Cứu hỏa ở bên kia biên giới

Trương Quang Hiệp |

Mỗi lần nhận được những lời đề nghị giúp đỡ từ bên kia biên giới, các cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) - Công an Quảng Trị đều không nề hà gian khó, hiểm nguy, khẩn trương sang nước bạn để hỗ trợ. Từ lâu, họ đã xem việc giúp cán bộ, người dân Lào là một trong những nhiệm vụ chuyên môn quan trọng của mình.


Giúp bạn như giúp mình

Đến nay, Thượng tá Lê Văn Hoàng, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã có 33 năm gắn bó với nghề. Trong ngần ấy thời gian, Thượng tá Hoàng từ một chiến sĩ mới bỡ ngỡ bước chân vào nghề đã trở thành một trưởng phòng dạn dày kinh nghiệm. Dẫu vậy, ở thời điểm nào, ông cũng không cho phép mình và đồng đội chủ quan, lơ là trước “giặc hỏa”. Hơn ai hết, Thượng tá Hoàng biết, phía sau mỗi vụ cháy là sinh mạng, tài sản, là mồ hôi, nước mắt của người dân. Trong lúc nguy cấp, khốn khó nhất, bà con đặt hết lòng tin vào những người lính cứu hỏa.

 

Chuyên tâm với công việc, Thượng tá Lê Văn Hoàng và các cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH không thể nhớ hết số vụ cứu hỏa mà mình từng tham gia. Tính riêng 9 tháng đầu năm 2023, cán bộ, chiến sĩ của phòng đã dập tắt 35 vụ cháy. Nỗ lực ấy càng được ghi nhận, đánh giá cao trong bối cảnh đơn vị đang thiếu cả về nhân lực lẫn phương tiện, trang thiết bị... Để khắc phục khó khăn, nhiều năm nay, các cán bộ, chiến sĩ của phòng phải luôn nỗ lực gấp đôi trong công việc. Họ xem gian khó, hiểm nguy là một phần quen thuộc của nghề.

Đảm đương khối lượng công việc lớn nhưng điều đáng ghi nhận là cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH vẫn tình nguyện đảm đương “nhiệm vụ quốc tế”. Từ Quảng Trị, họ từng nhiều lần gấp rút sang tỉnh Savannakhet và Salavan, Lào để chữa cháy. “Thuận lợi của chúng tôi là có một đội chữa cháy đóng tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, với khoảng 20 cán bộ, chiến sĩ và 3 xe cứu hỏa. Vì thế, khi tiếp nhận thông tin về các vụ cháy ở khu vực biên giới nước bạn, anh em di chuyển khá nhanh. Tùy vào tính chất của vụ cháy, lãnh đạo phòng sẽ có hay không huy động thêm lực lượng, phương tiện, thiết bị từ TP. Đông Hà và các địa phương khác sang để hỗ trợ, tiếp ứng”, Thượng tá Lê Văn Hoàng cho biết.

Thực tế, sang Lào cứu hỏa, cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH gặp rất nhiều thử thách. Trước tiên, hầu hết các vụ cháy mà cán bộ, người dân nước bạn đề nghị hỗ trợ đều lớn, đe dọa đến tính mạng, tài sản của nhiều người. Trong khi đó, phần lớn những người lính cứu hỏa đến từ Quảng Trị chưa quen với địa hình, địa vật, địa điểm có nguồn nước... trên lãnh thổ nước bạn. Ngay việc giao tiếp cũng gặp trở ngại do rào cản ngôn ngữ. Vì thế, nếu không làm việc với tinh thần “giúp bạn như giúp mình”, các cán bộ, chiến sĩ khó hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao.

Những nhiệm vụ “xuyên biên giới”

Bên chén nước trà nóng, cuộc chuyện trò giữa chúng tôi với cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH dường như sôi nổi hơn khi nhắc đến những lần “xuyên biên giới” cứu hỏa. Thông thường, mỗi khi có vụ cháy lớn xảy ra, lãnh đạo địa phương hoặc lực lượng chức năng của nước bạn Lào lại liên lạc sang UBND tỉnh, Công an Quảng Trị để nhờ chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, vì quá lo lắng, người dân đã liên lạc trực tiếp với Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH. Mỗi lần như vậy, các cán bộ, chiến sĩ của phòng phải tiếp ứng một nhanh chóng, linh hoạt, đảm bảo đúng quy định. Vụ chữa cháy ở chợ Ka Rôn, huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet là một trường hợp như thế.

