Có nên tiêm trộn, thay đổi đường tiêm vaccine COVID-19 hay không?

Theo PGS.TS TRẦN ĐÌNH BÌNH - THS TRẦN THANH LOAN (ĐH Y DƯỢC HUẾ) |

Để thực hiện thành công chiến lược tiêm chủng vaccine COVID-19 trong bối cảnh nguồn cung vaccine khó khăn, nhiều chủng loại được sản xuất theo những công nghệ khác nhau, yêu cầu tiêm chủng bao phủ tỉ lệ cao… các tác giả cho rằng, chúng ta có thể rút ngắn khoảng cách 2 mũi tiêm của vaccine AstraZeneca đến 6 tuần. Đồng thời, có thể tiêm trộn một số loại vaccine (nếu thật sự không thể giải quyết được nguồn cung). Nhưng tuyệt đối không thể thay đổi đường tiêm và liều lượng của một mũi tiêm nhằm đảm bảo hiệu lực bảo vệ của vaccine.

Có tiêm trộn các loại vaccine COVID-19 được không?

Hiện tại, các loại vaccine COVID-19 được sản xuất theo các nhóm kỹ thuật khác nhau và cơ chế gây đáp ứng miễn dịch của cơ thể cũng khác nhau:

Vaccine mRNA (Moderna, Pfizer): Phân tử RNA được vaccine này đưa vào để tổng hợp tế bào của cơ thể. Phân tử mRNA của vaccine sẽ hoạt động như một mRNA tự nhiên, khởi động tổng hợp protein mới (bình thường virus sẽ tổng hợp loại protein này). Đến lượt protein mới này kích hoạt đáp ứng miễn dịch của cơ thể chống lại protein của virus.

Vaccine protein (Abdala): Thành phần của vaccine này gồm các mảnh protein tinh khiết của virus SARS-CoV-2. Sau khi cơ thể được tiêm vaccine, hệ miễn dịch sẽ ghi nhận protein này như một “kẻ xâm nhập” và phản ứng miễn dịch tạo ra kháng thể. Vaccine sẽ giúp tế bào nhớ nhận diện, tiêu diệt những tác nhân gây bệnh nếu bị tấn công trong tương lai.

Vaccine vector (AstraZeneca, Johnson & Johnson, Sputnik V): Vaccine được sản xuất dựa vào việc sử dụng một loại virus đã được biến đổi (vector) để vận chuyển mã di truyền cho kháng nguyên (mã di truyền của vaccine phòng virus SARS-CoV-2 là các protein gai trên bề mặt của virus), khi được tiêm vào trong cơ thể, vaccine sẽ kích thích cơ thể tạo ra kháng nguyên để kích hoạt đáp ứng miễn dịch.

Vaccine virus bất hoạt (Vero cell, Hayat - Vax): Thành phần của vaccine này là virus SARS-CoV-2 bất hoạt (bằng nhiệt hay hóa chất) và được bổ sung hydroxit nhôm để tăng cường đáp ứng của hệ thống miễn dịch. Virus bất hoạt trong vaccine được tiêm vào cơ thể, chúng kích thích các tế bào miễn dịch sản xuất các kháng thể tương ứng để sẵn sàng để ứng phó với nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2. 

Ngoại trừ Vaccine Johnson&Johnson được hướng dẫn tiêm một liều duy nhất, các loại vaccine COVID-19 khác đều được hướng dẫn tiêm 2 liều cách nhau khoảng 3-4 tuần và riêng vắc xin AstraZeneca mũi tiêm lần 2 được hướng dẫn sau 8-12 tuần.

Tuy nhiên, do thiếu hụt nguồn cung vaccine do ưu tiên cho các nhóm đối tượng cần tiêm chủng trược, do triển khai tổ chức tiêm chủng rộng rãi… mà có thể xuất hiện thiếu vaccine cho mũi 2.

Vì vậy, đã có nhiều ý kiến và nghiên cứu về việc tiêm loại vaccine khác cho mũi 2 (gọi là tiêm trộn vaccine). Các nghiên cứu cho rằng, việc tiêm trộn 2 mũi vaccine khác loại chỉ được khuyến cáo hạn chế, tốt nhất là 2 mũi vaccine cùng loại.

Việc kết hợp tiêm các loại vaccine khác nhau có thể là giải pháp tình thế trong bối cảnh tình trạng khan hiếm nguồn cung vaccine đang ảnh hưởng tới tiến độ tiêm chủng ở nhiều nước.

