Bảo vệ môi trường (BVMT) là vấn đề luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm và đã có nhiều chính sách, giải pháp cụ thể phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Năm 2022, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 bắt đầu được thực thi với nhiều điểm mới trong quản lý, xử lý các vấn đề về môi trường, phù hợp với giai đoạn phát triển mới.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 ra đời nhằm thay thế Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 để tạo ra khung pháp lý xuyên suốt, những cơ chế linh hoạt trong công tác BVMT, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về BVMT, đáp ứng tiêu chuẩn phát triển của xã hội. Để những chính sách mới thực sự đi vào cuộc sống, cơ quan xây dựng luật và các cơ quan quản lý đã xây dựng hệ thống văn bản pháp luật đi kèm.
Sau khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 được thông qua, Bộ TN&MT được Chính phủ giao xây dựng 3 nghị định gồm: Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-zôn, Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong BVMT. Cùng với đó là 2 thông tư liên quan đến vấn đề quy định chi tiết nội dung Luật Bảo vệ môi trường và quy định chi tiết một số điều liên quan đến vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 thể hiện cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính (TTHC) thông qua việc tích hợp rất nhiều giấy phép vào trong giấy phép môi trường. Các tiêu chí về môi trường để phân loại các dự án, thực hiện các công cụ quản lý đồng bộ từ giai đoạn xây dựng, thiết kế cho đến triển khai và vận hành dự án.
Nếu như trước đây có những đối tượng, dự án phải có đánh giá tác động môi trường, giấy xác nhận công trình BVMT... thì nay chỉ thực hiện 1 thủ tục là giấy phép môi trường. Đơn giản hóa từ thành phần hồ sơ; nhiều nội dung liên quan đến giấy tờ được thực hiện theo cơ chế thủ tục liên thông, không bắt buộc người dân và doanh nghiệp phải nộp.
Qua đó, góp phần đơn giản hóa, tạo thuận lợi về mặt TTHC cho người dân và doanh nghiệp. Về thời gian giải quyết hồ sơ TTHC, luật quy định thời hạn tối đa là 45 ngày đối với cấp giấy phép môi trường cấp bộ. Qua đánh giá, việc thực hiện quy định này góp phần giảm gần 40% TTHC trong lĩnh vực môi trường.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 còn có một vấn đề được rất nhiều người quan tâm là việc người dân phải thực hiện phân loại rác thải tại nguồn và trả chi phí xử lý rác thải theo khối lượng. Theo đó, luật đưa ra quy định thay đổi lớn trong cách thức quản lý rác thải sinh hoạt.
Nếu như trước đây, việc thu phí rác thải sinh hoạt dựa trên bình quân hộ hoặc theo đầu người, thì nay việc thu phí sẽ theo nguyên tắc thu theo khối lượng, thể tích của chất thải các hộ gia đình thải bỏ. Đây cũng là cơ chế để thúc đẩy việc tăng cường phân loại rác thải tại nguồn. Theo quy định, rác thải sẽ được phân làm 3 loại: rác thải tái chế, rác thải thực phẩm và rác thải còn lại.
Để thực hiện cơ chế này, luật cũng quy định đơn vị thu gom rác thải có quyền từ chối việc thu gom nếu rác thải không được phân loại theo đúng quy định. Đồng thời quy định cụ thể trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội phải cùng tham gia để thực hiện trách nhiệm giám sát đối với người dân trong việc thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.
Để Luật Bảo vệ môi trường đi vào cuộc sống, Sở TN&MT tỉnh Quảng Trị đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến những nội dung mới của luật đến người dân và doanh nghiệp để các đối tượng có thể tiếp cận và nắm rõ hơn các quy định của luật. Không ngừng nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ chính sách pháp luật về môi trường cho cán bộ chuyên môn ngành TN&MT; mở rộng mạng lưới truyền thông TN,MT.
Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh đã xây dựng kế hoạch tập huấn hướng dẫn các TTHC mới theo Luật Bảo vệ môi trường cho cán bộ địa chính - môi trường cấp xã và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là phổ biến quy định về quản lý chất thải, thủ tục môi trường cấp xã và TTHC mới theo Luật Bảo vệ môi trường cho 114 cán bộ địa chính - môi trường cấp xã và trên 500 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Nội dung các đợt tập huấn tập trung hướng dẫn công tác quản lý nhà nước về môi trường cấp xã; hướng dẫn thực hiện đăng ký môi trường, báo cáo công tác bảo vệ môi trường định kỳ. Công tác quản lý môi trường trong sản xuất, kinh doanh; thực hiện thủ tục cấp giấy phép môi trường; quản lý chất thải và báo cáo công tác môi trường của doanh nghiệp.
Qua đó, giúp cán bộ làm công tác quản lý môi trường và doanh nghiệp nắm rõ hơn các nội dung và những điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, đồng thời tạo ra kênh chuyển tải thông tin về bộ luật gắn bó mật thiết với cuộc sống của người dân.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)