Chuyển đổi số ở Trung Trung Bộ: Người dân và chính quyền đều hưởng lợi

PV |

Tại các tỉnh, thành phố khu vực Trung Trung Bộ, chuyển đổi số đang được khẩn trương thực hiện để nâng cao năng lực quản lý nhà nước và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.

Trong đợt lũ lịch sử cuối năm 2020, gia đình ông Nguyễn Đình Sang (phường An Tây, thành phố Huế) bị cô lập trong dòng nước lũ. Nhận được tin báo, Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên-Huế (HueIOC) đã kịp thời xử lý, giúp gia đình ông Sang được cứu hộ và sơ tán đến nơi an toàn để trú ẩn.

Đây là trường hợp điển hình trong số hơn 20.000 phản ánh của người dân được HueIOC tiếp nhận, xử lý trong 2 năm qua, góp phần đẩy mạnh quá trình xây dựng đô thị thông minh tại Thừa Thiên-Huế.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Mic.gov.vn)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Mic.gov.vn)

Tuy mới bắt đầu triển khai chưa lâu nhưng nỗ lực chuyển đổi số trong bộ máy chính quyền tại các địa phương đã mang lại nhiều lợi ích thực tiễn, nhận được đánh giá cao từ người dân, doanh nghiệp.

An toàn thoát lũ

Ông Nguyễn Đình Sang nhớ lại, trong lúc nguy cấp vì nước lũ dâng lên quá nhanh, ông đã điện thoại đến đường dây nóng 19001075 của HueIOC. Ngay lập tức, ông được hướng dẫn những bước cần thiết để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình.

Sau đó, vị trí của gia đình ông cũng được HueIOC thông báo chuẩn xác cho lực lượng chức năng tới ứng cứu. Ông Sang rất cảm kích về những lợi ích mà HueIOC cũng như công cuộc chuyển đổi số đã và đang mang lại cho người dân.

Trung tâm HueIOC là đơn vị trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên-Huế, có nhiệm vụ triển khai các dịch vụ, tiếp nhận thông tin đầu vào từ xã hội, phân tích, xác minh và chuyển thông tin đến các cơ quan chức năng theo thẩm quyền.

Hiện người dân có thể tương tác với HueIOC qua nhiều hình thức như ứng dụng di động dịch vụ đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên-Huế (HUE-S); hệ thống đường dây nóng 19001075, cổng thông tin tương tác (https://tuongtac.thuathienhue.gov.vn)...

Còn tại tỉnh Quảng Trị, trước kia, muốn nộp hồ sơ nhập học cho người con đầu, chị Phan Thị Trang (38 tuổi, Phường 5, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) phải đến trường chen chúc, xếp hàng cùng những phụ huynh khác từ sáng sớm.

Thế nhưng, trong kỳ tuyển sinh năm học 2020-2021, để đăng ký nhập học cho người con thứ 2 vào Trường Tiểu học Hàm Nghi, chị Trang chỉ cần gửi dữ liệu thông tin qua điện thoại lên trang thông tin điện tử của trường là có thể đăng ký được.

Chị Trang chia sẻ: “Tôi thấy việc áp dụng chuyển đổi số vào việc giải quyết thủ tục hành chính rất hiệu quả và thuận lợi, giúp người dân giảm bớt thời gian, công sức và tiền bạc. Ngoài hồ sơ nhập học cho con, công tác giải quyết các thủ tục hành chính hiện nay đã thay đổi nhiều. Hồ sơ sau khi gửi trực tuyến được các cấp có thẩm quyền, chuyên môn tiếp nhận, xử lý nhanh, gọn, công khai, minh bạch. Cần đẩy mạnh triển khai áp dụng chuyển đổi số rộng rãi trên tất cả các lĩnh vực để người dân sớm được tiếp cận…”

Chuyển đổi số gồm 3 phần: Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số. Trong đó, Chính quyền số là những giải pháp giúp chính quyền hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, minh bạch hơn, giảm thiểu các hành vi tham ô, nhũng nhiễu trong thủ tục hành chính. Khi thực hiện chuyển đổi chính quyền số, cả người dân và các cơ quan chức năng cùng nhận được nhiều lợi ích thiết thực.

