Dạy con biết chi tiêu hợp lý

Tú Linh |

Dạy con biết cách chi tiêu phù hợp chưa bao giờ dễ dàng đối với hầu hết các bậc phụ huynh. Nếu dễ dãi, không có giới hạn, cha mẹ sẽ vô tình khiến trẻ hình thành những thói quen tiêu tiền không tốt, gây ảnh hưởng đến sự phát triển và trưởng thành của con. Vì vậy, dạy con hiểu được giá trị của đồng tiền, biết tiết kiệm và có kế hoạch chi tiêu phù hợp với năng lực kiếm tiền trong tương lai là việc ba mẹ nên làm ngay từ khi con còn nhỏ.


Câu chuyện kể của anh đồng nghiệp khiến chúng tôi suy nghĩ, trăn trở chưa biết bắt đầu từ đâu để giúp con hiểu được giá trị của đồng tiền. Đồng nghiệp tôi kể, mỗi lần đưa con trai đi chơi, anh hay cùng con ghé cây ATM ở đường Lê Quý Đôn, thành phố Đông Hà (Quảng Trị) để rút tiền mặt mang theo mua quà cho con. Thành thói quen, lần đi chơi nào con anh cũng đòi mua quà.

Một hôm đi siêu thị, con anh bỏ vào giỏ nhiều món đồ chơi cháu yêu thích. Anh giải thích chỉ được chọn mua 1 món vì không có đủ tiền, nhưng con trai anh cứ nằng nặc đòi mua tất cả số đồ chơi và kêu lên: “Con muốn mua nhiều đồ chơi. Tiền có trong cây ATM, ba chỉ cần đưa thẻ vào rút là có ngay…”.

Nên dạy cho con biết cách tiết kiệm từ nhỏ -Ảnh: T.L
Nên dạy cho con biết cách tiết kiệm từ nhỏ -Ảnh: T.L

Đến lúc ấy anh mới vỡ lẽ, lâu nay con trai anh mặc định cứ cần tiền là đến ATM rút mà chưa hiểu được tiền đó từ đâu ra. Cũng may là con trai anh lúc đó mới 9 tuổi, vẫn còn thời gian để anh giải thích cho con hiểu rằng tiền công lao động hằng tháng của anh được trả qua tài khoản ngân hàng và chỉ được rút trong giới hạn mình có. Số tiền đó dùng để chi tiêu nuôi sống cả gia đình. Nếu biết tiết kiệm, dè sẻn sẽ dùng được lâu, nếu tiêu hoang phí thì chỉ trong vài ngày là hết. Sau khi hiểu chuyện, con trai anh đã không còn vòi vĩnh đồ chơi hay món đồ yêu thích, thay vào đó, cháu xin phép ba mẹ, được đồng ý mới mua quà.

Nhiều người cố gắng lao động miệt mài để kiếm tiền với suy nghĩ đời mình đã chịu cực khổ rồi, bây giờ có cơ hội hãy cho con được hưởng sung sướng, nên mạnh tay mua những món đồ đắt tiền cho con. Nhiều lần như thế sẽ khiến trẻ dễ tự mãn với bản thân, coi rẻ giá trị của đồng tiền và hình thành thói quen tiêu tiền hoang phí sau này. Chị L.K.T. ở thị trấn Gio Linh có con trai đầu học đại học ở Hà Nội. Hằng tháng gia đình gửi tiền cho con 1 lần với số tiền 4 triệu đồng để ăn học.

Được tháng đầu con thực hiện nghiêm túc theo lời dặn dò của bố mẹ. Đến tháng thứ 2, mới được 2 tuần con gọi điện báo hết tiền, xin thêm. Ban đầu gia đình thương con mới đi học cần sắm sửa nhiều thứ nên gửi thêm tiền. Rồi tháng thứ 3 mới hết tuần đầu, cậu lại xin tiền tiêu của cả tháng tiếp theo. Gặp chúng tôi, chị T. phân trần, chương trình học đại học 4 năm nhưng nay con trai chị học đến 6 năm vẫn chưa tốt nghiệp vì gia đình quá tin con. Cháu chỉ xin tiền tiêu xài với bạn bè mà không chịu học hành.

