Thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị rất quan tâm triển khai ứng dụng công nghệ thông tin góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của ngành.
Đặc biệt, từ khi có Quyết định 117 ngày 25/1/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016- 2020, định hướng đến năm 2025” và Kế hoạch số 4751 ngày 25/9/2017 của UBND tỉnh Quảng Trị về triển khai thực hiện đề án của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo càng có thêm điều kiện để triển khai ứng dụng công nghệ thông tin.
Kết quả đến năm 2020, các chỉ tiêu mà UBND tỉnh đề ra về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Quảng Trị đều cơ bản đạt được. Trong đó, Sở GD&ĐT đã thực hiện 7 quy trình ISO về đăng ký thi đua và xét thi đua khen thưởng năm học, công nhận đề tài, sáng kiến cấp ngành, thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và quy trình thanh toán nội bộ sở.
Cùng với đó, Sở GD&ĐT nâng cấp dịch vụ công trực tuyến từ mức độ 1, 2 lên mức độ 4 với 59 thủ tục hành chính. Đồng thời hướng dẫn cơ sở GD mầm non, phổ thông đăng ký tài khoản thực hiện thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh hoặc sử dụng danh tính điện tử do các tổ chức cung cấp định danh điện tử đã kết nối, tích hợp với nền tảng trao đổi định danh điện tử trên cổng dịch vụ công quốc gia để nộp hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính.
Các đơn vị trường học tích cực triển khai phần mềm ứng dụng vào công tác quản lý như kiểm định chất lượng, quản lý học sinh (HS), sổ điểm điện tử, phần mềm quản lý ngân hàng đề. Nhiều đơn vị đã xây dựng được hệ thống ngân hàng đề thi phục vụ dạy học, hướng đến xây dựng một hệ thống ngân hàng đề thi trực tuyến trong toàn ngành phục vụ công tác dạy học và đổi mới kiểm tra, đánh giá.
Việc sinh hoạt chuyên môn trên “Trường học kết nối” được giáo viên (GV) và HS tham gia, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác chuyên môn, vận dụng trong công tác tổ chức các chuyên đề dạy học, tập huấn trực tuyến. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành, đã cập nhật dữ liệu của tất cả các đơn vị GD trong toàn tỉnh, kết nối với cơ sở dữ liệu của Bộ GD&ĐT. Ứng dụng các phần mềm tiện ích hỗ trợ công tác quản lý và dạy học.
Từng bước triển khai xây dựng hệ thống hội nghị trực tuyến trong toàn ngành. Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành từng bước được hoàn thiện, đã tự động cập nhật dữ liệu từ các trường học để đồng bộ lên cơ sở dữ liệu của Bộ GD&ĐT. Ngành đã triển khai hệ thống hội nghị trực tuyến với 10 điểm cầu nối từ sở về cơ sở, kết nối với Bộ GD&ĐT. Triển khai tốt hệ thống “một cửa” điện tử trực tuyến phục vụ người dân. Hiện nay, 100% trường THPT, trường THCS&THPT mỗi trường có từ 1 đến 3 phòng máy với 25 đến 80 máy tính được nối mạng LAN và kết nối internet ADSL, cáp quang; phòng GD&ĐT, các trường THCS đều có phòng máy và kết nối internet; 100% trường tiểu học có phòng máy với số lượng từ 20 đến 30 máy tính phục vụ dạy học hiệu quả.
Các đơn vị, trường học khai thác, sử dụng hai phần mềm chủ yếu để dạy học trực tuyến (phần mềm Viettelstudy và phần mềm VNPT Elearning). Ngoài ra, nhiều đơn vị, trường học ứng dụng mạng xã hội, phần mềm Zoom cloud meeting, phần mềm Teamviewer, phần mềm Dropbox, phần mềm Office 365 để phục vụ công tác quản lý, dạy học.
Đến năm 2020, 100% các cơ sở GD trực thuộc sở đã ứng dụng chữ ký số do Ban Cơ yếu Chính phủ cấp để ban hành các văn bản hành chính, thực hiện các giao dịch với kho bạc nhà nước, bảo hiểm xã hội và các hình thức thanh toán khác phù hợp với quy định hiện hành, rút ngắn thời gian xử lý công việc, giảm chi phí.
100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quản lý của Sở GD&ĐT được thực hiện theo cơ chế “một cửa” điện tử, “một cửa liên thông”, được công bố và thống kê trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Trị tại địa chỉ: http://motcuadientu.quangtri.gov. vn và được đưa vào sổ theo dõi của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của sở. Năm học 2020- 2021, sở đã cấp tài khoản và hướng dẫn cho các đơn vị, trường học trong tỉnh triển khai dạy học trực tuyến phục vụ công tác tự học, ôn luyện kiến thức với hơn 127.119 tài khoản cho GV và HS, 1.211 bài giảng với 255 khóa học được đưa lên trang dạy và học trực tuyến…
Từ nay đến năm 2025, Sở GD&ĐT tiếp tục kết nối cơ sở dữ liệu ngành GD&ĐT với cơ sở dữ liệu của tỉnh và Bộ GD&ĐT, tiến tới phát triển mô hình trường học thông minh, cùng với tỉnh cơ bản đạt được các mục tiêu “tỉnh, thành phố thông minh”. Có 100% trường học các cấp được triển khai phần mềm quản lý trường học lưu trữ thông tin quản lý HS, GV tại trung tâm dữ liệu của tỉnh. Hệ thống thông tin GV, HS được chia sẻ giữa trường học các cấp phục vụ quá trình quản lý dạy và học của GV, HS.
100% GV đạt chuẩn tin học theo các thông tư liên tịch của Bộ GD&ĐT- Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp GV mầm non, tiểu học, THCS, THPT công lập, trong đó có 10% GV đạt chuẩn theo trình độ tin học quốc tế. Có 70% phụ huynh HS tương tác với nhà trường và các cơ sở GD thông qua các phương tiện truyền thông điện tử như mạng máy tính, các thiết bị di động (điện thoại di động, máy tính bảng). Có 50% trường học các cấp được trang bị thiết bị hỗ trợ CNTT trong việc giảng dạy.
GV giảng dạy chủ yếu bằng bài giảng điện tử, bài giảng E- Leaning. Việc tổ chức thi và chấm điểm cho HS thông qua hệ thống trắc nghiệm trên máy tính. Hệ thống đào tạo bồi dưỡng từ xa qua mạng E- Leaning được triển khai rộng rãi trên địa bàn tỉnh. Triển khai lớp học thông minh, lớp học tương tác, trường học thông minh tại các cụm trên địa bàn trung tâm. Kinh phí thực hiện kế hoạch này được huy động từ các nguồn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và nguồn huy động hợp pháp khác, trong đó nguồn ngân sách địa phương được bố trí tùy theo khả năng ngân sách nhà nước hằng năm. Trên cơ sở kế hoạch của UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch ứng dụng CNTT của địa phương và bố trí ngân sách để thực hiện đạt chỉ tiêu ứng dụng CNTT đối với ngành GD&ĐT mà tỉnh đã đề ra.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)