Đầu ra mướp đắng ở Triệu Vân gặp khó khăn

Ngọc Trang |

Nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích, những năm gần đây, nông dân xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) tập trung cải tạo, biến đất cát bạc màu thành vùng có tiềm năng trồng các loại cây phù hợp. Trong đó, mướp đắng là một trong những loại cây được lựa chọn làm chủ lực. Tuy nhiên năm nay, người trồng mướp đắng nơi đây gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai và đầu ra sản phẩm không ổn định.

Hiện nay, toàn xã Triệu Vân có trên 30 ha mướp đắng, với khoảng 200 hộ tham gia trồng, chủ yếu tập trung ở Thôn 7 và Thôn 9. Với ưu điểm dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, ít sâu bệnh, vốn đầu tư không nhiều, năng suất cao, những năm gần đây, cây mướp đắng góp phần tăng thu nhập cho người dân nơi đây. Người dân tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất, chú trọng đến phương pháp sản xuất an toàn, hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật, ngăn ngừa sâu bệnh bằng cách tự chế và treo các hộp bẫy sinh học rải rác khắp vườn; bắt các loại côn trùng, sâu bướm hại quả bằng vợt thủ công…

Người trồng mướp đắng ở Triệu Vân rất cần được hỗ trợ về kỹ thuật và đầu ra sản phẩm - Ảnh: N.T​
Người trồng mướp đắng ở Triệu Vân rất cần được hỗ trợ về kỹ thuật và đầu ra sản phẩm - Ảnh: N.T​

Cùng với điều kiện đất cát ở Triệu Vân pha tơi xốp, phù hợp nên mướp đắng phát triển tốt, sai quả, năng suất bình quân khoảng 5 tạ/sào, thu nhập từ 25 - 30 triệu đồng/sào/vụ. Nhờ đó, nhiều gia đình ở Triệu Vân có nguồn thu nhập khá từ cây mướp đắng. Mỗi năm, người dân trồng mướp đắng 2 đợt. Đợt 1 xuống giống từ tháng 9 âm lịch đến đầu tháng Chạp bắt đầu cho thu hoạch và phục vụ tết Nguyên đán. Đợt 2 bắt đầu từ cuối tháng Chạp đến tháng 2 âm lịch sẽ cho thu hoạch. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của thời tiết nên người trồng mướp đắng gặp nhiều khó khăn. Các đợt mưa lớn kéo dài trong dịp cuối năm khiến cho đất ẩm, một số diện tích thấp trũng bị ngập úng. Do đó, phần lớn hạt giống không nảy mầm; số ít nảy mầm thì khi xuống hố cây bị chết hoặc úa vàng, còi cọc, không phát triển được.

Gia đình ông Hồ Hồng Hạnh ở Thôn 9 là một trong số những hộ có diện tích trồng mướp đắng nhiều trong xã, mỗi vụ thu hoạch hơn 1 tấn quả, mang lại cho gia đình ông nguồn thu nhập trên 50 triệu đồng. Vụ này, gia đình ông xuống giống được gần 3 sào. Tuy nhiên, do tác động tiêu cực của thời tiết, trong đợt xuống giống đầu tiên, tỉ lệ hạt mướp đắng nảy mầm để xuống hố trong vườn nhà ông chỉ đạt khoảng 20%. Mới đầu vụ, gia đình ông vất vả thu hái được hơn 20 kg mướp đắng nhưng chỉ được thương lái trả giá chưa đến 150 nghìn đồng (trước đây giá từ 20-25 nghìn đồng/kg). Nếu giá mướp đắng tiếp tục duy trì ở mức này, tính thu nhập cả vụ gia đình ông không đủ tiền giống, vật tư và công chăm bón trong gần 2 tháng. Cũng như gia đình ông Hạnh, nhiều hộ gia đình ở Triệu Vân như Nguyễn Thanh Vu, Nguyễn Văn Triều, Nguyễn Văn Sanh, Nguyễn Thanh Trỗi… cũng gặp khó khăn vì phần lớn trong đợt gieo giống mướp đắng đầu tiên đều bị thiệt hại. Theo thống kê, trong đợt xuống giống đầu tiên có khoảng 70% diện tích mướp đắng của xã Triệu Vân bị chết do mưa rét. Nhiều hộ phải ngừng sản xuất, chấp nhận xuống giống muộn. Trong đợt xuống giống thứ 2, thời tiết có nắng ấm nhưng lại gặp phải hiện tượng sương muối dày khiến cho cây bị cháy hoặc không phát triển được. Do đó, diện tích trồng mướp đắng của xã Triệu Vân trong đợt xuống giống này chỉ duy trì khoảng 65-70% so với các năm trước. Khâu sản xuất khó khăn như vậy, đến kỳ thu hoạch người dân còn đối diện với mối lo khác là mướp đắng mất giá. Theo những người dân trồng mướp đắng ở Triệu Vân cho biết, các năm trước mướp đắng có giá bình quân từ 20.000 - 25.000 đồng/kg, cao điểm tết Nguyên đán có giá 70.000 - 80.000 đồng/kg nhưng từ tết Nguyên đán Tân Sửu đến nay mỗi cân mướp đắng chỉ chưa đến 10 nghìn đồng/kg, thậm chí có ngày giảm xuống còn 3 - 4 nghìn đồng/kg.

