Tỉnh Quảng Trị có 2 huyện miền núi là Hướng Hóa và Đakrông với phần đông là học sinh người đồng bào thiểu số. Nếu tình hình dịch COVID-19 phức tạp, không dạy học trực tiếp được thì việc dạy và học của giáo viên, học sinh sẽ rất khó khăn.
Không có máy tính, điện thoại thông minh để học trực tuyến
Ông Nguyễn Sỹ Huấn – Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đakrông (tỉnh Quảng Trị) cho biết, đầu năm học 2021-2022 này, tại địa bàn huyện sẽ triển khai việc dạy học bình thường. Tuy nhiên, lễ khai giảng năm học sẽ không diễn ra, thay vào đó học sinh đến trường, sau khi khử khuẩn phòng dịch COVID-19 sẽ vào lớp học để nghe đọc thư chúc mừng ngày khai trường của Chủ tịch Nước.
Tiết học đầu tiên của ngày đầu tiên đến trường, học sinh sẽ được dạy về cách phòng dịch COVID-19, sau tiết học này sẽ dạy theo lịch đã vạch sẵn. “Hiện dịch COVID-19 ở địa phương đang được kiểm soát, nên sẽ dạy học trực tiếp. Tùy theo tình hình, nếu dịch phức tạp thì sẽ dạy học bằng phương án khác” – ông Nguyễn Sỹ Huấn, cho biết.
Tại huyện miền núi Đakrông, học sinh phần lớn là con em người đồng bào thiểu số Vân Kiều, Pa Cô. Nếu tình hình dịch phức tạp, không dạy học trực tiếp được, giáo viên ở các trường sẽ soạn bài tập, phiếu bài tập rồi chuyển về cho các em, hướng dẫn để các tự học ở nhà. Còn việc dạy học trực tuyến thì riêng ở huyện này không thể áp dụng. Lý do là bởi, trong 21 cơ sở giáo dục phổ thông ở huyện Đakrông, chỉ 2/21 cơ sở có thể tổ chức dạy học trực tuyến. Còn lại, phần lớn các hộ gia đình không có máy tính, không có điện thoại thông minh, thậm chí mạng internet còn chưa phủ sóng được đến các bản làng.
Tương tự, ở huyện miền núi Hướng Hóa, chỉ các trường học ở dọc tuyến Quốc lộ 9 có đủ khả năng để dạy học trực tuyến nếu tình hình dịch COVID-19 phức tạp, còn các vùng bản nơi người đồng bào thiểu số sinh sống thì không có đủ phương tiện để phục vụ cho việc học trực tuyến.
Quảng Trị sẽ tận dụng “thời gian vàng”
Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị, trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, sở này đã có hướng dẫn việc dạy học. Theo đó, các đơn vị, trường học đánh giá lại mức độ an toàn để tham mưu quyết định việc dạy học trực tiếp, trực tuyến hoặc kết hợp giữa dạy học trực tiếp và trực tuyến.
Riêng tại địa bàn TP.Đông Hà, các đơn vị, trường học chỉ triển khai kế hoạch dạy học trực tuyến với các phương án, kịch bản cụ thể, phù hợp với điều kiện của cơ sở giáo dục và học sinh, phụ huynh.
Thủ trưởng các đơn vị xây dựng các phương án dạy học tập trung các nội dung cốt lõi. Đặc biệt chú ý với cấp tiểu học, trong đó lớp 1, 2 ưu tiên dạy tiếng Việt, Toán và hoạt động trải nghiệm giúp học sinh hình thành kỹ năng đọc viết, nghe nói, tính toán.
Đối với lớp 3, 4, 5 ưu tiên dạy môn Toán, tiếng Việt, tiếng Anh, khoa học, lịch sử và địa lý; khuyến khích dạy học trực tuyến buổi hai và các môn năng khiếu.
Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị cũng lưu ý, đối với những học sinh về từ vùng dịch tễ hoặc có liên quan đến các F, nhà trường chỉ đạo giáo viên xây dựng đề cương chi tiết và kết hợp giao tài liệu hướng dẫn tự học; thường xuyên kiểm tra việc học của học sinh, đồng thời, làm tốt các phương án kiểm tra, đánh giá thường xuyên với học sinh thông qua các hình thức trực tuyến; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các đoàn thể, phụ huynh trong việc quản lý, nhắc nhở học sinh học tập…
Theo bà Lê Thị Hương – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị, dịch có diễn biến phức tạp, kế hoạch nói trên căn cứ vào tình hình thực tế hiện tại. Lãnh đạo ngành cũng nghĩ đến việc không dạy học trực tiếp ở các địa phương khác ngoài TP.Đông Hà, nếu làm như vậy sẽ thiệt thòi cho học sinh. “Như năm học vừa rồi, tỉ lệ học sinh ở các huyện miền núi đạt điểm cao trong Kỳ thi Tốt nghiệp THPT Quốc gia rất ít, chất lượng giảm sút là vì việc học trực tiếp bị ngừng trệ do dịch. Vì vậy, chúng tôi sẽ tận dụng “thời gian vàng” để tập trung dạy các môn học cần thiết trước” – bà Lê Thị Hương, nói.