Năm 2021, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chọn chủ đề “Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam” với mục tiêu tích hợp công nghệ số và mô hình quản trị phù hợp quá trình ứng dụng công nghệ kỹ thuật số vào sản xuất, kinh doanh. Qua đó, tăng hiệu quả hoạt động, đổi mới sáng tạo, tối ưu hóa chi phí, nâng cao trải nghiệm và mức độ hài lòng của khách hàng; phấn đấu đến hết năm 2022, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cơ bản chuyển đổi hoạt động theo mô hình doanh nghiệp số.
Những năm qua cùng với việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin (CNTT), Công ty Điện lực Quảng Trị (PC Quảng Trị) đã và đang cải tạo, đầu tư xây dựng mới hạ tầng lưới điện theo lộ trình phát triển lưới điện thông minh. Từng bước trang bị máy móc, thiết bị có công nghệ hiện đại hướng đến mục tiêu nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, nâng cao chất lượng dịch vụ và đặc biệt là tích cực đổi mới trong hoạt động SXKD. Đến nay, PC Quảng Trị xây dựng hoàn thiện hạ tầng CNTT kết nối trụ sở công ty đến EVNCPC và 10 hệ thống mạng tại các đơn vị trực thuộc. Hệ thống CNTT và viễn thông dùng riêng phục vụ kết nối SCADA từ Trung tâm điều khiển lưới điện Quảng Trị đến 7 trạm biến áp 110kV không người trực. Hệ thống các phần mềm quản lý kỹ thuật như PMIS, OMS… đã quản lý rất tốt hệ thống lưới điện. Mặt khác, việc đưa vào vận hành hệ thống thông tin hiện trường trung, cao áp đã giúp công tác quản lý kỹ thuật hiệu quả hơn. Đối với lĩnh vực kinh doanh dịch vụ khách hàng, PC Quảng Trị đã nâng cấp toàn bộ nghiệp vụ trên nền tảng hệ thống CMIS 3.0 để ứng dụng hệ thống đo đếm điện tử tiên tiến theo công nghệ AMR/AMI… Nhờ vậy, tất cả các công việc từ ghi chữ số công tơ, thanh toán tiền điện, thủ tục lắp đặt mới, thay đổi thông tin khách hàng, sửa chữa điện, công tác quản lý kỹ thuật, quản lý lưới điện… đều được đồng bộ và tích hợp bằng các hệ thống phần mềm trên máy tính để phục vụ cho công tác kinh doanh dịch vụ khách hàng, giám sát điều hành lưới điện một cách hiện đại, nhanh chóng, an toàn và hiệu quả.
Tuy nhiên, một nhân tố quan trọng đem lại sự thành công của chuyển đổi số đó là con người. Do đó, việc xây dựng đội ngũ cán bộ làm chủ công nghệ, công nhân lành nghề, thành thạo công nghệ là một trong những mục tiêu quan trọng của các doanh nghiệp khi chuyển đổi hoạt động SXKD từ phương thức truyền thống sang ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến. Để đáp ứng những yêu cầu mới trong công việc, đòi hỏi người lao động cần phải có những kiến thức cơ bản về công nghệ, tay nghề chuyên môn vững vàng để bắt kịp và hòa nhập với xu thế phát triển chuyển đổi công nghệ số. Bên cạnh việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, PC Quảng Trị không ngừng nâng cao kỹ năng nghề, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho CB, CNV để đáp ứng những yêu cầu mới trong công việc. Đặc biệt là chú trọng đến đội ngũ công nhân lao động trực tiếp ngoài hiện trường bằng cách bồi dưỡng, bổ sung các kiến thức chuyên môn cần thiết, kỹ năng thực hành thông qua các buổi hướng dẫn về lý thuyết và thực hành thực tế tại hiện trường; tham gia các khóa đào tạo về công tác quản lý kỹ thuật và kinh doanh dịch vụ khách hàng...
Các khóa đào tạo cho công nhân theo từng chuyên đề như sửa chữa điện nóng; kiểm tra đo nhiệt độ tiếp xúc và mối nối; kiểm tra phát hiện nguyên nhân và các giải pháp giảm suất sự cố lưới điện; kỹ thuật đo điện trở nối đất cho đường dây và trạm biến áp; kỹ thuật thi công đấu nối cáp và hộp nối cáp ngầm; phương án treo, tháo công tơ đang mang điện và kết hợp với việc thực hành sử dụng các thiết bị đo như camera nhiệt, teromet, cầu đo điện trở một chiều, thiết bị đo dòng rò chống sét van; thực hành thao tác tại các tủ điều khiển máy cắt, tủ điều khiển dao phụ tải; khai thác số liệu và truy xuất các dữ liệu của máy cắt, dao phụ tải…Qua đó trang bị đầy đủ những kiến thức cơ bản cho công nhân kỹ thuật, giúp họ có thêm nhiều kỹ năng để xử lý nhanh các tình huống xảy ra trong công tác quản lý vận hành, đặc biệt là phát hiện và phân tích nguyên nhân gây sự cố trên lưới.
Rõ ràng, nhiệm vụ đầu tiên trong lộ trình chuyển đổi số là thay đổi nhận thức, ý chí của đội ngũ lãnh đạo, quản lý. Đó là nhận thức đúng đắn để bắt kịp với xu thế phát triển của khoa học công nghệ, từ đó chấp nhận sự thay đổi cách điều hành hoạt động SXKD trên môi trường số. Mặt khác chất lượng nguồn nhân lực cũng phải đặt lên hàng đầu. Đó là thái độ chuyên nghiệp, kỹ năng sử dụng làm chủ công nghệ của CB,CNV đáp ứng yêu cầu làm việc trên môi trường số. Một trong những yếu tố quan trọng nữa là quy trình nghiệp vụ toàn bộ hoạt động SXKD phải được thực hiện và kiểm soát trên hệ thống quy trình, quy định chặt chẽ, thường xuyên được nâng cấp, cập nhật để phù hợp với các giải pháp công nghệ số. Phó Giám đốc PC Quảng Trị Trần Quang Đông cho biết, với hệ thống cơ sở vật chất đã được đầu tư khá hoàn thiện nên quá trình chuyển đổi số ở PC Quảng Trị cần phải có một đội ngũ cán bộ giỏi chuyên môn, công nhân lành nghề, có bề dày kinh nghiệm để vận hành, khai thác hệ thống máy móc, thiết bị một cách hiệu quả. Có thể khẳng định đến thời điểm này, PC Quảng Trị đã đào tạo, xây dựng được một đội ngũ cán bộ, công nhân và người lao động làm chủ được khoa học công nghệ. Nhờ vậy, công ty đã tạo dựng được môi trường lao động hiện đại, an toàn, thân thiện, đem lại cho khách hàng những dịch vụ tiện ích, góp phần vào sự phát triển bền vững của đơn vị và phù hợp với xu thế chuyển đổi số đang phát triển như hiện nay.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)