Năm nay, đến kỳ thu hoạch mướp đắng nhưng thương lái không mặn mà thu mua, giá cả quá thấp. Nguyên nhân chính do ở các địa phương khác được mùa mướp đắng nên thị trường tiêu thụ khó khăn. Những người trồng mướp đắng lo thời điểm chính vụ, giá mướp đắng sẽ còn xuống thấp. Trưởng Thôn 9 xã Triệu Vân Đinh Minh Tiến cho biết: “Toàn thôn có trên 170 hộ trồng mướp đắng. Hộ trồng ít 1 sào, hộ trồng nhiều từ 2 - 2,5 sào. Năm nay là một năm quá khó khăn với người trồng mướp đắng. Trong sản xuất gặp điều kiện thời tiết mưa rét, sương muối gây thiệt hại, thu hẹp diện tích, khi thu hoạch lại bị mất giá. Mới chỉ đầu vụ nhưng giá mướp đắng chỉ bằng 1/3 so với các năm trước nên người dân rất lo lắng. Chúng tôi mong muốn các cấp, các ngành quan tâm, tổ chức tập huấn để hỗ trợ về kỹ thuật cho nông dân ứng phó với các điều kiện bất lợi của thời tiết, đặc biệt là sương muối. Bên cạnh đó, tìm hướng để tạo đầu ra ổn định cho nông sản. Có thể giá thu mua không cao, nhưng nếu đầu ra ổn định, người trồng mướp đắng sẽ mạnh dạn trong việc mở rộng diện tích loại cây này”.

Chủ tịch UBND xã Triệu Vân Nguyễn Văn Lâm cho biết: “Trước tình hình cây mướp đắng bị ảnh hưởng khá lớn bởi thời tiết và giá sản phẩm giảm sâu nhưng nông dân trên địa bàn xã vẫn quyết tâm duy trì loại cây này vì đây là cây trồng chủ lực góp phần tăng thu nhập cho người dân trong những năm qua. Chính quyền địa phương đang có kế hoạch phối hợp với các ngành chức năng để xây dựng thương hiệu cho cây mướp đắng Triệu Vân, tạo chỗ đứng trên thị trường. Đồng thời, tìm đầu mối liên kết tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo đầu ra ổn định để người dân yên tâm sản xuất”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Danh sách ủng hộ kinh phí trồng cây xanh tại công viên Lao Bảo

Xanh EWEC |

Ngày 26/3/2021 tại thị trấn Lao Bảo (Hướng Hoá, Quảng Trị), UBND thị trấn Lao Bảo phối hợp với Quỹ Phát triển những con đường hoa tỉnh Quảng Trị tổ chức Lễ phát động kêu gọi hỗ trợ kinh phí xây dựng công trình cây xanh, bồn hoa tại Công viên Văn hoá trung tâm thị trấn Lao Bảo.

UBND thị trấn Lao Bảo và Quỹ Phát triển những con đường hoa tỉnh Quảng Trị trân trọng cảm ơn sự đóng góp, hỗ trợ kinh phí của các cá nhân, tổ chức.

Cam Lộ: Trồng thử nghiệm 3,5 ha cây dược liệu an xoa

Anh Vũ |

Nhằm tạo vùng nguyên liệu ổn định lâu dài, đáp ứng nhu cầu nấu cao dược liệu của người dân, UBND huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đã liên kết với một doanh nghiệp triển khai mô hình trồng thử nghiệm cây an xoa tại một số vùng đất gò đồi trên địa bàn.

Ngày mai (26/3): Chính thức phát động trồng hoa, cây xanh tại Lao Bảo

Yên Mã Sơn |

Ngày 25/3, ông Lê Bá Hùng - Chủ tịch UBND thị trấn Lao Bảo (Hướng Hoá, Quảng Trị) cho biết, ngày mai (26/3/2021) sẽ diễn ra Lễ phát động kêu gọi hỗ trợ kinh phí xây dựng công trình cây xanh, bồn hoa tại Công viên Văn hoá trung tâm thị trấn Lao Bảo.

Vụ cây lan đột biến giá 250 tỉ đồng: Trồng để bán thì không phải nộp thuế

NGUYỄN HÙNG |

Vụ giao dịch cây lan đột biến (lan var) ở thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh có giá 250 tỉ đồng trong những ngày qua thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Cơ quan chức năng vẫn đang vào cuộc xác minh. Tuy nhiên, chia sẻ với báo chí, chủ của cây lan này cho biết, 250 tỉ đồng là cho toàn bộ 5.000 cây giống lan đột biến mà nhà vườn ký cung cấp cho đối tác.