Cuối năm 2016 hai thôn Trỉa và Cát thuộc xã Hướng Sơn (Hướng Hóa, Quảng Trị) có điện. Đây là hai thôn cuối cùng ở địa bàn miền núi xa xôi, hiểm trở nhất của tỉnh Quảng Trị được hòa lưới điện quốc gia. Bao nhiêu năm chỉ có ánh đèn dầu, từ đây cuộc sống của người dân bắt đầu có sự đổi thay.
Tôi được tham gia cùng đội ngũ nhân viên ngành điện dồn hết nhân lực, chạy đua với thời gian để khẩn trương đóng điện ở 2 bản Cát, Trỉa trong những ngày cận tết. Công trình cấp điện thôn Trỉa và thôn Cát được hoàn thành sau gần 9 tháng thi công có tổng mức đầu tư gần 14 tỉ đồng, với hơn 13 km đường dây trung áp và trên 5 km đường dây hạ áp, 2 trạm biến áp 25 KVA. Đây là dự án thành phần nâng cấp và mở rộng lưới điện nông thôn miền núi ở tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2013- 2020. Mục tiêu của chương trình là xây dựng mới và cải tạo nâng cấp hệ thống điện hiện có, phù hợp với quy hoạch, kết hợp với việc bố trí lại dân cư trên từng địa bàn; phát triển lưới điện có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên cho vùng sâu và hướng tới “phủ sóng” lưới điện quốc gia. Công trình điện lưới đưa vào sử dụng đã cung cấp nguồn điện sinh hoạt và sản xuất cho 144 hộ dân ở 2 thôn Trỉa, Cát, xã Hướng Sơn.
Với mục tiêu đến năm 2020 có 100% thôn, bản trên địa bàn tỉnh có điện, đặc biệt là có đủ nguồn điện cấp cho địa bàn biên giới Việt- Lào, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh; thúc đẩy phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo và nâng cao dân trí, từ tháng 8/2013, Tổng Công ty Điện lực miền Trung đã phê duyệt dự án cấp điện cho 15 thôn, bản trên địa bàn tỉnh Quảng Trị với mức đầu tư 49 tỉ đồng. Theo đó, ngành điện đã xây dựng mới 33,34 km đường dây trung áp, 16 trạm biến áp với tổng dung lượng 600 KVA, 21,86 km đường dây hạ áp, lắp đặt mới 743 công tơ. Đến năm 2015 đã đóng điện cho 217 hộ dân ở 5 thôn gồm các thôn: Tà Lao (xã Tà Long); Khe Hiên (xã Hướng Hiệp); Chân Rò, Cu Pua 1, Cu Pua 3 (xã Đakrông). Năm 2016 tiếp tục có thêm 380 hộ dân ở 8 thôn trên địa bàn huyện Đakrông gồm thôn A La, Bù (xã Ba Nang); A Đêng (xã A Ngo); A Sau, Tân Đi 3, Pa Linh, Ro Ró 1, A Vao 4 (xã A Vao) được sử dụng điện chiếu sáng. Khi lưới điện đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho hơn 500 hộ dân sống ở các bản làng vùng sâu, vùng xa của hai huyên miền núi Đakrông và Hướng Hóa không chỉ làm thay đổi đời sống tinh thần của người dân mà còn hỗ trợ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Ông Ăm Thư, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa cho biết: “Có điện, người dân chúng tôi được tiếp cận các kỹ thuật canh tác nông, lâm nghiệp như trồng rừng, trồng sắn, làm lúa nước, trồng và thu hoạch cà phê trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhờ đó mà hiệu quả sản xuất được cải thiện rõ nét, năng suất, sản lượng tăng lên. Có điện về bản, đời sống người dân đã đổi thay nhiều hơn trước”.
Cũng là địa phương miền núi như Hướng Hóa, cách đây không lâu, người dân các bản khó khăn của huyện Đakrông đã vui mừng khi được sử dụng lưới điện quốc gia từ dự án đầu tư cấp điện cho trên 1.300 hộ dân sinh sống tại các bản xa xôi của huyện Đakrông, Hướng Hóa của Tổng công ty Điện lực miền Trung. Ngày điện về bản, hàng nghìn người dân ở các bản làng của huyện Đakrông, Hướng Hóa rất vui mừng bởi ước mong bấy lâu của họ đã trở thành hiện thực, cuộc sống bây giờ và cả thế hệ mai sau sẽ văn minh hơn. Già làng Pả Thông, ở xã Ba Nang, huyện Đakrông chia sẻ. “Trước đây khi chưa có điện mỗi khi cần xem ti vi bà con ở đây phải sang bản khác xem nhờ nhưng từ nay thì khác rồi bởi nhà nào trong bản cũng có ti vi. Đó là niềm vui sướng, hạnh phúc nhất của chúng tôi”.
Là cán bộ ngành điện gắn bó lâu năm ở địa bàn miền núi, anh Thái Tăng Đạo ở Điện lực Khe Sanh chia sẻ: “Ở miền núi luôn có điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Mùa nắng nóng, đường núi còn dễ đi có thể sử dụng phương tiện để di chuyển nhưng gian khổ nhất là vào mùa mưa bão, trong khi địa hình núi non hiểm trở, nhiều đoạn sông suối, mưa bão có thể gây đổ cây, sạt lở đất. Để triển khai thi công kịp tiến độ, công nhân buộc phải đi bộ, mang theo lương khô, nước uống sử dụng giữa đường rừng. Với địa bàn các thôn xa như Trỉa, Cát cách Khe Sanh khoảng 15 km nhưng nhiều khi phải mất 3- 4 tiếng đồng hồ mới vào đến nơi. Không những thế, để đưa nguồn điện đến với bản Tà Păng và các thôn bản giáp biên giới như bản Cuôi, Cợp (xã Hướng Lập) phải đi qua địa phận nước bạn Lào. Khó khăn, vất vả là vậy, tuy nhiên được sự chia sẻ, hỗ trợ từ lãnh đạo điện lực, địa phương, người dân nên chúng tôi đã hoàn thành công việc được giao”.
Khi có điện, ngoài mục đích chiếu sáng và phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa thì người dân ở Đakrông và Hướng Hóa đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư mở dịch vụ xay xát lúa bằng máy chạy bằng điện, mở xưởng cơ khí vừa và nhỏ, dịch vụ cưa xẻ gỗ rừng trồng, dịch vụ vận tải, phân bón nhằm phát triển kinh tế, từng bước xóa đói giảm nghèo. Bên cạnh đó, người dân nơi đây còn mở ra những hướng đi mới trong việc dùng điện để đa dạng hóa phát triển kinh tế, nâng cao đời sống gia đình, góp phần xây dựng bản làng ngày càng giàu đẹp. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng cho biết thêm, Quảng Trị là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước “phủ sóng” lưới điện ở 100% thôn, bản, đặc biệt là các bản miền núi khó khăn. Từ chủ trương đưa điện về vùng sâu, vùng xa ở các huyện miền núi Đakrông, Hướng Hóa, tỉnh hướng đến mục tiêu phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của Nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo, góp phần giữ vững quốc phòng- an ninh vùng biên giới.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)