Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ vào chiều 5.5, ông Trần Văn Thuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế - thông tin, hiện có một số nước đã đồng ý chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine COVID-19 cho Việt Nam.
Theo ông Trần Văn Thuấn, hiện Bộ Y tế đang nỗ lực bằng nhiều cách khác nhau để tiếp cận, mua vaccine, kể cả qua các kênh trực tiếp và gián tiếp.
Về việc nhập khẩu vaccine, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, trong năm 2021, đầu năm 2022, Việt Nam dự kiến có một số nguồn như: 38,9 triệu liều Astra Zeneca do chương trình Covax hỗ trợ, về cơ bản đủ tiêm cho 9,4 triệu người (4 lượt tiêm).
Ngoài ra còn có thêm 30 triệu liều vaccine Astra Zeneca do VNVC đặt mua. Hiện Bộ Y tế cũng đang đàm phán với Pfizer và cố gắng trong năm nay và năm tới có thể có thêm 31 triệu liều vaccien Founder của Mỹ.
Một số nước, tổ chức cũng xác nhận sẽ viện trợ Việt Nam khoảng 2 triệu liều.
Ông Thuấn thông báo, hiện nay một số nước trên thế giới đã xác nhận sẽ chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cho Việt Nam, đơn cử Nhật Bản.
"Sắp tới tôi sẽ sang Nhật Bản để đàm phán và Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường sẽ đi Nga đàm phán mua vaccine", ông Thuấn nói.
Cũng theo ông Thuấn, trong tháng 5.2021, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các đối tác đồng ý chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine mới nhất cho Việt Nam, là công nghệ mRNA. Trong tháng 5 này, Bộ Y tế sẽ bàn cụ thể hơn với WHO và các đối tác về việc chuyển giao này.
Về tình hình sản xuất vaccine trong nước, đại diện Bộ Y tế cho biết, hiện hai đơn vị đang tiến hành thử nghiệm. Trong đó Vaccine Nano Covax sắp thử nghiệm giai đoạn 3. Nếu không may dịch bệnh bùng phát ở Việt Nam, Bộ Y tế sẽ xem xét phê duyệt vaccine Nano Covax khi đã thử nghiệm thành công được một nửa ở giai đoạn thứ 3.
Sẽ xem xét, nghiên cứu kỹ việc áp dụng “hộ chiếu vaccine”
Liên quan tới vấn đề về “hộ chiếu vaccine”, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, Bộ vẫn đang cùng các bộ ngành nghiên cứu thêm và sẽ quyết định thời điểm phù hợp để áp dụng.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, Thủ tướng đã có chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét các biện pháp phòng chống dịch phù hợp khi triển khai hộ chiếu vaccine. Tuy nhiên, hộ chiếu vaccine vẫn là vấn đề đang được nhiều nước nghiên cứu, thảo luận.
Nhiều ý kiến cho rằng hộ chiếu vaccine có thể được sử dụng chỉ khi miễn dịch chủ động trong cộng đồng đạt được nhờ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Tuy nhiên, chưa đủ bằng chứng về hiệu quả phòng ngừa của vaccine đối với các biến chủng của SARS-CoV-2.
Bộ Y tế sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, báo cáo, đề xuất Chính phủ xem xét quyết định thời điểm phù hợp với quan điểm an toàn cho người dân được đặt lên hàng đầu, bởi vì các loại vaccine không có loại nào đạt hiệu quả 100% cả.
“Hộ chiếu vaccine chỉ có hiệu quả khi trong nước đạt được miễn dịch cộng đồng, nghĩa là 70% dân số được tiêm chủng. Do đó khi áp dụng hộ chiếu vaccine, chúng ta phải lưu ý, xem xét và có những thông tin hết sức đầy đủ để áp dụng, triển khai đảm bảo hiệu quả và an toàn.
Trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh việc tiêm chủng vaccine, chúng ta cần thực hiện tốt khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, thực hiện tốt những biện pháp này là chúng ta đã góp phần đẩy lùi dịch bệnh” - ông Thuấn nhấn mạnh.
(Nguồn: Báo Lao Động)