Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng chỉ đạo, nếu trong 7 ngày phong tỏa, người dân phản ánh thiếu thực phẩm cung ứng, hoặc chất lượng thực phẩm không đảm bảo sẽ quy trách nhiệm cá nhân.
Ngày 15/8, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng họp bàn các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố.
Phát biểu chỉ đạo, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho hay, đến thời điểm này, các đơn vị, địa phương cơ bản đã chuẩn bị kỹ các khâu trong 7 ngày dừng hoạt động toàn thành phố, chỉ còn một số điểm chưa thống nhất trong phối hợp giữa các sở ngành.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng đề nghị các đơn vị, địa phương tập trung giải quyết, chuẩn bị những vấn đề còn thiếu sót, kể cả làm xuyên đêm, để sáng 15/8 ra quân được thuận lợi, thể hiện quyết tâm; Công an thành phố tổ chức ra quân sớm, đến 8 giờ ngày 16/8 phát lệnh dừng hết hoạt động, nếu ai vi phạm thì phải xử lý nghiêm.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị tất cả Ban Thường vụ các quận, huyện gửi báo cáo về Thường trực Thành ủy thông qua Văn phòng Thành ủy về việc triển khai thực hiện quyết định số 2788/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân thành phố, trong đó nêu rõ phân công trách nhiệm cho từng đồng chí cấp ủy viên phụ trách từng địa bàn, để gắn trách nhiệm các đồng chí này, căn cứ vào kết quả để đánh giá cán bộ đảng viên.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cũng yêu cầu các quận, huyện và sở ngành trong chỉ đạo phải đảm bảo 3 nhiệm vụ lớn gồm: Triển khai tổ chức lấy mẫu xét nghiệm đảm bảo đúng đối tượng, mức độ bao phủ, để làm cơ sở đánh giá tình hình dịch bệnh trên địa bàn; các địa phương phải chịu trách nhiệm giám sát không để người dân không ra khỏi nhà.
Công an thành phố báo cáo đánh giá địa bàn nào làm tốt và địa bàn nào không làm tốt, công khai việc xử lý vi phạm phòng, chống dịch; Sở Công Thương và các địa phương đảm bảo cung ứng thực phẩm cho người dân.
“Nếu hàng ngày tổng đài 1022 nhận phản ánh của người dân về việc cung ứng thực phẩm, mà các lực lượng chức năng kiểm tra đúng người dân đang thiếu, cung ứng không đúng không đủ, kể cả cung ứng rau héo, thịt cá thối thì phải quy trách nhiệm cá nhân, xem đó là lỗi của ai,” ông Quảng nhấn mạnh.
Theo báo cáo Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng thông tin, tính từ 13 giờ ngày 14/8 đến 13 giờ ngày 15/8, Đà Nẵng ghi nhận 79 trường hợp mắc COVID-19, trong đó 33 trường hợp đã được cách ly, 34 trường hợp cách ly tại nhà, 3 trường hợp trong khu phong tỏa, 9 trường hợp hợp chưa được cách ly.
Đà Nẵng có 2 chuỗi lây nhiễm có nguy cơ rất cao là các khu vực phong tỏa tại quận Sơn Trà và Chợ Đầu mối Hòa Cường. Như vậy tính từ ngày 10/7, thành phố ghi nhận 1.779 trường hợp mắc COVID-19.
Trong ngày 15/8, Đà Nẵng đã lấy mẫu xét nghiệm 50.231 lượt người; hiện đang thực hiện cách ly, giám sát 2.965 trường hợp F1 và 5.102 trường hợp F2; đang điều trị 1.129 bệnh nhân, 35 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh và xuất viện; các quận huyện đã xử phạt 13 trường hợp có hành vi phạm các biện pháp phòng, chống dịch.
Chiều 15/8, tại Trung tâm hành chính thành phố Đà Nẵng, Tập đoàn Sun Group đã trao gói hỗ trợ trị giá 45 tỷ đồng mua lương thực, thực phẩm và kit xét nghiệm COVID-19 để tiếp sức Đà Nẵng chống dịch.
Cụ thể, Tập đoàn Sun Group sẽ hỗ trợ nhu yếu phẩm cho 30.000 hộ dân nghèo, cận nghèo, các hộ có hoàn cảnh khó khăn tại Đà Nẵng, tặng 100.000 kit test nhanh COVID-19 và 1.400 tấn rau, củ, quả tươi dùng trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách nghiêm ngặt.
Cùng ngày, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng đã ban hành công văn số 5260/UBND-KGVX về việc triển khai Quyết định số 2788/QĐ-UBND ngày 14/8/2021 của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố về việc điều chỉnh, bổ sung các biện pháp cấp bách để phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, trong thời gian Đà Nẵng phong tỏa 7 ngày, từ 16/8 đến 23/8, người dân thực hiện nghiêm việc ở nhà, không ra đường. Ủy ban Nhân dân phường, xã sẽ thành lập Ban điều hành khu dân cư, khu chung cư, tổ, thôn để thực hiện các nhiệm vụ thiết yếu, chăm lo cho nhân dân tỏng thời gian này.
