Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp hiểu theo nghĩa chung nhất là doanh nghiệp thực hiện các nghĩa vụ đã cam kết đối với xã hội. Tuy vậy, trên thực tế có không ít doanh nghiệp “quên” trách nhiệm của mình, từ đó tạo ra rào cản trong quá trình phát triển.
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được thể hiện trên nhiều mặt và dễ nhận thấy nhất là qua đạo đức, văn hóa kinh doanh; đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động; đóng góp cho cộng đồng xã hội; bảo vệ môi trường sinh thái; tham gia xây dựng và thực hiện tốt các chính sách tạo dựng môi trường đầu tư và sản xuất - kinh doanh (SX- KD) thuận lợi.
Theo dõi tình hình KT - XH của tỉnh Quảng Trị thời gian gần đây có thể thấy một thực tế đáng buồn là không ít doanh nghiệp thiếu trách nhiệm với xã hội. Ở huyện Vĩnh Linh, từ mấy năm nay người dân các xã Vĩnh Lâm, Vĩnh Sơn, Hiền Thành... đã phải đối mặt với tình trạng nguồn nước sông Sa Lung ngày càng ô nhiễm khiến việc nuôi tôm thêm phần bấp bênh. Đến năm 2023, khi hàng trăm hộ nông dân điêu đứng vì tôm chết hàng loạt thì sự nghi ngờ của họ tập trung vào các cơ sở sản xuất ở đầu nguồn sông Sa Lung xả thải chưa qua xử lý ra môi trường.
Ngày 19/9/2023, các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra tại Công ty TNHH MTV Đức Hiền Quảng Trị, phát hiện có cống nước ngầm nối từ trong khu vực nhà máy của công ty đang xả chảy ra sông Sa Lung có chiều dài khoảng 100 m. Làm việc với đoàn kiểm tra, ông Nguyễn Văn Đức, giám đốc công ty thừa nhận có sự cố rò rỉ, để nước thải của nhà máy chưa xử lý chảy trực tiếp ra môi trường...
Trong những nguyên nhân chính dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, nhiều dự án đầu tư, nhất là các dự án dịch vụ - du lịch sau nhiều năm triển khai vẫn “án binh bất động”, có nguyên nhân là không ít doanh nghiệp sau khi trúng thầu thi công, được cấp quyết định chủ trương đầu tư đã không thực hiện đầy đủ các cam kết.
Công trình ngổn ngang, dang dở, chủ đầu tư liên tục kiểm tra, đốc thúc nhưng doanh nghiệp thi công “ngó lơ” với lý do giá cả nguyên nhiên liệu, vật tư đầu vào tăng cao; thiếu hợp tác, đối thoại để tìm hướng giải quyết các khó khăn, vướng mắc.
Một số dự án dịch vụ - du lịch sau thời gian khởi đầu rộn ràng đã nhanh chóng rơi vào tình trạng “đóng băng” khiến nhiều diện tích đất ở vị trí đắc địa bị bỏ không, không chỉ làm lãng phí tài nguyên đất đai mà còn lấy đi cơ hội đầu tư của các doanh nghiệp khác. Đơn cử như dự án Khu ẩm thực và chợ đêm Phường 2, ở TP. Đông Hà. Dự án này chỉ hoạt động được vài tháng thì đóng cửa, bỏ không từ tháng 6/2020 đến nay và nhiều lần bị xử phạt vi phạm hành chính vì vi phạm hợp đồng...
Doanh nghiệp “né” trách nhiệm của mình là những doanh nghiệp làm ăn theo kiểu lách luật, chụp giật, chăm chăm vào lợi ích trước mắt mà không tính đến chiến lược phát triển, lợi ích lâu dài; vun vén cho lợi ích của mình trong khi cố tình lờ đi trách nhiệm đối với người lao động, cộng đồng.
Đó cũng là những doanh nghiệp thường hay phàn nàn về cơ chế, chính sách của chính quyền chưa thông thoáng, thuận lợi; chưa nắm rõ thủ tục hành chính, chủ trương, chính sách nhưng khi tỉnh, cơ quan chức năng tổ chức các hội nghị, diễn đàn để lắng nghe, giải quyết hay các hoạt động nâng cao kiến thức thì lại không tham gia hoặc tham gia nửa vời.
Cũng cần phải nói thêm, có doanh nghiệp thiếu tinh thần xây dựng, làm vẩn đục môi trường đầu tư và SX-KD của tỉnh khi nhận xét, đánh giá thiếu khách quan, công tâm những nỗ lực và kết quả của chính quyền trong lĩnh vực này.
Quảng Trị hiện có 3.400 doanh nghiệp đang hoạt động; tổng sản phẩm tạo ra bình quân hằng năm chiếm trên 70% giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn, góp phần quan trọng vào phát triển KT-XH của tỉnh.
Môi trường đầu tư và SX-KD có thuận lợi; doanh nghiệp có phát triển về số lượng và chất lượng hay không phụ thuộc rất lớn vào vai trò, chức năng kiến tạo, phục vụ của chính quyền và trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp. Thiếu đi một trong hai yếu tố này thì kết quả sẽ không như kỳ vọng. Do vậy, ngoài nỗ lực của chính quyền thì các doanh nghiệp cần phải đề cao trách nhiệm xã hội của mình.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)