Là đơn vị được Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị đánh giá đứng thứ 2 trong các sở, ban, ngành thực hiện hiệu quả việc chuyển đổi số, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị đã đạt được nhiều kết quả thiết thực trong quá trình hoạt động.

Cụ thể, Cổng thông tin điện tử của Sở kết nối với hơn 400 đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh, đảm bảo thông tin xuyên suốt phục vụ công tác quản lý và điều hành trong toàn ngành. Hiện, đơn vị đang ứng dụng 32 phần mềm trong các hoạt động quản lý, dạy và học.

Trong năm 2020, việc chuyển đổi số đã giúp thay đổi hình thức tư duy dạy và học truyền thống sang các hình thức dạy trực tuyến, giúp học sinh có thể tiếp cận kiến thức theo đúng chương trình đã triển khai, không bị ngưng trệ hay gián đoạn.

Chuyển đổi số đã giúp phụ huynh, học sinh trong việc nộp hồ sơ tuyển sinh, các trường học trong việc nộp các hồ sơ thẩm định các trường chuẩn quốc gia.

Ông Đinh Công Nhật, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị cho biết, để phát huy hiệu quả việc chuyển đổi số, Sở đang triển khai xây dựng chương trình tổng thể về giáo dục thông minh, đồng thời tập huấn cho các trường ứng dụng dịch vụ công trực tuyến.

Đặc biệt, trong quá trình triển khai, Sở đã chuyển đổi số các văn bằng, chứng chỉ dữ liệu từ năm 1974 đến nay, tạo thuận lợi cho việc cấp văn bằng, chứng chỉ lại cho học sinh. Bên cạnh đó, các hình thức họp trực tuyến được triển khai đã tiết kiệm thời gian, công sức của đội ngũ lãnh đạo, giáo viên trong ngành thay vì hình thức tổ chức tập trung truyền thống.

Đổi mới từ nông thôn đến thành thị

Là huyện miền núi còn nhiều khó khăn của tỉnh Quảng Nam, huyện Nam Trà My đang từng bước thực hiện chính quyền điện tử. Ông Trần Văn Mẫn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Nam Trà My cho biết, ngay từ năm 2015, Ủy ban Nhân dân huyện đã ban hành kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý cơ quan nhà nước trên địa bàn Nam Trà My với nhiều nội dung như nâng cấp trang thông tin điện tử huyện lên cổng thông tin điện tử; xây dựng cổng thông tin điện tử thành viên các xã; triển khai phần mềm quản lí hộ tịch, quản lý văn bản; đặc biệt huyện luôn có chủ trương xây dựng phần mềm một cửa điện tử.

Nhờ được đầu tư đồng bộ, hạ tầng công nghệ thông tin của huyện Nam Trà My đang góp phần rất quan trọng trong việc thực hiện cơ chế quản lý, điều hành của bộ máy công quyền từ huyện về tới cơ sở.

Những năm trước đây, để có thể gửi đi một công văn hay thông báo nào đến các xã, huyện phải cử cán bộ giao liên trực tiếp đưa đi có khi nhiều ngày mới tới nơi.

Không những thế mỗi năm, ngân sách phải bỏ ra hơn 500 triệu đồng để chi phí in ấn giấy tờ, vận chuyển văn bản từ huyện lên xã rồi ngược lại. Bởi thế, công tác quản lý và triển khai các chủ trương, đường lối của nhà nước đến các cấp luôn gặp nhiều khó khăn và trở ngại.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Nam Trà My Trần Văn Mẫn cho rằng, Cổng thông tin điện tử và hệ thống phần mềm quản lý văn bản, hồ sơ công việc không chỉ đơn thuần là công cụ thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, mà còn là một trong những công cụ giám sát và đánh giá hiệu quả việc minh bạch thông tin trong các cơ quan hành chính nhà nước.

Từ chính quyền điện tử, huyện sẽ có nền tảng để tiếp tục các bước chuyển đổi số trong thời gian tới. Tuy nhiên, ông Trần Văn Mẫn, hiện hạ tầng đã có nhưng huyện vẫn còn nhiều khó khăn về nguồn nhân lực công nghệ thông tin.

