Dự án phi chính phủ nước ngoài góp phần giải quyết các vấn đề xã hội ở Quảng Trị

Tân Nguyên |

Quảng Trị là tỉnh gánh chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh. Ước tính 82% tổng diện tích đất tự nhiên bị ô nhiễm bom mìn. Hiện nay, tỉnh Quảng Trị có trên 8.500 nạn nhân bom mìn, chiếm 1,2% dân số, trong đó 31% nạn nhân là trẻ em. Ngoài ra, có trên 37.000 người khuyết tật, chiếm 6% dân số, trong đó hơn 9.000 người là nạn nhân chất độc da cam/dioxin.


Xác định nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng, tỉnh Quảng Trị đã quan tâm đến công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, trong đó chú trọng đến công tác viện trợ phi chính phủ nước ngoài. Đến nay đã có 34 tổ chức phi chính phủ nước ngoài và 23 tổ chức quốc tế đang triển khai các chương trình, dự án hợp tác phát triển tại tỉnh Quảng Trị.

Bên cạnh việc duy trì quan hệ hợp tác với các tổ chức, đối tác truyền thống như: PTVN, MAG, NPA, CRS (lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn); World Vision International, Plan International, MCNV (lĩnh vực hỗ trợ phát triển), Quảng Trị đã tích cực tìm kiếm, kết nối để thiết lập quan hệ với một số tổ chức, nhà tài trợ khác như: Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Cơ quan Viện trợ Ai Len (Irish Aid), Văn phòng Hợp tác Quốc phòng Hoa Kỳ (CDC), Đại sứ quán các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan...và một số tổ chức phi chính phủ nước ngoài như Medipeace, Project BOM, GCS của Hàn Quốc.

Một lượng bom mìn được tìm kiếm và xử lý an toàn thông qua rà phá từ các dự án phi chính phủ nước ngoài tại Quảng Trị - Ảnh: H.N.K
Một lượng bom mìn được tìm kiếm và xử lý an toàn thông qua rà phá từ các dự án phi chính phủ nước ngoài tại Quảng Trị - Ảnh: H.N.K

Vì vậy, trong giai đoạn 2011-2020, tổng viện trợ phi chính phủ nước ngoài của 778 dự án tại Quảng Trị đạt khoảng 270 triệu USD, tương đương khoảng 5.945 tỉ đồng. Đây là khoản viện trợ không hoàn lại, tập trung vào các đối tượng có nhu cầu được hỗ trợ, giúp đỡ ở nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó tập trung vào khắc phục hậu quả chiến tranh, y tế, giáo dục, giải quyết các vấn đề xã hội, hỗ trợ phát triển kinh tế.

Trong hai năm 2020- 2021, đã có 122 chương trình, dự án, viện trợ được vận động từ nguồn vốn phi chính phủ nước ngoài với giá trị cam kết không hoàn lại đạt 59,3 triệu USD, tương đương khoảng 1.364 tỉ đồng, bằng khoảng 10% tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh, chiếm hơn 10% tổng giá trị viện trợ phi chính phủ nước ngoài của cả nước. Đặc biệt, năm 2020 Quảng Trị đạt kỷ lục về giá trị viện trợ cam kết với 76 khoản viện trợ, tổng trị giá hơn 55 triệu USD.

Ngoài các khoản viện trợ dự án, rất nhiều tổ chức phi chính phủ nước ngoài và tổ chức quốc tế đã tích cực hỗ trợ Quảng Trị phòng, chống COVID-19 với các gói viện trợ vật tư y tế, nhu yếu phẩm và các chương trình đào tạo tập huấn.

Tiếp tục thực hiện công tác vận động, quản lý các chương trình, dự án phi chính phủ nước ngoài, trong năm 2022, tỉnh Quảng Trị đã vận động được 31 dự án, viện trợ phi chính phủ nước ngoài mới phục vụ nhu cầu khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo tại địa phương với tổng giá trị cam kết trên 12 triệu USD. Do đó, tỉnh Quảng Trị được đánh giá cao về thu hút, vận động và sử dụng hiệu quả nguồn vốn viện trợ phi chính phủ nước ngoài của cả nước trong nhiều năm liền.

Trên lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh, Quảng Trị đã xây dựng và triển khai chiến lược hành động bom mìn, khởi xướng và hiện thực hóa nhiều sáng kiến được nhiều tổ chức trong nước và quốc tế đánh giá cao và được nhân rộng trong nước cũng như các nước trên thế giới như: sáng kiến thành lập trung tâm hành động bom mìn-là trung tâm điều phối bom mìn cấp tỉnh đầu tiên ở Việt Nam; lập bản đồ số kết hợp xử lý các khu vực ô nhiễm cao; áp dụng các công nghệ tiên tiến trong rà phá; thiết lập hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu dùng chung cho hoạt động xử lý hậu quả bom mìn, lồng ghép các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (SEDP)...

Đặc biệt, có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền với các tổ chức hành động bom mìn và người dân địa phương. Do đó, việc huy động và sử dụng các nguồn lực cho các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn đạt hiệu quả cao.

Nhờ triển khai thực hiện các hoạt động về khắc phục hậu quả bom mìn của các tổ chức như: SODI (Đức), APOPO (Bỉ), RENEW, CPI, Golden West (Hoa Kỳ), MAG (Anh), NPA (Na Uy)... đã giúp giảm thiểu các tai nạn bom mìn bình quân hằng năm từ 100 người (1975-1995), xuống còn 10 người (2005-2015)...

