đối với việc học tập của cháu Vân, thấy con chăm ngoan, siêng học là tôi vui lắm. Nhưng từ ngày cháu nhập học đại học đến nay, chưa đêm nào tôi ngủ ngon giấc vì không biết lấy tiền đâu nuôi cháu ăn học”.
Khao khát được tiếp tục học tập
Trò chuyện với tôi qua điện thoại, em Trần Thị Ngọc Bích (SN 2004) cho biết: “Đến bây giờ đã gần 2 tháng vào nhập học ngành công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng mà trong lòng em vẫn ngập tràn niềm vui. Bởi được trúng tuyển vào trường đại học với ngành học mà em mơ ước bấy lâu nay thì còn gì bằng… Nhưng hiện thực bày ra trước mắt, em nhận ra những gánh nặng đang đè lên trên đôi vai gầy của ba em…”.
Ông Trần Hiến (49 tuổi) (ba của Bích) ở thôn An Nhơn, xã Hải Dương, huyện Hải Lăng cho biết, biến cố đến với gia đình ông bắt đầu từ năm 2010, khi vợ ông mất vì căn bệnh nhiễm trùng máu. Một mình ông phải bươn chãi, làm lụng vất vả “gà trống” nuôi 3 đứa con cho đến tận bây giờ. Gia đình chỉ có vài sào ruộng, nên ông phải cố gắng làm thêm rất nhiều nghề để lo cho các con. “Nhà tôi quá nghèo khó, nên trước đây khi con tôi còn học ở học THPT đã nhiều lần tôi có ý định gác lại giấc mơ học tập của con. Nhưng thấy con chăm chỉ học tập nên tôi không thể cho con tôi nghỉ học được. Khi con thi đỗ rồi vào học đại học, tôi vui lắm. Nhưng nhà tôi nghèo quá, không biết có nuôi được con học đại học cho đến ngày ra trường không”.
Quyết tâm vươn tới ước mơ
Hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng vì thương các con nên ông Trần Văn Tuấn (48 tuổi) ở Khu phố 2, Phường 2, thị xã Quảng Trị vẫn quyết tâm cho các con học hành đến nơi, đến chốn. Ông Tuấn chia sẻ, hiện tại nguồn thu nhập của cả gia đình đều trông chờ vào nghề bốc vác gạo thuê của ông. Bởi vợ ông là bà Mai Thị Kim Liên (44 tuổi) sức khỏe yếu nên chỉ ở nhà làm công việc nội trợ.
“Cháu Nhi trúng tuyển và vào nhập học ngành ngôn ngữ Nhật, Trường Đại học Duy Tân, TP. Đà Nẵng, tôi vừa mừng, vừa lo. Mừng vì con tôi biết vượt qua hoàn cảnh khó khăn để vươn lên trong học tập. Còn lo bởi không biết rồi đây tôi có đủ sức để lo cho con được tiếp tục học đại học hay không”, ông Tuấn cho biết.
Em Quỳnh Nhi cho biết: “Hiểu được sự vất vả của ba mẹ, nên em luôn miệt mài phấn đấu vươn lên trong học tập. Nếu được tiếp tục học đại học, em sẽ cố gắng kiếm việc làm thêm để có thể tự lo phần nào cho việc học tập”.
Quỳnh Nhi đã quá quen với khó khăn, vất vả nên những chướng ngại trên con đường đến giảng đường sẽ không làm chùn bước em. Nhưng con đường phía trước còn lắm gian nan, Quỳnh Nhi cũng như nhiều sinh viên vượt khó học giỏi rất cần sự hỗ trợ của những tấm lòng nhân ái để bước chân các em trên giảng đường bớt chông chênh.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)