Nhằm hỗ trợ kịp thời cho các trường hợp bệnh nhân cấp cứu mất quá nhiều máu, cần phải truyền máu gấp, đầu năm 2022, mô hình “Hiến máu tình nguyện cấp cứu” tại xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã được triển khai.
Đến nay, mô hình ý nghĩa này vẫn đang được duy trì hiệu quả, qua đó góp phần cứu sống rất nhiều bệnh nhân trên địa bàn huyện nói riêng và toàn tỉnh nói chung.
Đang bận rộn với công việc tại cơ quan, nhưng sau nhận được tin nhắn với nội dung: “Khẩn cấp! Khẩn cấp! Mọi người có ai hoặc quen biết ai ở huyện Vĩnh Linh có nhóm máu A có thể đến ngay Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Vĩnh Linh giúp người thân mình được không ạ? Hiện tại tình hình của người thân mình rất nguy kịch” từ Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) xã Vĩnh Tú qua nhóm zalo, chị Nguyễn Thị Loạn cùng với 2 thành viên khác trong mô hình “Hiến máu tình nguyện cấp cứu” của xã sắp xếp công việc đến Trung tâm Y tế (TTYT) huyện ngay.
Được biết, đây không phải là lần đầu chị nhận được những tin nhắn “cầu cứu” như thế này. Hơn 20 năm về trước, chị Loạn đã bắt đầu tham gia hiến máu tình nguyện. Khi ấy, dù cơ thể hơi gầy do thường xuyên mắc các bệnh vặt như cảm, viêm họng... nhưng được sự vận động tích cực của Hội CTĐ xã, chị đăng ký tham gia.
Trái với những lo lắng của chị, sau lần hiến máu ấy, cơ thể chị Loạn trở nên khỏe mạnh hơn, sức khỏe ổn định, không còn đau bệnh vặt. Do đó, chị dần duy trì việc hiến máu vào mỗi đợt hiến máu tình nguyện do địa phương tổ chức và vận động những người xung quanh cùng tham gia. Đầu năm 2022, khi mô hình “Hiến máu tình nguyện cấp cứu” của xã được triển khai, chị và những thành viên khác đã trực tiếp thực hiện hiến máu cấp cứu cho rất nhiều ca bệnh nhập viện trong tình trạng mất máu, góp phần giữ lại sự sống cho họ.
“Từ khi có mô hình “Hiến máu tình nguyện cấp cứu”, chúng tôi tiếp nhận mọi thông tin đã được xác minh qua zalo nên việc hiến máu cũng nhanh chóng và kịp thời hơn. Anh chị em tham gia mô hình luôn trong trạng thái sẵn sàng, chỉ cần có thông báo sẽ lập tức “lên đường”, không kể lúc nào. Cảm giác khi biết giọt máu của mình kịp thời cứu sống người khác, hạnh phúc vô cùng”, chị Loạn bộc bạch.
Mô hình “Hiến máu tình nguyện cấp cứu” xã Vĩnh Tú hiện có khoảng hơn 20 người tham gia và hầu hết họ đều là thành viên CLB Vận động hiến máu tình nguyện tỉnh Quảng Trị. Mỗi người một công việc, một cuộc sống khác nhau, thế nhưng ở họ có chung sự năng nổ, nhiệt tình và một trái tim nhân đạo, luôn sẵn sàng trao gửi giọt máu của mình với hy vọng cứu sống người bệnh trong lúc hoạn nạn.
Niềm vui khi góp phần cứu sống người khác có lẽ không của riêng chị Loạn mà còn là niềm vui chung của các thành viên đang tham gia mô hình ý nghĩa này, trong đó có anh Trần Văn Thông. Chia sẻ với chúng tôi, anh cho hay, từ khi được thực hiện, mô hình “Hiến máu tình nguyện cấp cứu” xã Vĩnh Tú nhận được sự đồng thuận, ủng hộ cao từ chính quyền, đặc biệt là người dân địa phương.
