Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh Hoàng Thị Bắc (sinh năm 1979) là 1 trong 4 cán bộ chuyên trách vừa được Hội LHPN tỉnh Quảng Trị xét chọn tham dự Hội nghị biểu dương chủ tịch hội cơ sở giỏi toàn quốc lần thứ 3/2023 do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức vào tháng 10/2023 tại Thủ đô Hà Nội. Đây là sự ghi nhận đối với gần 20 năm gắn bó với công tác hội phụ nữ để lại nhiều dấu ấn của chị Bắc.
Chị Bắc giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Cửa Tùng từ năm 2006, đến năm 2015 đảm nhận vị trí chủ tịch hội. Phương châm của chị Bắc khi triển khai nhiệm vụ là phải xác định được trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt bám sát tình hình thực tế địa phương để định hướng chỉ đạo sâu sát, phù hợp nhằm mang lại hiệu quả thực chất. Cửa Tùng là thị trấn biển, địa bàn rộng, dân số đông, tuy có tiềm năng phát triển hơn so với các xã vùng biển khác trên địa bàn song thu nhập, đời sống của hội viên phụ nữ chưa đồng đều, đặc biệt bộ phận phụ nữ sản xuất nông nghiệp vẫn còn gặp không ít khó khăn.
Xác định hỗ trợ phụ nữ tạo việc làm, tăng thu nhập là đòn bẩy thúc đẩy mọi phong trào, quá trình công tác, chị Bắc chỉ đạo 13 chi hội ưu tiên đẩy mạnh phong trào “Vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường”, Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”.
Theo đó hoạt động trợ giúp phụ nữ được phối hợp thực hiện rộng khắp ở thị trấn như mở các lớp dạy nghề, tạo điều kiện cho phụ nữ tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, chương trình, dự án đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật tạo ra sản phẩm chất lượng, giá trị kinh tế cao; liên kết hình thành mô hình việc làm tại chỗ; tăng cường kết nối tiêu thụ sản phẩm…
Đến tháng 7/2023, Hội LHPN thị trấn Cửa Tùng đã tín chấp, quản lý số vốn trên 14 tỉ đồng cho hơn 350 thành viên vay. Ngoài ra nguồn vốn tiết kiệm tại tổ từ năm 2018 - 2022 gần 2 tỉ đồng giúp 706 lượt thành viên vay không tính lãi. Đã có 4 tổ hợp tác, 6 mô hình phụ nữ khởi nghiệp được thành lập. Nhờ đó, trong 5 năm qua, thị trấn có thêm 25 hộ phụ nữ làm chủ thoát nghèo, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo toàn thị trấn xuống còn 2,14%.
Từ sự giúp đỡ của chị Bắc, nhiều chị em ở thị trấn đã thử nghiệm thành công các mô hình kinh tế mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho nhiều lao động như: mô hình sản xuất nước mắm của chị Phan Thị Xiêm, khu phố An Đức 3; mô hình kinh doanh thủy hải sản của chị Phan Thị Lai, khu phố An Đức 3; mô hình nhà hàng tiệc cưới của chị Lê Thị Loan, khu phố An Đức 2; mô hình hấp sấy cá của chị Hồ Thị Hiền, khu phố An Hòa 1.
Bên cạnh đó, chị Bắc trực tiếp tham mưu, chỉ đạo triển khai đồng bộ, sôi nổi các cuộc vận động, phong trào thi đua do hội phụ nữ các cấp và địa phương phát động, từ “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh” đến “Toàn dân đoàn kết xây dựng đô thị văn minh”.
Trong đó chị tập trung vào những mô hình, phần việc cụ thể, thiết thực như “Ngân hàng con giống” trao gần 1.000 con giống đến tay phụ nữ nghèo; “Thu gom ve chai gây quỹ tình thương” từ năm 2020 - 6/2023 thu về gần 220 triệu đồng để kịp thời tặng thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ sửa chữa mái ấm tình thương, xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh cho phụ nữ.
Dưới sự dẫn dắt của chị Bắc, chị em phụ nữ thị trấn Cửa Tùng ngày càng phát huy vai trò trong thực hiện và tuyên truyền các tầng lớp nhân dân giữ gìn tình hình an ninh trật tự, cảnh quan thị trấn du lịch biển thông qua cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, mô hình “Ngày Chủ nhật xanh”, “Đoạn đường phụ nữ tự quản”, “Hạn chế sử dụng túi ni lông”.
Ngoài ra, chị em còn tích cực tham gia hoạt động an sinh xã hội như ủng hộ nhu yếu phẩm cho lực lượng chức năng, người dân bị ảnh hưởng COVID-19 với số tiền trên 750 triệu đồng; nhận đỡ đầu 13 trẻ em mồ côi, bảo trợ 10 trẻ em khó khăn trên địa bàn.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)