Trên những bản, làng ở khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa của Quảng Trị, việc phát triển mạng lưới điện chiếu sáng gặp rất nhiều khó khăn vì địa hình hiểm trở, giao thông chia cắt.
Tuy nhiên, với nỗ lực của ngành điện, đến nay, 100% địa phương trong toàn tỉnh ánh sáng điện đã bao phủ. Điều này, góp phần rất lớn trong công cuộc phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN và làm thay đổi diện mạo các làng quê ở vùng khó khăn của mảnh đất đầy nắng gió Quảng Trị.
Thôn Bụt Việt, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa là một trong những thôn, bản nằm cách xa trung tâm huyện hàng chục cây số vì cách trở địa hình. Những năm 2004 về trước, điều kiện sống của bà con ở đây còn nhiều khó khăn do chưa có điện. Bao nhiêu năm chỉ có ánh đèn dầu, người dân vùng bản Bụt Việt không thể bắt nhịp với những thông tin bên ngoài. Đây là rào cản lớn khiến đời sống bà con ở đây càng khó khăn và chậm phát triển.
Điều mong mỏi lớn nhất của bà con nơi đây sau thời gian dài chờ đợi cuối cùng đã đến. Đó là vào đầu năm 2004, EVNCPC và PC Quảng Trị đã đầu tư, xây lắp mới 3 trạm biến áp là Cỏ Nhổi, Cợp và Hướng Độ, xã Hướng Phùng. Đến cuối năm 2004, sau khi được UBND tỉnh phê duyệt cho phép khảo sát và thi công cấp điện toàn bộ các cụm dân cư ở Hướng Phùng nên 18 cụm thôn, bản, trong đó có thôn Bụt Việt được kéo điện.
Trưởng thôn Bụt Việt Hồ Văn Yên cho biết, toàn thôn có 133 hộ gia đình với 713 nhân khẩu, đời sống bà con chủ yếu dựa vào nương rẫy, lại ít tiếp cận thông tin bên ngoài do không có điện nên kinh nghiệm sản xuất hạn chế dẫn đến chất lượng trồng trọt, chăn nuôi không cao. Từ khi ánh sáng điện về với từng ngôi nhà của đồng bào chúng tôi, bà con trong thôn ai cũng vui mừng.
Có điện, mọi người trong bản ai cũng tích góp đi mua sắm những vật dụng như tivi, tủ lạnh, nồi cơm điện...để sử dụng. Nhiều hộ nhờ có điện, kinh tế gia đình khá giả lên nhờ học được nhiều cách làm hay, áp dụng kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, nắm được các chủ trương, chính sách hỗ trợ của Nhà nước qua ti vi, mạng xã hội.
Được thành lập từ tháng 7/2012, Đội Quản lý điện tổng hợp Hướng Phùng thuộc Điện lực Khe Sanh, huyện Hướng Hóa có nhiệm vụ quản lý 140 km đường dây trung thế 22 kV, 75 TBA và 80 km đường dây hạ thế 0,4 kV với hơn 3.100 khách hàng thuộc địa bàn các xã Hướng Phùng, Hướng Sơn, Hướng Lập và Hướng Việt.
Là đơn vị quản lý, vận hành, bảo dưỡng hệ thống điện lưới tương đối nhiều trên địa bàn khá rộng, giao thông đi lại khó khăn nhưng nhiều năm nay, Đội Quản lý điện tổng hợp Hướng Phùng với quyết tâm của những công nhân “áo cam” đã đảm bảo cung cấp nguồn điện ổn định phục vụ cho bà con nơi đây.
Đội trưởng Đội Quản lý điện tổng hợp Hướng Phùng Thái Tăng Đạo chia sẻ, vì đóng tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, lượng khách hàng chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số nên công tác quản lý, triển khai các chương trình chăm sóc khách hàng gặp nhiều trở ngại.
