Tuy đạt được nhiều thành công trong cuộc chiến chống COVID-19 thế nhưng chính quyền, nhân dân Đà Nẵng vẫn nâng cao nhận thức, tuân thủ các quy định về phòng chống dịch bệnh, đặc biệt trong dịp nghỉ lễ sắp đến.
Ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng vừa ký văn bản yêu cầu các đơn vị tiếp tục thực hiện, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch, lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 đối với các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm.
Trong công văn, ông Lê Trung Chinh đề nghị chính quyền, các doanh nghiệp, người dân cần nâng cao nhận thức và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại cộng đồng, các khu vực tập trung đông người như trường học, cơ sở y tế, khu, điểm du lịch, nhà ga, sân bay.
Riêng đối với ngành du lịch, UBND TP.Đà Nẵng đã giao Sở Du lịch phối hợp với Sở Y tế xem xét các phương án nhập cảnh, cách ly y tế phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở lưu trú; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, yêu cầu cơ sở lưu trú thực hiện cách ly y tế chuẩn bị đầy đủ, đảm bảo các điều kiện cách ly y tế và chất lượng phục vụ theo quy định; yêu cầu toàn bộ quản lý và nhân viên khách sạn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng, chống dịch. Công an thành phố phối hợp với UBND các quận, huyện, đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, xử lý theo quy định đối với các trường hợp vi phạm phòng chống dịch, nhập cảnh trái phép trên địa bàn.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại các khu vực như bến xe, ga và sân bay Đà Nẵng, việc phòng chống dịch bệnh được các đơn vị thực hiện chặt chẽ. Đơn cử như tại bến xe Đà Nẵng, toàn bộ các nhà xe ra Bắc, vào Nam đều phải thực hiện cam kết yêu cầu hành khách khai báo y tế, rửa tay sát khuẩn và đeo khẩu trang trong suốt hành trình.
Đối với những trường hợp người dân không tuân thủ thực hiện, đại diện nhà ga, bến xe và sân bay Đà Nẵng sẽ có lực lượng nhắc nhở, hướng dẫn và cấp phát khẩu trang miễn phí.
Anh Nguyễn Văn Tuấn, tài xế chuyến Đà Nẵng - Buôn Ma Thuột cho biết, khi tình hình dịch COVID-19 được khống chế, có tình trạng một bộ phận hành khách xuất hiện tâm lý chủ quan. Tuy vậy, phía bến xe Đà Nẵng và nhà xe đều cử lực lượng chuyên trách để tuyên truyền, nhắc nhở mọi người nâng cao cảnh giác phòng dịch bệnh. Như nhà xe của anh Tuấn, trước, trong và sau chuyến hành trình, tài xế luôn chuẩn bị các hộp khẩu trang, bình rửa tay sát khuẩn để hành khách sử dụng khi cần.
Anh Tuấn chia sẻ, việc tài xế nâng cao cảnh giác là để giúp bản thân, người thân và mọi người an toàn trước dịch bệnh. Xa hơn nữa, mỗi người dân nếu có ý thức sẽ tạo ra sự lan tỏa cộng đồng, qua đó giúp Việt Nam đẩy lùi thành công dịch bệnh COVID-19.
Hay như tại Ga Đà Nẵng, việc chấp hành các quy định về phòng chống dịch cũng được hành khách tuân thủ thực hiện.
Bà Lê Thị Tuyến - Đội trưởng đội khách vận ga Đà Nẵng cho biết, trung bình mỗi ngày hành khách đến Ga Đà Nẵng trả lại từ 300 đến 500 vé tàu, chủ yếu là các tỉnh phía Bắc. Dự kiến, lượng khách đi và đến ga Đà Nẵng từ thời điểm này đến dịp nghỉ lễ 30.4, 1.5 sẽ tăng cao. Chính vì thế nên Ga Đà Nẵng đã tăng cường công tác bán vé và phòng chống dịch bệnh. Phương châm của ngành đường sắt là tạo điều kiện thuận lợi để hành khách đi tàu và không được lơ là các quy định về phòng dịch.
“Phần lớn mọi người khi đến ga Đà Nẵng đều được các nhân viên ở ga hướng dẫn các quy định về phòng chống dịch. Đa phần mọi người đều vui vẻ tuân thủ chấp hành các quy định này” - bà tuyến chia sẻ.
Tuy vậy, tại các sự kiện du lịch, các bãi tắm biển, các điểm tham quan tự do, người dân và du khách vẫn còn chủ quan, không đeo khẩu trang. Đáng nói là không có ai, đơn vị chức năng nào giám sát, xử phạt hay nhắc nhở ở những nơi công cộng, đông người này.
Sân bay Tân Sơn Nhất: Yêu cầu Hành khách chấp hành việc đeo khẩu trang, sát khuẩn tay
Chiều 11.4, theo ghi nhận của phóng viên tại sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM), rất đông hành khách đứng xếp hàng chờ làm thủ tục check-in. Dù dịch bệnh về cơ bản đã được kiểm soát, song tất cả hành khách đều vẫn chấp hành nghiêm chỉnh việc đeo khẩu trang, sát khuẩn tay,... khi đến nơi công cộng.
Tại tất cả các cửa ra vào của sân bay đều có khu vực cho hành khách sát khuẩn tay. Thêm vào đó, đội ngũ nhân viên sân bay có mặt 24/24 để nhắc nhở những người dân vô tình kéo khẩu trang xuống dưới cằm.
Ngoài ra, sân bay cũng liên tục phát loa thông tin về dịch bệnh cũng như nhấn mạnh về việc người dân cần đeo khẩu trang trong suốt quá trình ở sân bay và quá trình di chuyển. Với những hành khách vô tình kéo khẩu trang xuống dưới cằm, bảo vệ cũng có mặt ngay lập tức để nhắc nhở.
Trước khi làm thủ tục, các hành khách đứng khai báo y tế online theo hướng dẫn trên banner của sân bay. Với những hành khách có tuổi, không thành thạo công nghệ, các nhân viên sân bay hướng dẫn hành khách thực hiện khai báo y tế.
Có mặt tại sân bay vào chiều 11.4, Anh Lê Hoàng (Vũng Tàu) cho biết, hiện tại, anh và các thành viên trong gia đình đều luôn nhắc nhở lẫn nhau về việc đeo khẩu trang khi đi ra ngoài.
"Tôi thấy mặc dù hiện tại tình hình dịch tại Việt Nam cơ bản đã được kiểm soát ổn định, nhưng việc mang khẩu trang khi ra đường thời điểm này vẫn rất cần thiết để phòng, tránh lây nhiễm dịch bệnh. Bên cạnh đó, trong quá trình tôi di chuyển từ nhà ra sân bay việc mang khẩu trang cũng phòng tránh khói bụi, ô nhiễm", anh Hoàng nói.
Cùng quan điểm với anh Hoàng, chị Nguyễn Ngọc Anh (quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh) cho biết, chị luôn đeo khẩu trang mỗi khi ra ngoài để bảo vệ cho chính bản thân và những người xung quanh. Dù hiện tại chị đã có thể an tâm đi du lịch, nhưng việc phòng tránh vẫn vô cùng quan trọng. TÚ ANH
(Nguồn: Báo Lao Động)