Những năm qua, các tăng, ni, phật tử trên địa bàn TP. Đông Hà (Quảng Trị) tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về phòng, chống ma túy đã góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác đấu tranh, phòng ngừa từ xa và đẩy lùi tệ nạn ma túy trong đời sống người dân.
Phó trưởng Công an TP. Đông Hà, Thượng tá Nguyễn Hoài Nam cho biết: “Trước diễn biến tội phạm và tệ nạn ma túy ngày càng phức tạp, với vai trò nòng cốt, lực lượng Công an TP. Đông Hà đã triển khai nhiều giải pháp đấu tranh ngăn chặn và phòng ngừa từ xa, trong đó đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân cùng chung tay thực hiện và đã xây dựng nhiều phong trào, mô hình hiệu quả. Phong trào “Phật giáo Đông Hà tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và xây dựng văn minh đô thị” được triển khai từ năm 2018 là một trong những mô hình mang lại hiệu quả rõ rệt trong công tác phòng ngừa từ xa tội phạm và tệ nạn ma túy.
Sau 5 năm triển khai phong trào, đến nay trên địa bàn TP. Đông Hà đã hình thành 6 mô hình “Phật tử tham gia giữ gìn an ninh trật tự (ANTT) và xây dựng văn minh đô thị” tại các chùa: Nghĩa An (Đông Thanh), Điếu Ngao (Phường 2), Lập Thạch (Đông Lễ), Đại Áng (Đông Lương), Kiều Đàm (Phường 4) Niệm phật đường Đông Lai - Đông Giang (Đông Giang).
Với vai trò, vị trí, uy tín của mình, các sư trụ trì thường xuyên tuyên truyền hướng dẫn phật tử hiểu và thực hành đúng giáo lý, giáo luật của tổ chức, đồng thời, chấp hành tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và địa phương về công tác đảm bảo ANTT, đấu tranh phòng ngừa từ xa tội phạm và tệ nạn ma túy.
Đại đức Thích Tín Giải, Trụ trì Chùa Đại Áng, phường Đông Lương cho biết: Chùa Đại Áng có hơn 150 đạo tràng, gia đình phật tử thường xuyên sinh hoạt. Năm 2018, Chùa Đại Áng xây dựng mô hình “Phật tử tham gia giữ gìn ANTT và xây dựng văn minh đô thị”.
Để mô hình hoạt động hiệu quả, nhà chùa cùng Ban hộ tự nhận được nhiều sự giúp đỡ của lực lượng Công an thành phố trong việc phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: cung cấp các thông tin về ANTT và các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm và tệ nạn ma túy đến với phật tử. Qua đó, giúp phật tử nhận diện được các phương thức, thủ đoạn để đấu tranh, tố giác và không bị đối tượng xấu rủ rê, lôi kéo.
Bên cạnh đó, thông qua hoạt động giảng đạo, nhà chùa cũng lồng ghép để tuyên truyền cho phật tử, đồng thời có biện pháp cảm hóa các đối tượng vướng vào ma túy. Trong thời gian qua, nhà chùa đã cảm hóa được 2 thanh niên có biểu hiện tiếp cận với ma túy, làm cho họ nhận thức được tác hại của ma túy và quay lưng với nó.
Trong thời gian tới, nhà chùa tiếp tục tổ chức các khóa tu mùa hè cho phật tử, đặc biệt chú trọng đến lứa tuổi thanh, thiếu niên. Thông qua khóa tu mùa hè sẽ phối hợp với lực lượng Công an thành phố lồng ghép để tuyên truyền, trong đó chú trọng các hình thức, phương pháp nhằm chạm đến trái tim các phật tử về tác hại của ma túy hủy hoại bản thân, gia đình và xã hội.
Thượng tá Nguyễn Hoài Nam cho biết thêm, với vai trò nòng cốt giữ gìn ANTT trên địa bàn, Công an thành phố thường xuyên cung cấp thông tin về tình hình ANTT và các phương thức hoạt động của các loại tội phạm đến Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố để tuyên truyền trong Nhân dân, phật tử.
Từ năm 2018 đến nay, đã tổ chức mở 6 đợt cao điểm phát động phong trào toàn dân tham gia giữ gìn ANTT bảo vệ an ninh Tổ quốc; 352 lượt tuyên truyền trực tiếp, thu hút 68.837 lượt người tham gia, đặc biệt có sự tham gia của đông đảo phật tử và các tầng lớp nhân dân. Qua đó, giúp các mô hình “Phật tử tham gia giữ gìn ANTT và xây dựng văn minh đô thị” hoạt động ngày càng hiệu quả.
Thông qua hoạt động của các mô hình, các sư trụ trì và Ban điều hành mô hình thường xuyên tuyên truyền vận động phật tử tích cực tham gia giữ gìn ANTT, xây dựng gia đình, địa bàn khu dân cư không có tội phạm, tệ nạn xã hội. Nền nếp sinh hoạt của các chức sắc, chức việc, tín đồ, phật tử được thực hiện theo quy định của pháp luật, theo giáo lý, giáo luật của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, giữ được sự tôn nghiêm tại các cơ sở tín ngưỡng, tạo niềm tin cho tăng, ni, phật tử và Nhân dân địa phương, ngăn ngừa được những biểu hiện gây mất an ninh trật tự ở địa phương.
Công tác quản lý giáo dục con em, người thân trong gia đình không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội ngày càng được chú trọng. Trong các chùa và các niệm phật đường không có tình trạng mua bán, tàng trữ và sử dụng trái phép chất ma túy; các tăng ni, phật tử không có các hoạt động liên quan đến ma túy và các tệ nạn xã hội khác.
Việc triển khai mô hình “Phật giáo Đông Hà tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và xây dựng văn minh đô thị” đã tạo nên mối quan hệ của các tăng, ni, phật tử với cấp uỷ, chính quyền, MTTQ, lực lượng công an và Nhân dân ngày càng được gắn bó, góp phần đẩy mạnh toàn dân tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn ma túy, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong cộng đồng.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)