“Trong khi số lượng nhân viên ít chỉ có 8 người, nên đơn vị phải linh động bố trí người trực tại trạm chính để xử lý sự cố, còn lại chia nhóm định kỳ về tận các bản để kiểm tra, bảo dưỡng hạ tầng đường dây, tuyên truyền người dân sử dụng điện an toàn, tiết kiệm. Đồng thời, hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng chăm sóc khách hàng trên điện thoại thông minh nhằm giảm bớt thời gian đi lại thanh toán tiền điện của bà con”, anh Đạo cho biết.
Khi được hỏi về quãng thời gian xây lắp đường điện cuối cùng trên địa bàn tỉnh tại khu vực 2 thôn Cát và Trỉa, thuộc xã Hướng Sơn, Giám đốc Điện lực Khe Sanh Phan Gia Dương nhớ lại, công trình đường dây và trạm biến áp cấp điện cho 2 thôn Cát và Trỉa thuộc Dự án nâng cấp và mở rộng lưới điện phân phối nông thôn tỉnh Quảng Trị có quy mô 12,43 km đường dây trung áp; 5,02 km đường dây hạ áp, 2 TBA với tổng mức đầu tư gần 14 tỉ đồng. Lúc đó, việc xây lắp trụ và đường dây chính do một đối tác thực hiện, còn phần kéo điện về từng gia đình do đơn vị chúng tôi đảm nhiệm.
Khó khăn lớn nhất khi đó là địa bàn 2 thôn này cách trung tâm xã Hướng Sơn gần 20 km, việc đi lại không thuận lợi nên quá trình vận chuyển vật tư thiết bị gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi phải huy động bà con 2 thôn đi bộ để hỗ trợ mang vác thiết bị vào. Tôi nhớ như in, thời điểm đó là cận tết Nguyên đán nên tiến độ càng gấp rút. Sau nhiều nỗ lực, vào ngày 23/12/2016, đường dây trung, hạ áp và TBA cấp điện cho 114 hộ dân người đồng bào dân tộc Vân Kiều thuộc 2 thôn Trỉa và Cát, xã Hướng Sơn chính thức đóng điện. Đây là 2 địa phương cuối cùng của Quảng Trị được cấp điện.
Cũng theo ông Dương, trước đó, những năm 2014-2015, lưới điện đã đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của hơn 500 hộ dân sống ở các bản, làng vùng sâu, vùng xa thuộc xã Húc, Thanh, Hướng Tân, Hướng Phùng, Hướng Lộc và Hướng Lập. Đến nay, trên địa bàn huyện tỉ lệ thôn, bản có điện đạt 100%.
Có thể nói, điện về với các thôn, bản không chỉ làm thay đổi đời sống tinh thần của người dân mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo, thay đổi nhận thức của bà con vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số. Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Lê Quang Thuận cho biết, là địa phương có số đông là người đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô điều kiện kinh tế rất khó khăn.
Từ khi được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư hệ thống lưới điện, các địa bàn vùng khó của huyện đã đổi thay rất nhiều. Có điện, bà con được tiếp cận với những kỹ thuật canh tác nông, lâm nghiệp qua các phương tiện thông tin đại chúng. Nhiều gia đình mạnh dạn vay vốn, đầu tư mở dịch vụ xay xát lúa bằng máy điện, xưởng cơ khí, cưa xẻ, áp dụng điện để đa dạng hóa phát triển kinh tế nên đã hỗ trợ rất lớn trong công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao trình độ dân trí của người dân ở địa phương.
Vì vậy trong thời gian đến, địa phương mong muốn nhận được nhiều hơn những hỗ trợ của các cấp, đơn vị, nhất là ngành điện trong việc duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp lưới điện nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Trong đó, quan tâm hệ thống đường dây của các địa phương cách xa trung tâm huyện, địa hình đồi núi, thường xuyên bị ảnh hưởng do thiên tai, mưa lũ nhằm đảm bảo cung cấp nguồn điện ổn định cho người dân địa phương.
Đã không còn những năm tháng mà người dân ở vùng sâu, vùng xa sống trong cảnh tối tăm, lạc hậu. Kể từ khi có điện, người dân đã biết tận dụng nguồn điện năng để hòa nhịp với cuộc sống hiện đại. Từ đó, nỗ lực làm ăn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)