Ngày 3/10/2018, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1299/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025”. Sau 3 năm triển khai thực hiện đề án trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã góp phần tạo chuyển biến căn bản về văn hóa ứng xử của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, từng bước xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện.
Triển khai đồng bộ các giải pháp
Để thực hiện đề án, những năm qua, ngành giáo dục đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về văn hóa ứng xử, đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện bộ quy tắc ứng xử trong trường học. Nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học cũng được đổi mới. Các cơ sở giáo dục mầm non đã bổ sung những nội dung giáo dục văn hóa ứng xử trong các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ ở trường mầm non, trong các chuyên đề lễ giáo, hoạt động giáo dục… qua đó góp phần hình thành và phát triển ở trẻ em ý thức, hành vi ứng xử phù hợp với độ tuổi. Chẳng hạn như đối với thầy cô giáo, ông bà, cha mẹ, anh chị em, bạn bè biết lễ phép, kính trọng, yêu thương; có kỹ năng tự phục vụ như tự ăn uống, tự vệ sinh thân thể, giữ gìn quần áo và đồ dùng học tập sạch sẽ… Các trường phổ thông đã xây dựng và thực hiện bộ quy tắc ứng xử trường học gắn với hướng dẫn cụ thể trong thực hiện nếp sống, thói quen văn minh, lịch sự đối với các chủ thể trong trường học. Đó là văn hóa xếp hàng nơi công cộng, triển khai nguyên tắc tự giáo dục trong các hoạt động có liên quan như hoạt động thư viện, căn tin, bán trú, nội trú… Đồng thời lựa chọn các nội dung văn hóa ứng xử, lối sống văn hóa có giá trị và phù hợp với đặc điểm sinh lý, tình cảm của học sinh, lối sống nhân ái thông qua các hoạt động quyên góp, từ thiện.
Phương pháp, hình thức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học cũng được tích cực đổi mới. Thông qua giảng dạy, lồng ghép tích hợp vào các môn học như Đạo đức, Giáo dục công dân, Ngữ văn, Lịch sử… các trường đã triển khai theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học, coi trọng phương pháp trải nghiệm và phát huy lợi thế các hoạt động giáo dục ngoại khóa, giáo dục kỹ năng sống để hình thành kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn hóa, giáo dục kiến thức pháp luật, giáo dục công dân cho học sinh. Hoặc thông qua tổ chức các hoạt động tập thể, ngoại khóa, hội thi… đã góp phần quan trọng trong việc giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ngăn ngừa bạo lực học đường. Thông qua tổ chức các chương trình truyền thông trực tiếp, hoạt động của tổ tư vấn tâm lý học sinh trong trường học, nhiều trường học đã tổ chức các buổi truyền thông cho học sinh về giáo dục pháp luật, phòng chống ma túy, tội phạm và tệ nạn xã hội...
Bên cạnh đó, các đơn vị, trường học đã thiết lập được cơ chế phối hợp với chính quyền, các đoàn thể ở địa phương và phụ huynh học sinh để trao đổi, thông tin, tuyên truyền nâng cao trách nhiệm trong việc quản lý, giáo dục học sinh, xây dựng nếp sống văn hóa học đường. Công tác kiểm tra, giám sát và xử lý về thực hiện nhiệm vụ xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học và xử lý bạo lực học đường được quan tâm thực hiện tốt.
Nhiều kết quả tích cực
Theo thống kê của ngành giáo dục, đến nay, toàn tỉnh đã có 387/400 trường mầm non, phổ thông và trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đã xây dựng, sửa đổi, bổ sung quy chế ứng xử văn hóa trong trường học, góp phần điều chỉnh cách ứng xử của giáo viên, học sinh và phụ huynh. Xây dựng được các mối quan hệ ứng xử thể hiện qua trang phục, ngôn ngữ, hành vi giao tiếp theo hướng lành mạnh, thân thiện, văn minh. Đồng thời ngăn ngừa, xử lý kịp thời, hiệu quả các hành vi tiêu cực, thiếu tính giáo dục trong cơ sở giáo dục. Năm học 2019 - 2020, ngành đã chọn và triển khai chủ đề năm học là “Nâng cao trách nhiệm, đạo đức nhà giáo; tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh”; năm học 2020-2021 xác định chủ đề “Nâng cao trách nhiệm, đạo đức, năng lực đổi mới, sáng tạo của nhà giáo; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh”. Qua 2 năm thực hiện chủ đề năm học, môi trường văn hóa học đường, đặc biệt là mối quan hệ ứng xử trong trường học và việc giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Cùng với thực hiện tốt chủ đề năm học, các đơn vị, trường học đã tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa nhằm giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh. Các hoạt động giáo dục kỹ năng sống được lồng ghép với các môn học chính khóa, các tiết sinh hoạt chào cờ đầu tuần, sinh hoạt lớp, hoạt động văn nghệ, thể dục, thể thao… Trong năm học 2020 - 2021, toàn ngành đã tổ chức được 4.441 buổi ngoại khóa giáo dục kỹ năng sống với 1.575.100 lượt học sinh tham gia; 3.384 buổi ngoại khóa giáo dục đạo đức, lối sống thu hút 374.341 lượt học sinh tham gia. Đã thành lập và đưa vào hoạt động 253 câu lạc bộ học thuật; 574 câu lạc bộ năng khiếu - thể dục thể thao của học sinh và 151 câu lạc bộ nghiên cứu khoa học; tổ chức 47.878 tiết/ giờ học về các hoạt động trải nghiệm ngoài lớp học thu hút 297.187 lượt học sinh tham gia. Bên cạnh đó, các trường còn phối hợp ngăn chặn, xử lý nghiêm các vụ bạo lực học đường, các vụ việc giáo viên, học sinh vi phạm pháp luật.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án, ngành giáo dục và đào tạo sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học gắn với đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học. Chú trọng nâng cao năng lực ứng xử và năng lực giáo dục ứng xử cho cán bộ quản lý và giáo viên trên địa bàn tỉnh. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong xây dựng văn hóa ứng xử. Tổ chức chương trình tọa đàm “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học” nhằm chủ động trong công tác tuyên truyền, phân tích thực trạng, chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất giải pháp triển khai hiệu quả đề án xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học…
(Nguồn: Báo Quảng Trị)