Thiếu tá Đoàn Thanh Tú (ngoài cùng, phía bên phải) và đồng đội xem việc hỗ trợ người dân nước bạn Lào là nhiệm vụ quan trọng - Ảnh: T.L
Thiếu tá Đoàn Thanh Tú (ngoài cùng, phía bên phải) và đồng đội xem việc hỗ trợ người dân nước bạn Lào là nhiệm vụ quan trọng - Ảnh: T.L

Nhắc lại chuyện cũ, nhiều cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH vẫn nhớ như in cảm giác lo lắng khi mới tiếp cận đám cháy. Trong đêm, đám cháy bùng lên ở chợ Ka Rôn, rồi lây lan dữ dội với diện tích khoảng 4.500 m2. Ngọn lửa bốc cao hàng chục mét kèm theo tiếng nổ lớn khiến ai cũng hãi hùng. Nếu không kịp thời dập tắt, đám cháy có thể uy hiếp các nhà dân ở gần chợ và khu vực lân cận. Nhận thức rõ điều đó, các cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH không cho phép mình có một phút ngơi nghỉ. Khi biết chợ Ka Rôn và khu vực lân cận không có bể nước chữa cháy, lãnh đạo phòng nhanh chóng chỉ đạo lực lượng, phương tiện quay ngược trở lại Việt Nam để lấy nước. Nhờ sự linh hoạt giải quyết tình huống như thế cùng nỗ lực chung của toàn đội, những người lính cứu hỏa Quảng Trị mới khống chế thành công đám cháy lớn, ngăn không để lửa lan sang 30 hộ kinh doanh, buôn bán liền kề.

Trong một số vụ việc, nhờ sự hỗ trợ kịp thời của cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH mà các đơn vị, doanh nghiệp ở Lào tránh được thiệt hại về tài sản lên đến hàng chục, thậm chí cả trăm tỉ đồng. Ví dụ như vụ cháy xảy ra tại Nhà máy Chế biến cao su Sê Pôn nằm ở bản Seman, huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet, Lào. Ngay khi lực lượng của ta tiếp cận, đám cháy đã bùng phát, lan rộng trong toàn bộ dây chuyền sấy mủ cao su có diện tích khoảng 200 m2 . Khói và khí độc bao trùm toàn bộ nhà máy.

Ngọn lửa nhanh chóng bén lên bề mặt các miệng lò sấy. Nguy cơ lửa lan ra toàn bộ nhà máy và các khu vực lân cận là khá cao. Trên cơ sở trinh sát, chỉ huy tại hiện trường, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đã quyết liệt triển khai phương tiện và áp dụng các biện pháp kỹ thuật, chiến thuật chữa cháy để ngăn chặn cháy lan sang các khu vực xung quanh, tiến tới khống chế đám cháy.

Đồng thời, các cán bộ, chiến sĩ nhanh chóng hướng dẫn người lao động di chuyển, sơ tán tài sản chưa bị cháy ra khu vực an toàn. Sau hơn 3 giờ giằng co với lửa, những người lính cứu hỏa mới khống thế, dập tắt hoàn toàn đám cháy, bảo vệ tài sản ước tính hơn 100 tỉ đồng cho nhà máy.

Ngoài 2 nhiệm vụ kể trên, cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH còn nhớ rất nhiều chuyến “xuyên biên giới” chữa cháy khác. Ở nhiệm vụ nào, họ cũng làm việc với tất cả tinh thần, trách nhiệm. Không nề hà hiểm nguy, những người lính dũng cảm lao vào biển lửa với mong muốn giúp người dân nước bạn hạn chế tối đa thiệt hại.

Cũng vì thế, dẫu nhiều khi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhưng các anh vẫn trở về với sự canh cánh trong lòng. Theo cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, hầu hết những người dân ở khu vực biên giới của nước bạn Lào đều có hoàn cảnh khó khăn. Khi hỏa hoạn xảy ra, dù thiệt hại ít hay nhiều thì họ cũng mất nhiều thời gian để vực dậy kinh tế gia đình.

Thắt chặt tình nghĩa Việt - Lào

Sau mỗi lần cứu hỏa ở Lào, hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an Quảng Trị thêm in sâu trong trái tim người dân nước bạn. Sự biết ơn, yêu quý ấy được thể hiện sinh động bằng nhiều cách. Đôi khi, nó chỉ đơn sơ, mộc mạc bằng ánh mắt, lời cảm ơn, ly nước mát...