Các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã giúp tỉnh rà phá 25.000 ha đất; phát hiện và xử lý an toàn 763.000 bom mìn và vật liệu nổ; hỗ trợ 532 nạn nhân; nâng cao nhận thức về nguy hiểm bom mìn cho 610.438 lượt người, trong đó có 301.678 học sinh tiểu học và trung học cơ sở được tiếp cận chương trình giáo dục phòng tránh bom mìn. Ngoài ra, gần 1.000 nhân viên kỹ thuật địa phương được đào tạo và trang cấp thiết bị, phương tiện hiện đại, trong đó có cả đội kỹ thuật nữ rà phá là nguồn lực quan trọng giúp tỉnh giải quyết hậu quả bom mìn một cách bền vững.

Bên cạnh đó, các dự án phi chính phủ nước ngoài đã góp phần tích cực vào việc cải thiện tiếp cận các dịch vụ về y tế, giáo dục, giảm nghèo và sinh kế bền vững. Chỉ riêng đối với giáo dục, gần 100 công trình trường học, nhà mẫu giáo được đầu tư từ nguồn viện trợ không hoàn lại của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, trong đó 48 công trình trường học được xây mới. Các hỗ trợ khác về thư viện thân thiện, trang thiết bị dạy học hay phương pháp đào tạo đã đóng góp tích cực vào mục tiêu của tỉnh về nâng cao chất lượng giáo dục.

Từ nguồn vốn viện trợ phi chính phủ nước ngoài đã tập trung hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội về y tế, văn hóa, giáo dục, phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần chuyển giao kỹ thuật hiện đại, phương pháp làm việc, kinh nghiệm quản lý tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực.

Thông qua các chương trình, dự án, nhiều trường, điểm trường đã được xây mới và sửa chữa trong mùa mưa bão và tạo cơ hội học tập an toàn cho học sinh; nhiều hoạt động tập huấn và đào tạo, chuyển giao năng lực được triển khai cho cán bộ địa phương và người hưởng lợi...trong các hoạt động canh tác, cải thiện sinh kế, tín dụng và tài chính vi mô, các khóa đào tạo ngắn hạn trong nước, nước ngoài cho công chức và đối tác địa phương về quản lý dự án, tiếp cận đổi mới kỹ năng quản trị, phong cách làm việc hiện đại, năng động và hội nhập...

Nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài góp phần giải quyết một số vấn đề xã hội như việc làm, xóa đói, giảm nghèo, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, bất bình đẳng giới, bạo lực gia đình...Đặc biệt, với nguồn viện trợ khắc phục hậu quả bom mìn, hỗ trợ người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam…đã tạo ra một diện tích “đất sạch” thoát khỏi nguy cơ bom mìn, vật nổ giúp mở rộng đất canh tác nông nghiệp và hoạt động dân sinh.

Cộng đồng người khuyết tật do chiến tranh và chất độc da cam/dioxin được tiếp cận nhiều cơ hội hỗ trợ học bổng, trợ giúp sinh kế, tiếp cận thêm các chương trình tập huấn y tế và phục hồi chức năng, đặc biệt là dựa vào cộng đồng. Đối tượng trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái được triển khai các chương trình bảo trợ từ các tổ chức quốc tế và nhà tài trợ nước ngoài, góp phần tích cực trong việc phát huy quyền của trẻ em và quyền của người khuyết tật. Việc triển khai các dự án hợp tác quốc tế về hành động bom mìn nhân đạo và mở các văn phòng tổ chức/dự án tại tỉnh đã tạo ra khoảng 1.000 lao động có thu nhập ổn định với mức trên 10 triệu đồng/tháng/người.

Ngoài ra, công tác phi chính phủ nước ngoài đã góp phần giúp Quảng Trị thực hiện hiệu quả hơn các chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước trên địa bàn. Quá trình hợp tác triển khai các chương trình, dự án phi chính phủ nước ngoài trên địa bàn tỉnh thông qua các hoạt động đối ngoại nhân dân khá phong phú, cộng đồng quốc tế đã hiểu hơn về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, từ đó tiếp tục ủng hộ sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác cùng phát triển. Có thể khẳng định rằng trong thành quả phát triển chung của tỉnh Quảng Trị có sự ủng hộ, đồng hành của các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Phát hiện hai quả bom lớn trong vườn cao su của người dân

Tây Long |

Ngày 5/10, theo thông tin từ Tổ chức PeaceTrees VietNam, vừa phát hiện và xử lý thành công hai quả bom lớn trong vườn cao su của người dân ở huyện Cam Lộ (Quảng Trị).

Phát hiện một số vật lạ nghi là bom mìn khi đang làm nhà

Tây Long |

Ngày 17/8, ông Mai Xuân Chánh (sinh năm 1975), trú tại thôn Đồng Văn, xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong liên lạc đến đường dây nóng báo Quảng Trị cho biết, vừa phát hiện một số vật lạ, nghi là bom mìn trong lúc đang làm nhà. Ông Chánh mong muốn báo Quảng Trị khâu nối với cơ quan, đơn vị chức năng hỗ trợ gia đình mình.

Tưởng niệm 77 năm ngày Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima

Trần Quyên |

Năm nay, quy mô buổi lễ lớn hơn năm ngoái sau khi các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 đã được nới lỏng trên toàn quốc, nhưng số lượng người tham dự vẫn chưa thể bằng trước đại dịch.

Xử lý an toàn quả bom nặng 227 kg

Lê Trường |

Ngày 21/6, thông tin từ Đội xử lý bom mìn lưu động thuộc Tổ chức PeaceTrees VietNam cho biết, đơn vị đã di chuyển quả bom nặng 227 kg được người dân huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) phát hiện đến nơi an toàn để xử lý.