Theo nguyên lý, các vaccine sản xuất theo cùng loại kỹ thuật thì có tác động kích hoạt hệ thống miễn dịch tương tự, vì vậy một số loại vaccine có thể tiêm mũi 1 loại này và mũi 2 loại khác.

Còn về lâu dài, vẫn cần có những nghiên cứu sâu hơn trên những nhóm lớn để tìm hiểu và đánh giá khả năng bảo vệ thực tế của mô hình tiêm kết hợp vaccine này. Đến nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn khuyến cáo các quốc gia thận trọng khi quyết định tiêm kết hợp các vaccine COVID-19, vì chưa đủ dữ liệu khoa học.

Tại Việt Nam, từ tình hình thực tế, nhu cầu sử dụng vaccine, để tăng độ bao phủ, tiêm sớm và đúng lịch để phòng chống dịch, ngày 8.9.2021, Hội đồng tư vấn chuyên môn vể sử dụng vaccine của Bộ Y tế đã họp và đưa ra khuyến cáo trong trường hợp khi nguồn cung vaccine COVID-19 mũi 1 đã tiêm không đủ để tiêm mũi 2 thì có thể sử dụng vaccine khác để tiêm mũi 2.

Theo đó, nếu tiêm mũi 1 là vaccine AstraZeneca thì có thể tiêm mũi 2 bằng vaccine Pfizer hoặc Moderna; nếu tiêm mũi 1 vaccine Moderna thì có thể tiêm mũi 2 bằng vaccine Pfizer và ngược lại.

Bộ Y tế đã hướng dẫn tiêm mũi 2 vaccine AstraZeneca hoặc vaccine Pfizer cho người đã tiêm mũi 1 vaccine AstraZeneca sau 8-12 tuần (tại Quyết định số 3588 ngày 26.7.2021 và Công văn số 6030 ngày 27.7.2021).
Tiêm vaccine COVID-19 cho người dân. Ảnh: Nguyễn Hải.
Tiêm vaccine COVID-19 cho người dân. Ảnh: Nguyễn Hải.

Có nên thay đổi đường tiêm vắc xin?

Từ 20.9.2021, các bác sỹ ở Thái Lan được cho phép tiêm vaccine COVID-19 vào dưới da, thay vì tiêm vào cơ bắp như trước đây nhằm tiết kiệm vaccine. Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul cho biết, phương pháp tiêm mới này được tìm ra hồi tháng 8. 

Các bác sĩ có quyền lựa chọn áp dụng phương pháp tiêm mới hoặc tiếp tục tiêm bắp như hướng dẫn của nhà sản xuất. Một liều vaccine có thể tiêm làm 5 mũi dưới da. Lý giải việc làm này, về phía chuyên môn và chiến lược tiêm chủng, một số ý kiến không đồng ý là: Nhà sản xuất đã sử dụng đường tiêm là tiêm bắp, liều phổ biến là 0,5 ml vắc xin chứa đủ số đơn vị kháng nguyên (tùy theo loại vaccine).

Theo nghiên cứu, liều lượng này sẽ kích hoạt đáp ứng miễn dịch của cơ thể để sản xuất kháng thể chống lại SARS-CoV-2 sau 10-14 ngày tiêm và nhà sản xuất cũng quy định khoảng thời gian tương đối cố định để tiêm mũi thứ 2 nhằm củng cố miễn dịch.

Nếu sử dụng đường tiêm dưới da với liều nhỏ hơn thì khả năng kích hoạt đáp ứng miễn dịch có thể không xảy ra, như vậy mục tiêu của sử dụng vắc xin sẽ không đạt được. Việc thay đổi đường tiêm từ tiêm bắp đến tiêm dưới da có thể làm chậm quá trình khuếch tán thuốc vào cơ thể, duy trì sự hiện diện của vắc xin lâu dài hơn, tác động lâu hơn trên hệ miễn dịch. Vì vậy, việc giảm liều còn 1/5 để tiêm dưới da thay cho liều tiêm bắp 0,5 ml nhằm tiết kiệm vắc xin sẽ dẫn đến không đạt hiệu quả miễn dịch bảo vệ.

Có thể rút ngắn khoảng cách giữa mũi 1 và 2 không?

Dù đang có rất nhiều loại vaccine phòng COVID-19 hiện nay, hầu hết đều cần 2 liều tiêm. Các nhà sản xuất đã nghiên cứu các mũi tiêm nhắc lại là rất cần thiết để đảm bảo miễn dịch bền vững. Vì vậy cần phải tiêm chủng đầy đủ các mũi vaccine và tuân thủ khoảng cách của mũi tiêm thứ hai để đạt được hiệu quả bảo vệ cao.

