Cùng với các cơ sở dạy nghề khác trên địa bàn, những năm qua Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị đã tổ chức tốt việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, góp phần quan trọng nâng cao năng suất lao động, giảm nghèo và thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới.
Hiệu trưởng nhà trường Lê Thiên Vinh cho biết, thực hiện chủ trương của tỉnh về đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT), trường xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong kế hoạch đào tạo hằng năm. Với chương trình có trên 75% thời gian dành cho thực hành, nhà trường đào tạo nghề cho LĐNT theo hình thức bắt tay chỉ việc, kèm cặp nghề. Ngoài dạy ở trường, lớp học còn được tổ chức ngay tại địa phương nên tạo điều kiện thuận lợi cho học viên theo học. Đội ngũ giảng viên nhà trường có trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề cao cũng như phương pháp giảng dạy phù hợp, khoa học.
Chị Hồ Thị Như Ý ở thôn Đại Hòa, xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong tham gia lớp học nghề kỹ thuật chế biến món ăn với ý định sau khi hoàn thành khóa học sẽ vay vốn kinh doanh dịch vụ ăn uống tại địa phương để tăng thêm thu nhập cho gia đình và tạo thêm việc làm cho một số phụ nữ trong thôn. Chị Ý cho biết, tại lớp học, học viên được trang bị kiến thức về dinh dưỡng, bảo quản thực phẩm, kỹ thuật chế biến các món ăn, cách thức bày biện món ăn đẹp mắt cũng như việc đảm bảo về chất lượng, giá trị dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm đồng thời cũng hợp khẩu vị, tập quán ăn uống… Cô Nguyễn Thị Luận, giáo viên dạy nghề kỹ thuật chế biến món ăn chia sẻ, đang phụ trách hai lớp nghề kỹ thuật chế biến món ăn tổ chức tại các xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh và xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong. Mỗi lớp học có 30 học viên là những phụ nữ dưới 60 tuổi.
Nội dung học trong 120 tiết, các tiết học lý thuyết và thực hành đều được tổ chức ngay tại cơ sở giúp cho học viên nữ được học gần nhà, giảm chi phí đi lại, có điều kiện chăm sóc gia đình cũng như làm các công việc khác. Cô Luận cho biết nhiều học viên muốn học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp, số khác đang kinh doanh dịch vụ ăn uống muốn phát triển thêm quy mô. Ngoài ra có các chị em muốn học nghề để chế biến món ăn thêm phong phú cho gia đình.
Theo ông Lê Thiên Vinh, năm học 2021 - 2022 này nhà trường cũng đã mở được 10 lớp DNNT với 260 học viên tại địa bàn các xã: Vĩnh Long, Vĩnh Hà, Vĩnh Ô (huyện Vĩnh Linh); Triệu Đại, Triệu Trung, Triệu Tài (huyện Triệu Phong) và Húc Nghì, Tà Long (huyện Đakrông). Để phục vụ mục tiêu dạy nghề cho LĐNT, ba năm qua, trường đã tuyển sinh và đào tạo gần 4.600 LĐNT với 33 nghề nông nghiệp và 12 nghề phi nông nghiệp, phục vụ cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và giải quyết việc làm cho người lao động. Nhà trường có cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại gồm khu trang trại và phòng thí nghiệm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; xưởng thực hành cơ khí; xưởng may…Cùng với đó, chương trình, giáo trình giảng dạy được địa phương hóa để phù hợp với thực tiễn và đơn vị sử dụng lao động. Đa số học viên chủ động tham gia các lớp học nghề rất hứng thú, nhờ vậy việc đào tạo nghề đạt được các kết quả cao, trên 80% lao động sau đào tạo sử dụng đúng nghề, áp dụng có hiệu quả vào cuộc sống.
Về chế độ, chính sách, người học được hỗ trợ theo Quyết định số 14/2016/ QĐ-UBND ngày 16/4/ 2016 của UBND tỉnh Quảng Trị ban hành danh mục, mức chi phí hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp, dạy nghề dưới 3 tháng cho LĐNT, người khuyết tật trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo nghề dưới 3 tháng. Đồng thời sau khi học xong nhà trường hỗ trợ giới thiệu việc làm nếu người học có nhu cầu.
Lãnh đạo nhà trường cho biết, đào tạo nghề cho LĐNT góp phần nâng cao chất lượng lao động, tạo ra cơ hội việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động. Khi được trang bị thêm kiến thức và hiểu biết về một ngành nghề nào đó thì lực lượng LĐNT có thể tạo ra cho bản thân một hướng đi mới để phát triển kinh tế. Qua thực tiễn, phần lớn người học đã vận dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất ngay trong và sau khóa đào tạo nghề. Đến nay, thông qua đào tạo nghề, tại nhiều địa phương trên toàn tỉnh, người lao động đã hình thành và phát triển tổ hợp tác, nhóm sản xuất các ngành nghề đã được học, như: Tổ hợp tác trồng rau sạch, tổ hợp tác nuôi gà thả vườn an toàn, tổ hợp tác nuôi ong lấy mật, thành lập các xưởng may, cơ khí hoặc bổ sung nguồn lao động cho các nhà máy, công ty, trang trại…
Thực tế cho thấy, dạy nghề cho LĐNT của Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị đã góp phần cải thiện chất lượng lao động trên địa bàn tỉnh. Nhờ có đào tạo nghề, một bộ phận LĐNT đã có điều kiện ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, đồng thời có định hướng phát triển nghề nghiệp, sản xuất theo hướng bền vững, qua đó cơ cấu ngành nghề ở khu vực nông thôn có sự thay đổi theo hướng tích cực.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)