Để gìn giữ và phát huy những giá trị lịch sử truyền thống của cha ông, đồng thời quảng bá, giới thiệu về mảnh đất và con người Quảng Trị đến với đồng bào, bạn bè khắp cả nước, các bạn học sinh Trường THCS Thành Cổ, thị xã Quảng Trị đã trở thành những tuyên truyền viên tích cực để khám phá những nét đẹp văn hóa, truyền thống cách mạng của địa phương, góp phần quảng bá du lịch của thị xã Quảng Trị.
Em Trương Thanh Trung Hiếu, học sinh lớp 9C, Trường THCS Thành Cổ, thị xã Quảng Trị nói: “Chúng em được sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Thành Cổ Quảng Trị, một mảnh đất gắn liền với chiến tranh, nhất là cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972 gây chấn động địa cầu. Chính vì thế, chúng em muốn làm video clip để giới thiệu đến với mọi người về ý nghĩa, giá trị lịch sử, truyền thống cách mạng, văn hóa của quê hương và đặc biệt là những chiến công hiển hách, tinh thần đấu tranh anh dũng, quả cảm của quân và dân ta trong chiến dịch 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị. Em rất tự hào về quê hương của mình và em cũng muốn mọi người giống như em”.
Xuất phát từ tình cảm và niềm tự hào đối với quê hương, nên di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị là địa điểm đầu tiên mà các bạn học sinh Trường THCS Thành Cổ muốn giới thiệu, quảng bá thông qua video clip do chính các em thực hiện. Từ việc xây dựng ý tưởng, các em đã có sự phân công công việc cho từng thành viên trong nhóm để triển khai xây dựng tác phẩm. Qua quá trình thực hiện và hoàn thành sản phẩm từ 3 - 5 ngày, video clip của các em đã được đăng tải lên các trang mạng xã hội và đón nhận sự tương tác tích cực của người xem, có tác dụng lan tỏa, quảng bá, giới thiệu về di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị.
Chia sẻ thêm về quá trình thực hiện video clip, em Bùi Hoàng Đan, học sinh lớp 9C, Trường THCS Thành Cổ, thị xã Quảng Trị cho biết: “Trong quá trình làm clip, chúng em cùng lên ý tưởng và phân công công việc cho nhau để đi quay từng địa điểm, phân cảnh. Sau đó, chọn lọc những hình ảnh đẹp nhất về Thành Cổ Quảng Trị, lồng tiếng và thuyết minh. Sau khi clip được đăng tải lên mạng xã hội đã được mọi người đón nhận rất tích cực và có tác động tuyên truyền sâu rộng. Mặc dù vẫn còn nhiều va vấp, nhưng chúng em thấy rất vui”.
Điệu hò Như Lệ, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị là di sản văn hóa phi vật thể cấp tỉnh cũng là một điểm nhấn, mang nét đẹp văn hóa mà các bạn học sinh Trường THCS Thành Cổ muốn quảng bá, giới thiệu. Để hiểu rõ hơn về điệu hò Như Lệ, các em đã tìm đến nghệ nhân Ngô Thị Huế và Ngô Thị Thời ở thôn Như Lệ, xã Hải Lệ để được các nghệ nhân giới thiệu về những giá trị lịch sử cách mạng của điệu hò Như Lệ, cũng như hướng dẫn cách hò điệu hò này. Sau quá trình tìm hiểu về điệu hò Như Lệ, em Hoàng Nguyễn Uyên Nhi, học sinh lớp 9D, Trường THCS Thành Cổ, thị xã Quảng Trị chia sẻ: “Theo em thấy giá trị lịch sử văn hóa của những điệu hò này rất hay, ý nghĩa và cần được lưu truyền qua các thế hệ. Chính vì thế, chúng em là những người con của Quảng Trị cần phải gìn giữ, học tập những điệu hò của quê hương và giới thiệu đến với bạn bè, giúp các bạn hiểu được những giá trị văn hóa, bảo tồn và phát huy”.
Đồng hành với các em trong việc tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về những giá trị lịch sử cách mạng, văn hóa truyền thống của địa phương, Tổ Ngữ văn, Trường THCS Thành Cổ đã thành lập câu lạc bộ (CLB) văn học nghệ thuật với hơn 80 thành viên. Tham gia CLB, các em được cùng nhau giao lưu học tập, chia sẻ về những bài văn, bài thơ hay, những lời hay ý đẹp. Bên cạnh đó, với ý tưởng bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước, các thành viên trong CLB được chia thành các nhóm, mỗi nhóm gồm 10 người để xây dựng các clip, bài viết truyền thông giới thiệu về mảnh đất và con người Quảng Trị.
Sau một thời gian hoạt động, những tác phẩm truyền thông của CLB đã đón nhận sự quan tâm theo dõi, tạo được sân chơi thực sự bổ ích, lý thú để các em tham gia. Cô Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tổ Ngữ văn, Trường THCS Thành Cổ, thị xã Quảng Trị nói: “Thông qua hoạt động của CLB đã tạo sân chơi cho học sinh để các em thỏa sức với niềm đam mê của mình. Các bài thơ, bài vè do chính các em tự sáng tác, cô và trò cùng nhau chuyển thể thành các làn điệu hò có tác dụng tuyên truyền giúp các em không sa vào các tệ nạn xã hội và hiểu rõ hơn về những giá trị văn hóa của dân tộc”.
Thông qua những hoạt động trên đã góp phần giáo dục cho các em tình yêu quê hương, đất nước. Từ đó, giúp cho các em thấy được ý thức, trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống mà cha ông ta đã dày công vun đắp và để lại. Đồng thời, chính các em sẽ trở thành những tuyên truyền viên tích cực để giới thiệu, quảng bá về mảnh đất và con người Quảng Trị, thúc đẩy sự phát triển du lịch ở địa phương.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)