Các vaccine đều có khoảng cách 2 liều tiêm là 3-4 tuần, riêng vaccine AstraZeneca có khoảng cách giữa liều tiêm thứ nhất đến liều tiêm thứ hai được khuyến cáo của nhà sản xuất là 8-12 tuần (2-3 tháng).

Kết quả nghiên cứu cho thấy, liều vaccine AstraZeneca thứ hai tiêm dưới 6 tuần thì có hiệu lực bảo vệ đối với người có triệu chứng là 55,1%; hiệu quả này tăng lên 59,9% khi khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 6-8 tuần; 9-11 tuần là 63,7% và từ 12 tuần trở lên thì lên đến 81,3%.

Như vậy, rõ ràng nếu khoảng cách giữa 2 lần tiêm không đảm bảo khuyến cáo của nhà sản xuất thì hiệu quả bảo vệ của vắc xin được chứng minh là thấp...

Do yêu cầu bao phủ dân số đã được tiêm chủng trên 70% và với nhiều loại vaccine được sử dụng, trong đó chủ yếu là vaccine AstraZeneca. Đối với các loại vaccine có khoảng cách giữa 2 liều tiêm 3-4 tuần thì ít bị ảnh hưởng, tuy nhiên khi sử dụng vaccine AstraZeneca thì thời gian tiêm mũi 2 quá dài. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng có thể rút ngắn khoảng thời gian giữa 2 liều.

Về mặt chuyên môn, việc rút ngắn khoảng cách này sẽ giảm hiệu lực bảo vệ của vaccine hoặc hiệu quả không cao. Vì vậy, có lẽ nên theo khuyến cáo của nhà sản xuất, chúng ta nên duy trì khoảng cách 2 liều tiêm ít nhất là 8 tuần, không nên rút ngắn dưới 4 tuần. Bởi vì khi rút ngắn khoảng cách 2 liều, thì có thể nhanh chóng bao phủ tỉ lệ tiêm chủng, nhưng hiệu quả thấp, đó là một kiểu lãng phí và có thể nguy hiểm vì nguy cơ nhiễm, diễn tiến nặng và tử vong vẫn có thể cao, mất thương hiệu của vaccine.

Ngày 24.9.2021, trong tình hình diễn biến phức tạp hiện nay của dịch bệnh COVID-19 tại TPHCM, để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, việc đẩy nhanh tiến độ bao phủ mũi 2 vaccine phòng COVID-19 cho người dân, Bộ Y tế đã có ý kiến chỉ đạo, thống nhất cho phép người tiêm mũi 1 bằng loại vaccine AstraZeneca sẽ tiếp tục tiêm mũi 2 bằng vaccine này hoặc Pfizer sau thời gian tối thiểu là 6 tuần. Như vậy là vừa rút ngắn được khoảng thời gian giữa 2 mũi tiêm, vừa thực hiện tiêm trộn vaccine, giúp TPHCM nhanh chóng tiêm chủng COVID-19 đạt tỉ lệ bao phủ cao để chuyển hoạt động của thành phố nói riêng và của cả nước nói chung sang trạng thái bình thường mới.


TAGS

Những điều cần biết khi đi tiêm phòng vắc xin COVID-19

PV |

Trước khi tiêm chủng

Hơn chục bác sỹ Indonesia tử vong dù đã được tiêm phòng đủ 2 mũi

Bích Liên |

Người phụ trách dập dịch của Hiệp hội Y khoa Indonesia Mohammad Adib Khumaidi nói: 'Chúng tôi vẫn đang cập nhật số liệu và xác định liệu các trường hợp tử vong khác đã được tiêm vaccine hay chưa.'

Công an vào cuộc điều tra tin giả tiêm phòng COVID-19

Vinh Thông |

 Công an tỉnh Quảng Ngãi đang vào cuộc xác minh điều tra làm rõ thông tin giả mạo về việc tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19.

Sau khi tiêm phòng vaccine COVID-19, bạn cần làm gì để an toàn?

CTV Châu Nhi |

Bạn đã được tiêm phòng đầy đủ chống lại virus SARS-CoV-2, vậy bạn cần làm gì tiếp theo? Đừng nghĩ tới việc tháo khẩu trang và trở lại các hoạt động bình thường ngay lập tức.