Cụ thể, Bí thư chi bộ khu dân cư, thôn là người đứng đầu lãnh đạo, chỉ đạo mọi hoạt động của Ban Điều hành. Lực lượng chủ chốt gồm: Cấp ủy chi bộ, Tổ dân phố/ban nhân dân thôn, Mặt trận, các hội đoàn thể, dân phòng, Ban bảo vệ dân phố, dân quân với Công an, Quân đội phân công lực lượng tham gia Ban điều hành.
Bên cạnh đó, huy động thêm lực lượng đảng viên, cán bộ hưu trí, cán bộ công chức và các lực lượng tình nguyện viên khác... Yêu cầu đảm bảo mỗi Ban Điều hành huy động từ 32-40 người (chia thành 3 ca, 4 kíp, mỗi kíp từ 8-10 người).
Trong 7 ngày phong tỏa, nhiệm vụ của Ban điều hành sẽ là kịp thời thông tin, tình hình dịch bệnh người dân biết rõ nhằm nâng cao ý thức chấp hành của người dân, chia sẻ cùng thành phố trong công tác phòng, chống dịch; thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện, nhắc nhở không để người dân ra khỏi nhà, nơi cư trú, phối hợp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
Bên cạnh đó, Ban điều hành tại các khu dân cư sẽ tham gia nắm đầy đủ, chính xác nhu cầu lương thực, thực phẩm của từng hộ gia đình, từng nơi cư trú để cung ứng kịp thời, nhất là các hộ nghèo, hộ khó khăn, người lao động phổ thông…, không để người dân thiếu lương thực, thực phẩm thiết yếu.
Các Ban điều hành cũng có nhiệm vụ tổ chức thiết lập các chốt cứng, đảm bảo mỗi khu dân cư, khu chung cư, tổ, thôn chỉ có 1 hoặc 2 lối ra, vào. Mỗi lối ra, vào thiết lập 1 chốt với lực lượng thường trực từ 2-4 người để kiểm soát. Tại các chốt cứng (không có người canh gác), in bảng hướng dẫn đường ra để tránh trường hợp khẩn cấp như cấp cứu, chữa cháy...
Bên cạnh các Ban điều hành, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các phường sẽ thành lập từ ít nhất 5 Tổ phản ứng nhanh (Công an, quân đội làm nòng cốt và các đơn vị khác là thành viên) để hỗ trợ các Ban Điều hành khi có tình huống; tổ chức tuần tra kiểm soát địa bàn, phát hiện và xử lý những trường hợp vi phạm.
Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng và Ủy ban Nhân dân các quận, huyện tiếp tục hoàn thiện phương án cung ứng, phân phối hàng hóa trên địa bàn trên cơ sở tận dụng nguồn cung ứng tại chỗ; chịu trách nhiệm trong việc tổ chức, điều tiết, cung ứng và phân phối hàng hóa đến địa bàn các phường, xã, đảm bảo không để người dân thiếu hàng.
Ủy ban Nhân dân các quận, huyện cùng Ủy ban Nhân dân các phường, xã hướng dẫn Ban điều hành trong khu dân cư hỗ trợ người dân mua các nhu yếu phẩm cần thiết (thông qua hình thức đăng ký đơn hàng qua Ban Điều hành, tuyệt đối không để người dân tự đi đến các nơi cung cấp hàng hóa). Lực lượng chức năng cần đảm bảo Ban điều hành tổng hợp đơn hàng, nhận và giao cho người dân tận nhà.
Đối với các hộ nghèo, cận nghèo, người không có thu nhập, hộ khó khăn thì các cấp chính quyền sẽ điều phối để các địa phương phân phối nhu yếu phẩm đến từng hộ, không để người dân thiếu, đói.
Cũng trong ngày 15/8, các siêu thị lớn tại thành phố Đà Nẵng đã thống nhất với Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng về kế hoạch nhằm đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân trên địa bàn thành phố.
Ông Nguyễn Tiến Dương, Giám đốc siêu thị MM Mega Market Đà Nẵng cho biết đã thiết kế 6 combo hàng thiết yếu khác nhau bao gồm 3 combo hàng tươi sống (rau, cá, thịt) và 3 combo thực phẩm thiết yếu (gạo, mì gói và gia vị) và sẽ gửi báo giá cho các phường, tổ dân phố.
Siêu thị sẽ chỉ nhận đặt hàng trực tiếp từ các tổ dân phố và giao hàng trực về tổ, các Tổ dân phố sau khi nhận hàng sẽ phân chia lại cho các hộ trong khu vực của mình.
Dự kiến, công suất cung ứng của các siêu thị như sau: siêu thị MM Mega Market Đà Nẵng khoảng 3.000 Combo/ngày, siêu thị Co.op Mart Đà Nẵng khoảng 1.000 - 1.500 Combo/ngày, siêu thị Big C Đà Nẵng khoảng 2.000 Combo/ngày, siêu thị Lotte Mart Đà Nẵng khoảng 3.000 Combo/ngày...
(Nguồn: TTXVN)