Đầu tháng 4/2022, Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học (dự án Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học - VFBC) do cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã tổ chức lễ ra mắt và công bố thành lập các ban bảo tồn cộng đồng trên địa bàn huyện Đakrông (Quảng Trị). Đây là một trong những giải pháp góp phần ngăn chặn nạn săn bắt và tiêu thụ động vật hoang dã trái pháp luật.
Tỉnh Quảng Trị là vùng có tính đa dạng sinh học cao, mang nhiều yếu tố đặc thù. Đến nay trên địa bàn tỉnh đã thành lập hai khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) trên cạn là Khu BTTN Đakrông và Khu BTTN Bắc Hướng Hóa. Trong đó, Khu BTTN Đakrông có 4 loại rừng kín thường xanh, có hơn 1.400 loài thực vật bậc cao trong đó có hơn 1.000 loài có ích chiếm 72,48%. Khu hệ động vật có hơn 300 loài, trong đó có nhiều loài đặc hữu đang được thế giới quan tâm và bảo vệ nghiêm ngặt như thỏ vằn, vượn Trung Bộ, mang Trường Sơn, chà vá chân nâu, gà lôi lam mào trắng, gà so Trung Bộ, chích chạch má xám... Khu Bảo tồn Thiên nhiên Bắc Hướng Hóa có diện tích khoảng 25.000 ha rừng và đất rừng, thuộc địa bàn phía Bắc huyện Hướng Hóa, đóng vai trò duy trì giá trị dịch vụ hệ sinh thái và chức năng rừng phòng hộ đầu nguồn cho các con sông Bến Hải, Rào Quán, sông Hiếu và sông Sê Băng Hiêng.
Trong những năm qua, tình trạng buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã bất hợp pháp ở Việt Nam nói chung và Quảng Trị nói riêng vẫn còn diễn ra phổ biến. Một trong những nguyên nhân là do cộng đồng dân cư xung quanh các khu bảo tồn thiên nhiên vẫn còn sống phụ thuộc một phần vào khai thác rừng và các sản phẩm từ động thực vật hoang dã. Do đó, thay đổi nhận thức và thói quen khai thác, sử dụng các sản phẩm từ rừng của cộng đồng là một trong những chiến lược quan trọng để nâng cao hiệu quả của hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học.
Là địa phương có diện tích rừng tự nhiên tương đối lớn, huyện Đakrông đã chỉ đạo các xã tăng cường các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học tại địa bàn. Trong đó chú trọng công tác tuyên truyền đến người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã, bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên nhằm phục vụ phát triển kinh tế, môi trường, sinh thái và cũng chính là bảo vệ cuộc sống của cả cộng đồng. Phó Chủ tịch UBND xã Đakrông Võ Nam Sơn cho biết: “Trước đây, khi chưa có sự hỗ trợ của dự án để thành lập ban bảo tồn cộng đồng trên địa bàn xã, địa phương cũng đã chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân nhằm ngăn chặn nạn săn bắt và tiêu thụ động vật hoang dã trái pháp luật nhưng hiệu quả thực thi chưa cao. Việc thành lập ban bảo vệ cộng đồng nhằm tăng cường công tác phối hợp cũng như trách nhiệm của các lực lượng như công an, kiểm lâm, đoàn thanh niên, hội phụ nữ…để cùng với chính quyền địa phương nâng cao hiệu quả hoạt động trong việc bảo tồn đa dạng sinh học”.
Vào cuối năm 2021, trong khuôn khổ các hoạt động của Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học, dự án đã tổ chức chuỗi 14 sự kiện truyền thông tại cộng đồng với chủ đề “Nguy cơ từ hoạt động săn, bắt và tiêu thụ động vật hoang dã” tại các xã vùng đệm thuộc KBTTN Đakrông bao gồm xã Đakrông, Ba Nang, Tà Long, Húc Nghì, A Bung, Ba Lòng và xã Triệu Nguyên. Thông qua hoạt động truyền thông, người dân được cảnh báo về các hành vi vi phạm pháp luật về động vật hoang dã cần tránh, nhận diện một số loài động vật hoang dã thuộc sách đỏ, cũng như nội dung liên quan đến thực thi pháp luật đối với các hành vi liên quan tới động vật hoang dã. Từ đó kêu gọi cộng đồng cùng hành động để chấm dứt hoạt động săn, bắt, kinh doanh, vận chuyển và tiêu thụ động vật hoang dã bất hợp pháp. “Nhờ được tuyên truyền, tôi đã hiểu rõ hơn về nguy cơ lây dịch bệnh từ hoạt động săn, bắt, sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã và là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Tôi sẽ chia sẻ những thông bổ ích này đến bạn bè và người thân ở thôn bản để cùng nhau bảo vệ động vật hoang dã”, chị Hồ Thị Thương, thôn La Tó, xã Húc Nghì, cho biết.
Với sự hỗ trợ của Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học, đến nay trên địa bàn huyện Đakrông có 4 xã Ba Nang, Triệu Nguyên, Đakrông và Ba Lòng thành lập ban bảo tồn cộng đồng. Đây chính là cầu nối quan trọng để truyền tải các thông điệp về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã tại địa phương. Thành viên của nhóm bao gồm đại diện chính quyền, người dân địa phương cũng như các tổ chức như đoàn thanh niên, hội phụ nữ… Sau khi thành lập, các nhóm đã tổ chức các hoạt động truyền thông trực tiếp hoặc lồng ghép các hoạt động ở thôn bản nhằm tăng cường nâng cao nhận thức cho người dân, góp phần giảm hành vi săn bắt và tiêu thụ động vật hoang dã trái pháp luật. Tham gia các hoạt động tuần tra, kiểm tra những khu rừng trên địa bàn đề nắm bắt tình hình, báo cáo kết quả tuần tra và báo cáo hành vi săn bắt, buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã để cơ quan chức năng kịp thời xử lý vi phạm. Chủ tịch UBND xã, Trưởng Ban Bảo tồn cộng đồng xã Triệu Nguyên Nguyễn Thị Mỹ Hạnh cho biết: “Nhờ có sự hỗ trợ của Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học do USAID tài trợ, chúng tôi đã huy động được sự tham gia tích cực các lực lượng từ cấp xã đến cấp thôn tham gia bảo tồn đa dạng sinh học. Đồng thời với cách thức hoạt động của ban, công tác tuyên truyền sẽ được thực hiện bài bản hơn, từ đó nâng cao ý thức bảo vệ động vật hoang dã trong người dân”.
Với sự trợ giúp của các ban này, Ban quản lý Khu BTTN Đakrông sẽ được tăng cường năng lực quản lý rừng và bảo vệ tài nguyên, tăng cường năng lực xử lý các vi phạm liên quan nhằm gìn giữ hệ sinh thái trên địa bàn.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)