Giáo dục và đào tạo luôn góp phần quyết định đến sự phát triển tương lai của đất nước cũng như mỗi địa phương. Như mọi lĩnh vực khác, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Quảng Trị đang đẩy mạnh chuyển đổi số.
COVID-19 xảy ra gần hai năm nay, về khía cạnh tích cực, đây là cơ hội đẩy mạnh, nâng cao năng lực dạy và học trên môi trường số qua các công cụ trực tuyến (online). Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin làm cho dạy học trực tuyến trở thành cuộc cách mạng, một xu thế tất yếu của thời đại công nghiệp 4.0. Đây là cơ hội vàng cho chuyển đổi số của ngành giáo dục, đổi mới phương pháp dạy học giúp người học có thể độc lập về thời gian, không gian và trong mọi giai đoạn của cuộc đời.
Tuy nhiên, trước hết có thể hiểu chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của các cá nhân, tổ chức về cách sống, làm việc và phương thức sản xuất trên môi trường số, dựa vào các công nghệ số. Môi trường số chính là môi trường chúng ta đang sống hôm nay, có internet và các thiết bị di động, các thực thể đều dần được số hóa và liên kết với nhau.
Để phục vụ cho chuyển đổi số, Bộ GD&ĐT đã xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia với dữ liệu thu thập trên cả nước. Trong đó, riêng phần dữ liệu giáo dục phổ thông gồm dữ liệu về trường, lớp, học sinh và thầy cô giáo từ các cấp độ trường đến huyện/thị xã, tỉnh/ thành phố rồi lên Bộ GD&ĐT. Cơ sở dữ liệu này chi tiết về thầy cô giáo, học sinh với số điểm mỗi kỳ học…
Vì vậy, nhờ chuyển đổi số mà mới đây, sau khi công bố điểm tốt nghiệp THPT, chúng ta đã biết được điểm đối sánh của học sinh các địa phương trong cả nước cũng như học sinh Quảng Trị có sự chênh lệch giữa điểm thi và điểm học của các môn như thế nào, từ đó tìm ra nguyên nhân của sự chênh lệch, đưa ra các giải pháp điều chỉnh để sự chênh lệch ngày càng được rút ngắn.
Cụ thể điểm thi tốt nghiệp THPT trung bình toàn tỉnh Quảng Trị năm 2021 là 6,273; điểm trung bình học bạ 6,957, chênh lệch 0,685 điểm. Điểm chênh lệch của học sinh Quảng Trị là kết quả phản ánh giữa việc dạy học và kiểm tra, đánh giá của ngành GD&ĐT đã cơ bản đáp ứng yêu cầu đánh giá đúng năng lực của học sinh theo chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình.
Thời gian qua, ngành GD&ĐT Quảng Trị luôn chủ động thực hiện chuyển đổi số. Những yếu tố mang đến thành công của chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo là con người, cơ chế và công nghệ, trong đó công nghệ là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất trong chuyển đổi số giáo dục. Sau thời gian dài sử dụng các công cụ truyền thống của công nghệ thông tin như máy chiếu, tương tác đồ họa, học liệu điện tử, nay bước tiếp theo là của trí tuệ nhân tạo, công nghệ hiển thị và dạy học thông minh.
Thầy cô giáo từng bước đã chủ động thay đổi về nhận thức, tư duy để truyền cảm hứng cho học sinh những điều mới mẻ trên môi trường số. Thêm vào đó, sự thích ứng với những kiến thức đang thay đổi ngày càng hiện đại của các thầy cô là thứ không thể thiếu để dẫn dắt học sinh. Mặt khác, điều cốt lõi chuyển đổi số trong giáo dục là cần đào tạo những thế hệ học sinh tiếp theo thật sự dùng được tiếng Anh phục vụ học tập, nghiên cứu, chuyển đổi số.
Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị Lê Thị Hương cho biết, dạy học và quản lý giáo dục tại địa phương đã thay đổi rất nhiều nhờ công nghệ số; ngành luôn nỗ lực đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục thích hợp trên môi trường số để không ngừng tạo ra những con người luôn đáp ứng yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của xã hội. Tuy đang gặp không ít khó khăn về vật chất, nguồn vốn đầu tư máy móc, thiết bị, cơ sở trường học nhưng ngành đang quyết tâm tạo nhiều điểm nhấn, cái mới, vì luôn nhận thức rõ hạ tầng nhân lực của tỉnh luôn được bắt đầu xây dựng bởi ngành giáo dục đào tạo. Bên cạnh việc hướng đến đảm bảo hiệu quả giáo dục, chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo luôn xem trọng cơ hội tiếp cận giáo dục bình đẳng cho mọi đối tượng người học, kể cả học sinh nghèo và khuyết tật, để không ai bị bỏ lại phía sau là một mục tiêu quan trọng của chuyển đổi số mà ngành GD&ĐT Quảng Trị luôn quan tâm, hướng đến.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)