Trong hành trình giải cứu các thuyền viên trên tàu gặp nạn tại cửa biển Triệu An (Triệu Phong, Quảng Trị) hồi tháng 10 vừa qua, có 4 ngư dân đã tự nguyện ra biển ứng cứu bằng chiếc thuyền “cảm tử”. Gần 2 tháng sau hành động dũng cảm đã làm lay động trái tim bao người, chúng tôi gặp lại Trần Xuân Cường.
Một đêm lênh đênh trên biển, Cường và Tú đều mệt lả người nhưng phải gồng mình bám vào lan can để trụ trước sóng dữ. Chưa bao giờ họ khát khao được sống đến thế! Trong đêm tối ấy, hai người đàn ông đã kể cho nhau nghe về những câu chuyện của mình, chuyện về gia đình, nghề nghiệp, về ranh giới mỏng manh giữa sự sống và cái chết…Chốc chốc, anh Cường lại quay sang hỏi người đàn ông cùng cảnh ngộ xem anh có đói không, có khát không và động viên nhau cố gắng. Cũng không thể ngờ ổ bánh mì đó lại giúp Cường cầm cự suốt 26 giờ liền trên biển. Trước tiếng sóng dữ dội gào thét, họ vẫn dũng cảm, dùng nghị lực phi thường của mình để giành lại sự sống.
- Xin chào anh! Mọi chuyện nay đã “yên lặng” sau “đêm trắng nhọc nhằn” ấy. Nhưng có lẽ, với anh đó là “một đêm” không bao giờ quên?
-Từ sáng sớm, tôi nhận được điện thoại của anh Võ Văn Thức báo tin có một tàu bị mắc cạn cần được giải cứu. Tôi chỉ kịp mua ổ bánh mì và tức tốc đến hiện trường. Tôi cùng 3 ngư dân khác là Nguyễn Đức Bằng, thuyền trưởng cùng Nguyễn Văn Xanh và Phan Xuân Đức xung phong ra biển ứng cứu.
Chưa tiếp cận được tàu thì anh Nguyễn Đức Bằng không may rơi xuống biển bị sóng đánh dạt vào bờ. Anh em chúng tôi tiếp cận được tàu, ném được 3 phao và dây thừng lên tàu thì thuyền bất ngờ bị sóng lớn đánh úp. Sau khi nỗ lực bám trụ, chúng tôi leo lên được tàu Vietship 01 trước khi thuyền chìm. Tình hình trên tàu lúc đó tinh thần của các thuyền viên vô cùng hoảng loạn. Đến chừng 3 giờ chiều cùng ngày, thuyền do ngư dân Võ Văn Dũng điều khiển lại ra biển, tiếp tục tiếp cận tàu Vietship 01 nhưng chỉ cứu được 2 anh Đức và Xanh vào bờ. Một mình tôi ở lại trên mũi tàu, trời bắt đầu tối dần, khi ấy mới thấy đói và lạnh, tình hình lúc đó vô cùng nguy hiểm. Anh Nguyễn Hữu Tú tìm cách đến gần tôi. Suốt cả đêm dù chân tay hai anh em lạnh cóng và mỏi rã rời nhưng vẫn phải gồng mình bám vào lan can sắt để trụ lại trước sóng dữ. Giữa đêm lạnh vừa đói, vừa khát, chúng tôi phải vắt nước mưa trên áo để uống. Cũng may trong đêm đó chúng tôi vớt được 2 cái phao do tàu cứu nạn ném qua. Nhờ đó mà đến 8 giờ sáng hôm sau, hai anh em quyết định tự bơi vào bờ. Tôi để anh Tú bơi trước, bày cho anh cách lợi dụng luồng sóng để vượt qua vùng nguy hiểm, tránh bị va vào đá. Sau đó, bản thân cũng nỗ lực thoát khỏi bãi đá nguy hiểm. Ngồi được lên phao, thấy đội người nhái dong thuyền ra ứng cứu, tôi mừng thầm, thế là thoát chết rồi!
Trong lúc đối mặt với hiểm nguy, hai người đàn ông có những phút giây đau đớn đến tột cùng khi chứng kiến ông chú của Tú, một thuyền viên trên tàu Vietship 01 do đuối sức mà bị sóng đánh dạt ra biển. Nếu buông tay khỏi lan can để cứu chú có lẽ cả anh Tú cũng không thể giữ được mạng sống của mình. Tú nói trong nghẹn ngào: “Thấy chú của mình bị nước biển cuốn chìm nhưng không thể làm gì được. Đau xót quá!”.
-Khi đối mặt với nguy hiểm, anh đã nghĩ đến điều gì?
-Lúc xung phong ra biển ứng cứu thuyền viên, tôi chẳng nghĩ gì cả. Bởi tôi còn trẻ, chưa vợ con gì, cũng chẳng có gì để mất. Nên tôi rất thoải mái! (cười). Thế nhưng trong cái đêm trên biển, khi đối mặt với hiểm nguy, tôi lại nghĩ và thương cho cha mẹ mình, bởi cha mẹ tôi đều đã lớn tuổi, hoàn cảnh gia đình lại khó khăn. Nếu chẳng may tôi chết trên biển, tôi chỉ thương cha mẹ mình không có ai chăm sóc. Thế là tôi lại dùng hết sức bình sinh để bám trụ trên tàu và vượt qua những đợt sóng dữ để bơi vào bờ.
Ngư dân Trần Xuân Cường sinh năm 1993 ở thôn Tân Xuân, xã Gio Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Tuy còn trẻ nhưng anh đã có 13 năm kinh nghiệm làm nghề biển và từng 5 lần tham gia cứu nạn, cứu hộ tàu thuyền gặp nạn trên biển. Để kịp thời ghi nhận sự gan dạ và những đóng góp của anh trong quá trình giải cứu các thuyền viên tàu Vietship 01, tháng 10 vừa qua, anh Trần Xuân Cường đã vinh dự được Tỉnh đoàn Quảng Trị trao tặng Huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm”.
-Với riêng anh, việc ứng cứu người bị nạn có ý nghĩa như thế nào? Và anh có điều gì muốn gửi gắm đến thế hệ trẻ?
-Đây không phải là lần đầu tiên tôi tham gia cứu nạn. Trước đó tôi cũng đã có vài lần tham gia ứng cứu tàu bị nạn trên biển. Với tôi, cứu người gặp nạn là một việc mà bản thân cần phải làm. Và tất nhiên, làm với sự tự nguyện chứ không mong chờ một sự đền đáp nào. Kể cả khi ứng cứu các thuyền viên của tàu Vietship 01, tôi chỉ nghĩ làm sao cứu họ chứ không nghĩ xem mình sẽ phải đối mặt với nguy hiểm gì? Tôi nghĩ giản đơn rằng chỉ cần mình tự nguyện cứu giúp họ, sau này nếu mình gặp hoạn nạn, khó khăn sẽ có người khác giúp đỡ mình. Vì thế tôi mong các bạn trẻ cũng sẽ có suy nghĩ giống tôi, sẵn sàng dấn thân giúp đỡ người gặp hoạn nạn mà không phải so tính thiệt hơn.
-Cảm ơn anh! Và chúc anh luôn dồi dào sức khỏe và có một cuộc sống thanh xuân đầy sôi nổi và cống hiến.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)