Rút kinh nghiệm, đứa con trai sau vào Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, mỗi tháng chị chia tiền để gửi 4 lần trong 4 tuần với lời dặn dò chi tiết. Không được xin tiền thêm và phải có dự án học hành mới được gia đình cấp tiền. Nhờ được răn dạy sớm nên cậu con trai út của chị biết tiêu tiền của ba mẹ đúng cách để phục vụ cho việc học hành nên tốt nghiệp đúng hạn, sớm có việc làm.

Không phải các học sinh, sinh viên đều có xu hướng tiêu tiền vượt ngưỡng bố mẹ cho, rất nhiều các em ngoan ngoãn, chi tiêu tiền khoa học, dè dặt, những mong đồng tiền còn lại phục vụ vào việc học thêm nhiều kỹ năng khác cho cuộc sống. Tuy nhiên, đời sống kinh tế ngày càng phát triển, nhiều gia đình có thu nhập ngày càng cao nên ba mẹ cung cấp tiền cho con cái chi tiêu thoải mái, dẫn đến nhiều em hoang phí. Điều này vô tình làm trẻ tiêu tiền dễ dãi. Vì vậy, dạy con tiêu tiền thế nào cho hợp ý vẫn là trách nhiệm của người lớn.

Theo các nhà tâm lý học, giáo dục về giá trị của đồng tiền có vai trò rất quan trọng, đặc biệt trong những năm đầu đời của trẻ. Cách tốt nhất, ba mẹ nên cho con một khoản tiêu vặt hằng ngày, hướng dẫn con chi tiêu trong giới hạn của khoản tiền đó. Nếu con muốn mua sắm một món đồ nhiều tiền, hãy biết hạn chế mua những gì chưa cần thiết, tiết kiệm lại, để có thể đạt được mục tiêu của mình. Việc này sẽ giúp con hiểu rằng tiền không là vô hạn và phải biết dùng tiền đúng cách.

Bằng cách này, phụ huynh đã giúp con hiểu và dần làm quen với cách tiết kiệm. Có thể ban đầu khó khăn nhưng lâu dần trẻ sẽ chủ động hơn đối với việc quản lý ngân sách và chi tiêu hợp lý. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng phải làm gương trong chi tiêu tiền bạc. Không thể nói rằng con cần cố gắng tiết kiệm chi tiêu trong khi ba mẹ lại tiêu xài hoang phí, mua sắm quá nhiều những thứ không cần thiết.

Ba mẹ hãy luôn trò chuyện và chia sẻ cùng con những vấn đề về chi tiêu để dạy con biết phân biệt giữa điều con muốn và cái con cần; biết nói không với những nhu cầu không thực sự cần thiết và biết ưu tiên cho những cái quan trọng vào thời điểm phù hợp. Với kỹ năng này, trẻ sẽ dần xây dựng được sự ổn định, an toàn về vấn đề tiền bạc, từ đó các em dần biết quản lý tài chính một cách hiệu quả hơn.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Phật dạy: Chấp nhận đau khổ thì sẽ hết khổ

Song Minh |

Chỉ những ai tin vào luật Nhân quả, hiểu rằng những nỗi khổ đến với mình chính là quả báo từ những nghiệp nhân xấu mà mình đã gieo trong quá khứ thì mới can đảm chấp nhận những đau khổ mà mình đang phải đối diện.

Lời Phật dạy: Buông xả để bình an

Song Minh |

Buông xả là một trong những trạng thái cao tột trên con đường hành trì Phật pháp, là nền tảng của trí tuệ và giải thoát, đồng thời, nó còn bảo hộ cho sự cảm thông và tình yêu thương.

Lời Phật dạy sâu sắc về sự khiêm tốn

Tú Anh |

Cuộc đời Đức Phật là một bài học không ngừng về hạnh tu im lặng và khiêm tốn. Trong kinh văn kể khi vua chúa là những Phật tử đến thăm Đức Phật đã thỉnh cầu Ngài đi thọ trai tăng. Đức Phật nhận lời bằng cách im lặng. Cách im lặng này bây giờ khó bắt chước.

Tặng trang thiết bị dạy học trị giá khoảng 1,3 tỉ đồng cho 4 trường học huyện miền núi Đakrông

Quang Hiệp |

Ông Võ Đình Sỹ, Trưởng Chương trình Vùng Đakrông (Quảng Trị), Tổ chức Tầm nhìn thế giới cho biết, vừa hoàn thành việc lắp đặt, bàn giao 84 bộ máy vi tính cùng một số đồ dùng, thiết bị phục vụ việc dạy và học cho 4 ngôi trường tại huyện miền núi Đakrông.