Cụ thể, tại các sở, ban, ngành, Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố hầu hết chỉ có từ 1-2 cán bộ phụ trách công nghệ thông tin, chưa đáp ứng được nhu cầu.

Theo ông Mẫn, cần cơ cấu thêm cán bộ lãnh đạo và cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin có khả năng triển khai các hệ thống ứng dụng tác nghiệp và xử lý sự cố an toàn thông tin.

Tại thành phố Đà Nẵng, việc chuyển đổi số bộ máy chính quyền, đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính công trực tuyến được triển khai đồng bộ trong các sở, ngành, quận, huyện.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng, riêng Sở này đã xây dựng và cung cấp 98 dịch vụ công trực tuyến mức 3 và 4, trên tổng số 117 thủ tục hành chính theo thẩm quyền.

Cụ thể là 60 dịch vụ công trực tuyến mức 4 (thuộc lĩnh vực thành lập và hoạt động của doanh nghiệp); 38 dịch vụ công trực tuyến mức 3 (thuộc các lĩnh vực xây dựng cơ bản, đầu tư tại Việt Nam, viện trợ phi chính phủ nước ngoài, đầu tư bằng nguồn vốn hỗ trợ chính thức ODA).

Theo ông Trần Văn Hoàng, Chánh Văn phòng Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng, trong năm 2020, Sở tiếp nhận và giải quyết 20.386 hồ sơ trực tuyến, chiếm hơn 70% tổng số hồ sơ tiếp nhận và giải quyết của Sở.

Sở đã hợp tác với Bưu điện thành phố để thực hiện tiếp nhận và trả kết quả tại nhà người dân, trong năm vừa qua đã tiếp nhận 617 hồ sơ và trả 1.841 hồ sơ qua bưu điện. Đồng thời, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã triển khai thu phí không dùng tiền mặt, liên kết với các ngân hàng và sử dụng hóa đơn, phiếu thu điện tử.

Những kết quả đó cho thấy, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến rất hiệu quả, tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại của tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính tại Sở, đặc biệt là trong thời gian cách ly do dịch COVID-19.

Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế-Xã hội thành phố Đà Nẵng đã tiến hành khảo sát đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức và công dân đối với chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công trong suốt 10 năm qua.

Theo Tiến sỹ Huỳnh Huy Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế-Xã hội thành phố Đà Nẵng, kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ hài lòng chung của người dân và doanh nghiệp ngày càng cao, đa số các yếu tố của quá trình cung ứng dịch vụ được cải thiện.

Những tín hiệu tích cực qua các năm là kết quả của hàng loạt nỗ lực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, rút ngắn quy trình, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính, đảm bảo công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước.

(Nguồn: TTXVN)

TAGS

Quy trình thực hiện đổi người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa qua cửa khẩu

Q.H |

Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh vừa có quyết định về việc ban hành quy trình thực hiện đổi người điều khiển phương tiện đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa tại các cửa khẩu đường bộ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị trong phòng, chống COVID-19.

Một số nước sẽ chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine COVID-19 cho Việt Nam

Đặng Chung |

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ vào chiều 5.5, ông Trần Văn Thuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế - thông tin, hiện có một số nước đã đồng ý chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine COVID-19 cho Việt Nam.

Sắp có không khí lạnh tràn về gây mưa dông diện rộng, trời chuyển mát

An An |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho biết không khí lạnh sẽ tác động đến các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ từ đêm nay 4.5.

Chuyển dịch năng lượng xanh: Quá nhiều điểm nghẽn rào cản

Nguyễn Quỳnh |

Việt Nam giàu tiềm năng về điện gió, điện mặt trời để có thể phát triển ở các quy mô khác nhau, có cơ hội kết hợp giữa các công nghệ năng lượng, giữa năng lượng tái tạo (NLTT) với nông nghiệp để tạo ra nhiều lợi ích. Ngoài ra, thủy điện là nguồn điều tần có chi phí thấp cũng như pin tích năng và công nghệ sản xuất hydro là chìa khóa cho tương lai năng lượng sạch của Việt Nam.