Động lực giúp người dân thoát nghèo

Nam Phương |

Qua 20 năm đi vào cuộc sống, chương trình triển khai tín dụng chính sách cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ - CP của Chính phủ đã mang lại hiệu quả lớn, giúp cho hàng chục nghìn hộ dân có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.


Tại huyện Đakrông, trong suốt 20 năm thực hiện tín dụng chính sách theo Nghị định số 78 của Chính phủ, đã có hơn 24.000 lượt hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận vay vốn tín dụng chính sách ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống, tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội.

Như trường hợp của gia đình chị Hoàng Thị A Sát, ở tại thôn Pire 2, xã A Bung là một ví dụ. Vợ chồng chị A Sát từng có cuộc sống khó khăn do hai vợ chồng mới cưới, tách ra ở riêng. Thế rồi thông qua chương trình cho vay hộ nghèo và chương trình cho vay đầu tư nước sạch của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện, anh chị vay được tổng cộng 70 triệu đồng, từ đó mạnh dạn mở rộng diện tích trồng rừng, mua bò, dê về nuôi; sửa sang nhà cửa.

Nguồn vốn vay ưu đãi giúp nhiều hộ gia đình ở huyện Đakrông có cuộc sống ổn định hơn - Ảnh: T.P
Nguồn vốn vay ưu đãi giúp nhiều hộ gia đình ở huyện Đakrông có cuộc sống ổn định hơn - Ảnh: T.P

Chị Sát cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, vợ chồng tôi đã có nhà kiên cố để ở; có 5 con bò, 3 ha rừng và hoàn trả được cho Ngân hàng CSXH 54 triệu đồng. Tất cả là nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nguồn vốn vay hỗ trợ của Ngân hàng CSXH huyện”.

Được biết, trong 20 năm thực hiện tín dụng chính sách theo Nghị định số 78, huyện Đakrông đã tập trung nguồn lực tín dụng qua Ngân hàng CSXH cho vay với doanh số cho vay trên 747 tỉ đồng, doanh số thu nợ đạt gần 367 tỉ đồng. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đến ngày 30/6/2022 đạt khoảng 390 tỉ đồng, tăng 381 tỉ đồng, gấp 46,9 lần so với dư nợ khi thành lập.

Toàn huyện hiện có 171 tổ tiết kiệm và vay vốn đang hoạt động hiệu quả tại 78 thôn, bản thuộc quản lý của 4 tổ chức chính trị - xã hội với hơn 7.000 thành viên. Không chỉ phát huy hiệu quả trên địa bàn huyện Đakrông mà có thể khẳng định rằng, chương trình tín dụng chính sách theo Nghị định số 78 đã góp phần quan trọng thực hiện các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đề ra về giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.

Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Trần Đức Xuân Hương cho hay: “Đến nay, sau 20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78 của Chính phủ, chúng tôi đã triển khai nhiều chương trình cho vay, với tổng dư nợ đến ngày 31/7/2022 đạt 3.686 tỉ đồng, trong đó còn khoảng 69.024 khách hàng còn dư nợ.

Thông qua các đợt vay vốn, hàng nghìn người dân khó khăn, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ tiếp cận, tạo trợ lực phát triển kinh tế hộ gia đình. Ngoài ra, thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, nhiều vốn vay được triển khai tận hộ dân khó khăn, đảm bảo quyền lợi, giúp ổn định cuộc sống”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

900 triệu đồng hỗ trợ phụ nữ xã Vĩnh Lâm vay ưu đãi để nuôi bò sinh sản

Hà Trang |

Ngày 11/8, UBND tỉnh Quảng Trị ban hành quyết định về việc phê duyệt dự án “Tăng thu nhập cho phụ nữ nghèo, khó khăn thông qua việc nuôi bò sinh sản tại xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị” do Tổ chức Chia sẻ dân sự toàn cầu (GCS) tài trợ.

Hỗ trợ vay vốn mua thiết bị học trực tuyến 10 triệu đồng/học sinh

B.A |

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 09/2022/QĐ-TTg ngày 4/4/2022 về tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến.

Tăng mức vay vốn cho học sinh, sinh viên từ ngày 19/5/2022

BA |

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 05/2022/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 về tín dụng đối với học sinh, sinh viên.

Gỡ “nút thắt” cho doanh nghiệp vay vốn

Mai Lâm |

Nghị quyết 126/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 33/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐTTg liên quan đến chính sách và thực hiện chính sách đối với người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do COVID-19 đã tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục, điều kiện vay vốn. Sự tháo gỡ này đã giúp doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi hơn gói hỗ trợ của Chính phủ nhằm khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh.