Những năm trước, vào ngày tết cổ truyền dân tộc, nhiều lễ hội truyền thống và hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức ở khắp nơi, tạo nên bức tranh lễ hội Quảng Trị đặc sắc, ấn tượng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, vui chơi, giải trí của Nhân dân...
Tuy nhiên, do tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp, những ngày đầu xuân Nhâm Dần - 2022, chỉ có một số lễ hội truyền thống và hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức nhưng có sự điều chỉnh hợp lý về quy mô, chỉ tổ chức phần lễ, không tổ chức phần hội nhằm mục đích giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống, không khí ngày xuân.
Tết đến, xuân về, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh là điểm đến của hàng nghìn người dân thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng xuân và xem bắn pháo hoa chào đón năm mới. Ông Lê Minh Tuấn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) Quảng Trị cho hay, chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân được tổ chức vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ sang năm mới đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần người dân. Trước tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp, chương trình nghệ thuật mừng Đảng, mừng xuân Nhâm Dần - 2022 không tổ chức trực tiếp tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh.
Thay vào đó, Đài PTTH Quảng Trị phối hợp với Sở VH,TT&DL, một số ca sĩ con em người Quảng Trị, Vũ đoàn The Queen, Bước Việt tổ chức chương trình nghệ thuật, ghi hình vào cuối tháng 1/2022 và phát trên sóng Đài PTTH Quảng Trị vào lúc 0 giờ 20 phút ngày 1/2, nhằm ngày mồng 1 tết Nguyên đán Nhâm Dần và những khung giờ khác. Chương trình có 2 phần gồm: “Bên nhau mùa xuân” và “Xuân và sức sống mới” với nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc, sôi động, hấp dẫn ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước đổi mới và phát triển; ca ngợi những thành tựu nổi bật của tỉnh Quảng Trị trên các lĩnh vực…
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng Phòng Quản lý văn hoá, Sở VH,TT&DL cho biết, thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh về tổ chức các hoạt động lễ hội truyền thống và các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao trong dịp tết Nhâm Dần - 2022, sở đã chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, địa phương không tổ chức các lễ hội truyền thống. Tuy nhiên, đối với những địa phương, đơn vị có đề xuất tổ chức lễ hội với quy mô nhỏ, chỉ tổ chức phần lễ, không tổ chức phần hội đã được sở chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức phần lễ nhằm giữ gìn truyền thống văn hóa. Trong dịp tết Nhâm Dần, đã có một số lễ hội truyền thống như Lễ hội Chợ Đình Bích La (xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong), Hội ném cù truyền thống Cẩm Phổ, An Mỹ (xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh)… được tổ chức theo đúng quy định nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc truyền thống dân tộc, đồng thời quảng bá nét văn hóa đặc sắc, độc đáo của từng làng quê.
Đây được xem là cách làm có nhiều đổi mới, sáng tạo, tuy không được đầy đủ, trọn vẹn theo truyền thống nhưng được đánh giá cao về việc duy trì lễ hội, không bị gián đoạn, tiếp tục gìn giữ, phát huy văn hóa truyền thống của địa phương, không khí ngày Tết. Cũng trong tết Nhâm Dần, nhiều địa phương, đơn vị tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao thiết thực, ý nghĩa như các giải thể thao truyền thống, trò chơi dân gian, viết thư pháp… và các môn thể thao nằm trong chương trình thi đấu đại hội thể dục thể thao các cấp.
Tết Nhâm Dần - 2022, Lễ hội Chợ Đình Bích La chỉ tổ chức phần lễ, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng nghìn người dân và du khách đến thắp hương, cầu mong những điều may mắn, tốt lành trong năm mới. Ông Lê Bá Dũng, Trưởng thôn Bích La Đông (xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong) cho biết, Lễ hội Chợ Đình Bích La có từ hàng trăm năm trước, được xem là một trong những lễ hội truyền thống ấn tượng nhất của tỉnh. Phiên chợ chỉ diễn ra 1 lần trong năm, bắt đầu từ 14 giờ ngày mồng 2 đến ngày mồng 3 tết nguyên đán. Năm nay, lễ hội tuy có quy mô nhỏ, nhưng vẫn được chuẩn bị chu đáo về mọi mặt để phục vụ nhu cầu của người dân và du khách.
Từ chiều mồng 2 Tết, sau khi hoàn thành xong phần lễ, đã tổ chức cho người dân và du khách đến dâng hương, tham quan. Bà Lê Thị Cúc, thôn Bích La Đông cho biết: “Lễ hội năm nay không tổ chức đầy đủ, quy mô như những năm trước, nhưng đây là nỗ lực lớn của địa phương nhằm giữ gìn truyền thống quê hương, không khí ngày Tết. Dẫu chỉ tổ chức phần lễ nhưng vẫn giữ được nét đẹp truyền thống, riêng có để mọi người cầu mong những điều tốt đẹp nhất”.
Anh Nguyễn Hùng, công chức UBND xã Gio Mỹ (huyện Gio Linh) cho biết, hằng năm, người dân 2 thôn Cẩm Phổ và An Mỹ đều tổ chức lễ hội cù vào ngày mồng 4 và mồng 7 Tết, đây là nét đẹp văn hóa có từ hơn 500 năm trước, được giữ gìn, phát huy cho đến nay. Năm nay, hội cù chỉ tổ chức phần lễ để giữ gìn truyền thống của địa phương; phần hội ném cù không tổ chức để phòng, chống COVID-19. Trong phần lễ, các thôn tổ chức đầy đủ các lễ nghi để tưởng nhớ công ơn tổ tiên, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, làm ăn phát đạt, quê hương, đất nước phát triển.
Ông Mai Văn Lành, Trưởng làng An Mỹ cho biết: “Lễ hội cướp cù là nét đẹp văn hóa của người dân làng An Mỹ được tổ chức vào ngày mồng 4 Tết. Năm nay, làng chỉ tổ chức phần lễ để duy trì và giữ gìn truyền thống quê hương. Thời gian tới, khi tình hình COVID-19 ổn định sẽ tổ chức hội cù đầy đủ theo truyền thống để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, vui chơi, giải trí trong những ngày Tết của Nhân dân”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)