Thời gian qua, hàng chục ngàn người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19 trên địa bàn tỉnh đã nhận được tiền hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Việc các ngành, địa phương tích cực phối hợp để thực hiện chi trả nguồn tiền trên đến đúng thời điểm người dân gặp khó khăn do dịch bệnh đã mang ý nghĩa lớn cả về vật chất lẫn tinh thần, động viên người dân vượt qua giai đoạn khó khăn.
Tính đến ngày 27/10/2021, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành quyết định phê duyệt 30.147 đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng COVID-19 với tổng số tiền trên 8,63 tỉ đồng, trong đó đã chi trả cho 29.680 đối tượng với số tiền 6,978 tỉ đồng. Tỉnh đã thực hiện 11/12 chính sách hỗ trợ theo quy định của trung ương, trong đó đã giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 1.457 đơn vị/27.140 người; 1 đơn vị (83 lao động) được hỗ trợ tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; 503 người lao động tại 31 đơn vị được hưởng chính sách hỗ trợ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; 29 người lao động tại 5 đơn vị và 69 người lao động là hướng dẫn viên du lịch được hỗ trợ theo chính sách ngừng việc; 6 đơn vị được hưởng chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất với lãi suất 0% tại Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Quảng Trị. Về thực hiện chính sách hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp Bảo hiểm xã hội tỉnh đã xác định và giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày 1/10/2021 đối với 1.459 đơn vị, tương ứng 27.218 người. Về hỗ trợ người lao động, đã giải quyết hưởng hỗ trợ cho 24.997 lao động (bằng 97,1% tổng số lao động đề nghị hưởng). Về chính sách đối với trẻ em và người đang điều trị COVID-19, cách ly y tế có 161 người điều trị COVID-19 và 140 người cách ly (F1) được chi hỗ trợ.
Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1841/ QĐ-UBND ngày 16/7/2021 về thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động tự do gặp khó khăn do COVID-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Trong đó, đối tượng hỗ trợ là người lao động không có giao kết hợp đồng lao động cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị bị nghỉ việc, ngừng việc để điều trị do nhiễm COVID-19 (F0), cách ly y tế (F1) hoặc ở trong các khu vực bị phong tỏa hoặc bị mất việc làm, giảm thu nhập xuống mức bằng hoặc thấp hơn mức chuẩn nghèo quy định trong khu vực thực hiện giãn cách xã hội hoặc làm nghề, công việc phải ngừng hoạt động để phòng, chống COVID-19 theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ 14 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021 với mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người. Nhờ việc ban hành kịp thời quyết định này, thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã có 440 lao động tự do được hỗ trợ với số tiền 660 triệu đồng. Để nguồn tiền hỗ trợ này đến sớm với người lao động, các địa phương trong tỉnh đã triển khai chính sách hỗ trợ lao động tự do với tinh thần chủ động, linh hoạt, thành lập các tổ rà soát đến cấp thôn, làng, khu dân cư, tổ dân phố. Qua đó các địa phương bước đầu xác định được số lượng lao động tự do cần trợ giúp và tiến hành tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ.
Theo ông Cáp Xuân Tá, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng, từ đầu tháng 8/2021 UBND huyện đã thành lập ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, thành lập tổ thẩm định thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do COVID-19, tổ chức hội nghị triển khai, hướng dẫn các địa phương, các ngành liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn đôn đốc các đơn vị, địa phương triển khai đến người dân, doanh nghiệp nắm bắt và đăng ký thực hiện. Trong 12 chính sách hỗ trợ theo quy định của trung ương, đối với huyện Hải Lăng chính sách có ý nghĩa thiết thực nhất với người dân địa phương là hỗ trợ lao động tự do. Đối với chính sách này, huyện Hải Lăng đã có 21 lao động tự do được hỗ trợ với số tiền 31,5 triệu đồng; 18 lao động tự do chuẩn bị được chi trả trong đợt tới. Trong các đợt bùng phát COVID-19, địa bàn huyện Hải Lăng có xã Hải Chánh 2 lần bị phong tỏa, địa phương này người dân sinh sống dọc theo tuyến Quốc lộ 1 nên có nhiều người buôn bán hàng rong, bán vé số dạo, xe thồ… thuộc diện cần hỗ trợ. Qua số liệu tập hợp của xã, huyện đang tiếp tục rà soát, thẩm định 306 hồ sơ lao động tự do của địa phương này.
Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ, TB&XH) Lê Nguyên Hồng cho biết, thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động theo Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23, bên cạnh việc tuyên truyền, phổ biến rộng rãi thông tin về chế độ chính sách của Nhà nước đến các đối tượng thụ hưởng, đơn vị luôn chủ động, tích cực phối hợp các ngành, địa phương liên quan thẩm định, chi trả kịp thời các chế độ hỗ trợ đến người bị ảnh hưởng COVID-19 theo quy định. Đồng thời yêu cầu Phòng LĐ, TB&XH các huyện, thị xã, thành phố rà soát, tổng hợp nhu cầu đào tạo nghề cho người lao động, đề xuất giải pháp hỗ trợ giải quyết việc làm, chuyển đổi sinh kế cho người lao động; Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đa dạng các hình thức hoạt động, phù hợp với điều kiện thực tiễn nhằm tăng cường công tác tư vấn, kết nối, hỗ trợ việc làm, tư vấn học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp... cho người lao động, nhất là những lao động trở về từ các tỉnh phía Nam nhằm đảm bảo an sinh xã hội.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)