Biết lính cứu hỏa nước bạn vất vả, một số người dân nhiệt tình chung sức, hỗ trợ. Không dừng lại ở đó, nhiều lần lãnh đạo, lực lượng chức năng tỉnh Savannakhet còn sang Quảng Trị thăm hỏi, gửi lời cảm ơn và trực tiếp khen thưởng những người lính cứu hỏa. Đơn cử như sau vụ hỏa hoạn xảy ra ở chợ Ka Rôn, 46 cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH tham gia dập tắt đám cháy đã nhận giấy khen của Giám đốc Công an tỉnh Savannakhet.

Đến giờ, Thiếu tá Đoàn Thanh Tú, Phó Đội trưởng Đội Chữa cháy và CNCH khu vực Đông Hà vẫn còn lưu giữ tấm giấy khen của Giám đốc Công an tỉnh Savannakhet. 17 năm gắn bó với công việc mà không phải ai cũng đủ tâm huyết để làm, với những cống hiến của mình, anh đã nhận rất nhiều danh hiệu, bằng khen, giấy khen.

 

Trước đây, khi đứng ở ngưỡng cửa chọn nghề, nhiều người khuyên anh không nên theo công việc tiềm ẩn rủi ro, nguy hiểm này nhưng anh vẫn bền bỉ với lựa chọn của mình. Anh nghĩ: “Nếu ai cũng chọn việc nhẹ nhàng thì lấy đâu ra người gánh vác việc gian khó, hiểm nguy”.

Điều đáng mừng là qua mỗi năm công tác, suy nghĩ ấy càng sáng rõ, thôi thúc anh cống hiến nhiều hơn, không chỉ cho người dân trên địa bàn phòng quản lý mà cả bà con nước bạn Lào. “Với công việc đang làm, chúng tôi không lấy việc được tuyên dương, khen thưởng làm mục tiêu. Mong muốn lớn nhất của tôi cũng như đồng nghiệp là người dân được an toàn về tính mạng, tài sản... Nói như vậy không có nghĩa là anh em không trân quý những tấm bằng khen, giấy khen.

Thực ra, chúng tôi xem đây là một trong những niềm vui mà công việc mang lại. Đặc biệt, tấm giấy khen từ nước bạn Lào mang lại cho tôi và đồng đội những cảm xúc mạnh mẽ”, Thiếu tá Đoàn Thanh Tú bộc bạch.

Chia sẻ của anh Tú cũng là suy nghĩ, cảm nhận của phần lớn cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH. Với họ, “cảm xúc mạnh mẽ” ấy bắt nguồn từ nhiều cung bậc tình cảm, trong đó có niềm vui khi được góp sức giúp người dân nước bạn.

Sau mỗi lần “xuyên biên giới” cứu hỏa, một cách rất tự nhiên, những người lính cứu hỏa ở Quảng Trị đã góp phần giúp mối quan hệ hữu nghị Việt - Lào càng thêm bền chặt, sắt son.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Công an TP. Đông Hà: Đẩy mạnh công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

Diệu Thúy |

Trước tình hình cháy, nổ có chiều hướng diễn biến phức tạp, Công an TP. Đông Hà (Quảng Trị) đã chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm phòng ngừa, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân đối với công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Cam Lộ: Phát động Phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy”

Lê Trường |

Ngày 4/10, Công an huyện Cam Lộ (Quảng Trị) phối hợp UBND thị trấn Cam Lộ tổ chức Lễ phát động Phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy”; tập huấn kỹ năng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH); trao tặng bình chữa cháy cho 100% hộ nghèo, các đội dân phòng trên địa bàn thị trấn.

Thừa Thiên-Huế ngập úng nặng do mưa lớn, hai cột điện bị đổ và cháy

Đỗ Trưởng |

Mưa lớn, dông lốc ngày 25/9 đã làm sáu người bị thương và 84 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng tại một số địa phương ở Thừa Thiên-Huế; một cột điện trung thế bị đổ và một cột điện bị cháy ở thành phố Huế.

Nguy cơ cháy nổ và những lưu ý khi dùng các sản phẩm có pin sạc lithium

Lê Vân |

Nguy hiểm cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào với các thiết bị cần dùng đến pin sạc.