Bảo hiểm xã hội Việt Nam thông tin về trường hợp người lao động đủ tuổi nghỉ hưunhưng thiếu năm đóng Bảo hiểm xã hội cần làm gì để hưởng tối đa lương hưu.
Bà Vũ Trà đặt câu hỏi: "Tôi là nữ, sinh ngày 16.6.1965, đóng Bảo hiểm xã hội được 22 năm 1 tháng, Bảo hiểm xã hội tự nguyện được 3 năm 5 tháng. Tháng 6.2020, tôi đủ tuổi hưu nhưng thiếu trên 5 năm đóng Bảo hiểm xã hội. Vậy, tôi có được đóng tiếp Bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu tối đa 75% không?".
Về việc này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, căn cứ quy định tại Khoản 4 Điều 2, Khoản 1 Điều 73, Điểm b Khoản 2 Điều 74 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, người lao động là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc thì thuộc đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện, người lao động tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi và có 20 năm đóng Bảo hiểm xã hội trở lên.
Từ ngày 1.1.2018, mức lương hưu hàng tháng của người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí được tính bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng Bảo hiểm xã hội tương ứng với 15 năm đóng Bảo hiểm xã hội, sau đó cứ mỗi năm tính thêm 2% mức tối đa bằng 75%.
Đối chiếu với các quy định nêu trên, bà sinh tháng 6.1965, tháng 6.2020 đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ số năm đóng Bảo hiểm xã hội để tính hưởng mức lương hưu 75% mức bình quân thu nhập tháng.
Hiện bà đang đóng Bảo hiểm xã hội tự nguyện thì vẫn được tiếp tục đóng Bảo hiểm xã hội tự nguyện theo một trong các phương thức đóng hằng tháng, 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng một lần, hoặc một lần cho nhiều năm về sau (tối đa 5 năm) để được cộng nối thời gian tham gia Bảo hiểm xã hội trước đó (25 năm 6 tháng) cho có từ đủ 30 năm đóng Bảo hiểm xã hội để hưởng mức lương hưu 75% theo quy định của pháp luật.
(Nguồn: Báo Lao Động)