“Thực ra trước khi mô hình đi vào hoạt động, cá nhân tôi hay một số anh chị em đều đã từng tham gia hiến máu khẩn cấp tại TTYT huyện. Tuy nhiên, vì hoạt động rời rạc nên có khi tiếp nhận thông tin thì không còn kịp nữa. Bây giờ có nhóm zalo, điện thoại của tôi luôn mở máy 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin. Chúng tôi luôn tâm niệm “một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”, những giọt máu được sẻ chia sẽ cứu sống thêm nhiều cuộc đời”, anh Thông nói.
Ngoài ra, anh cũng cho biết thêm, ngoài nhiệm vụ chính là hiến máu tình nguyện khẩn cấp, mỗi thành viên tham gia mô hình đều là một tuyên truyền viên tích cực. Họ vận động, chia sẻ với mọi người về mục đích, ý nghĩa và sự cần thiết của hiến máu nhân đạo. Cũng từ sự vận động này mà thời gian qua, số lượng người tham gia hiến máu trên địa bàn xã Vĩnh Tú được tăng lên đáng kể.
Chủ tịch Hội CTĐ xã Vĩnh Tú Trần Thị Ly, người có 32 lần hiến máu nhân đạo, cũng là người đã sáng kiến ra mô hình “Hiến máu tình nguyện cấp cứu” bộc bạch, mô hình này được hình thành từ những lời “cầu cứu” trên mạng xã hội. “Mỗi lần lướt facebook hay zalo mà vô tình nhìn thấy thông tin “cần truyền máu khẩn cấp”, nếu không liên lạc kịp với mọi người thì tôi lại một mình “phi” xe đến TTYT huyện hay Bệnh viện Đa khoa tỉnh để thực hiện hiến máu ngay.
Tuy nhiên, nếu chỉ một mình tôi thì chưa đủ. Cần phải có nhiều người chung tay thì mới có thể góp phần cứu sống nhiều bệnh nhân hơn. Vì thế mà tôi đã sáng tạo ra mô hình này”, chị Ly chia sẻ. Kể từ khi được triển khai thực hiện, mô hình “Hiến máu tình nguyện cấp cứu” đã góp phần cứu lấy sự sống cho rất nhiều bệnh nhân trên địa bàn và toàn tỉnh. Như trường hợp của một cô giáo cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong tình trạng mất nhiều máu đã được 7 người trong xã trực tiếp hiến máu khẩn cấp.
“Có rất nhiều trường hợp cần máu trong đêm khuya, chúng tôi cũng không kịp hỏi tên, nhìn mặt họ. Chỉ cần nghe thông báo tình trạng bệnh nhân đã ổn định, mọi người thở phào nhẹ nhõm ra về nghỉ ngơi để ngày mai còn đi làm.
Tôi quan niệm rằng, khi trao đi một phần nhỏ lượng máu của mình là ta đã thắp lên một ngọn lửa, đem lại hy vọng sống cho các bệnh nhân đang cần máu gấp, vậy nên tôi muốn được cho đi thật nhiều!”, chị Ly nói.
Tuy chỉ mới triển khai hơn một năm nhưng mô hình đã tạo được những giá trị vô cùng to lớn. Chị Ly cho biết, thời gian tới, chị sẽ tiếp tục duy trì và phát triển mô hình.
Chủ nhiệm CLB Vận động hiến máu tình nguyện tỉnh Nguyễn Xuân Dương cho hay: “Theo tôi, đây là một mô hình khá mới và ý nghĩa. Mong rằng mô hình này sẽ ngày càng được nhân rộng, không chỉ trên địa bàn huyện Vĩnh Linh mà còn nhiều địa phương khác, để những ai không may gặp nạn được truyền máu kịp thời và để tất cả mọi người đều có hiểu biết nhiều hơn về hiến máu tình nguyện”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)