Mặc dù COVID-19 đang từng bước được khống chế nhưng nhiều tháng nay, Đào Mạnh Nghĩa, một người con của quê hương Quảng Trị vẫn miệt mài với các hoạt động chung tay phòng, chống đại dịch có quy mô toàn cầu. Phóng viên Báo Quảng Trị vừa có cuộc trò chuyện với ĐÀO MẠNH NGHĨA để tìm hiểu rõ hơn về những công việc của anh.
- Xin chào Mạnh Nghĩa! Hiện nay, COVID-19 vẫn đang là mối lo chung của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh ở nước ta nói chung, tỉnh Quảng Trị nói riêng từng bước được khống chế, dường như nhiều người đang có tâm lý chủ quan, lơ là. Bạn nghĩ sao về nhận định này?
- Đại dịch toàn cầu COVID-19 đã bùng phát cách đây 1 năm, đến nay vẫn chưa được kiểm soát một cách toàn diện. Trên thế giới, số ca COVID-19 tăng hằng ngày, hằng giờ. Ở nước ta, sau những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tình hình COVID-19 về cơ bản đã được giải quyết. Việt Nam trở thành hình mẫu cho các nước khác trong việc ứng phó thành công với đại dịch có quy mô toàn cầu. Điều đáng lo ngại là sau một thời gian không xuất hiện thêm ca mắc mới trong cộng đồng, rất nhiều người dân khá lơ là và chủ quan trong thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh. Không ít người phớt lờ thông điệp 5K (khẩu trang, khử khuẩn, không tụ tập, khai báo y tế và khoảng cách) của Bộ Y tế. Đây là điều đáng báo động, có thể làm dịch bệnh bùng phát trở lại. Được biết, kể từ ngày 15/11/2020, theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, bất kỳ ai không đeo khẩu trang sẽ bị phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng. Mức phạt này tăng gấp 10 lần so với quy định trước kia. Hy vọng đây là một trong những biện pháp mạnh để “thức tỉnh” mọi người.
Đào Mạnh Nghĩa, sinh năm 1997, quê quán ở huyện Cam Lộ. Anh là người sáng lập & Chủ tịch của Sáng kiến DMN, Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng SDGs và Chủ tịch Quỹ DMN Foundation. Đào Mạnh Nghĩa từng đạt nhiều danh hiệu, giải thưởng như: Nhà lãnh đạo trẻ Đông Nam Á CIMB 2019; nhà lãnh đạo trẻ COVID-19 One Young World 2020; quán quân cuộc thi viết luận học thuật ASEAN-Hàn Quốc 2019… Hiện tại anh đang là cộng sự pháp lý nước ngoài tại Công ty Luật Anderson Mori & Tomotsune (Nhật Bản)
- Phải chăng chính bởi lý do đó mà bạn đã và đang miệt mài tổ chức, triển khai các hoạt động chung tay phòng, chống COVID-19 trên chính quê hương mình?
- Đúng vậy, những lý do trên đã thôi thúc tôi phải hành động. Tại Quảng Trị, vừa qua, thiên tai đã gây ra những hậu quả nặng nề, làm ảnh hưởng sâu sắc đến tình hình kinh tế - xã hội địa phương. Dường như việc ứng phó với thiên tai, cứu trợ, khắc phục hậu quả sau bão lụt khiến công tác phòng, chống COVID-19 trong Nhân dân ít được chú trọng hơn. Giả sử dịch bệnh ở Quảng Trị đang diễn biến phức tạp với những ca lây nhiễm trong cộng đồng tăng lên hằng ngày, cộng với tác động của thiên tai thì lúc đó hậu quả, thiệt hại sẽ nghiêm trọng, khó lường đến mức nào. Chính vì vậy, tôi đã cùng Sáng kiến DMN quyết tâm tiên phong trên mặt trận phòng, chống COVID-19 thông qua chuỗi các hoạt động nâng cao nhận thức, ý thức của người dân, đặc biệt là đối với thanh thiếu niên.
- Vậy, bạn đã và đang có những hoạt động ý nghĩa gì?
- Vào tháng 8/2020, khi COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp ở Quảng Trị, trước tình trạng khan hiếm khẩu trang trên thị trường, Sáng kiến DMN đã phát 2.000 khẩu trang vải miễn phí cho học sinh, giáo viên. Sau khi đã COVID-19 cơ bản được khống chế, Sáng kiến DMN không dừng lại mà chuyển hướng sang tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên bằng các hoạt động như: Tổ chức cuộc thi “DMN Young Leades 2021” để khuyến khích học sinh đưa ra ý tưởng nâng cao chất lượng dạy và học trực tuyến trong thời COVID-19, trả lời câu hỏi: “Cần làm gì để chống lại biến đổi khí hậu trong và sau thời COVID-19?”; tổ chức cuộc thi nhảy tuyên truyền phòng chống đại dịch; thăm hỏi và trao tặng thiết bị điện tử, vật tư y tế phòng chống COVID-19 cho các trường học và trạm y tế; phát khẩu trang vải kháng khuẩn miễn phí cho người dân khi đến chợ.…
Nhận thấy học sinh và đặc biệt là thanh niên khởi nghiệp ở nông thôn là đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi COVID-19, Sáng kiến DMN đã kết hợp với Huyện đoàn Cam Lộ tổ chức Workshop “COVID-19 và SDGs”. Trong chương trình, chúng tôi đã hỗ trợ cho 18 học sinh và thanh niên khởi nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Theo khảo sát sơ bộ, những hoạt động trên đã tác động tích cực đến hơn 25.000 người, bao gồm nhiều đối tượng, thành phần xã hội. Sắp tới, tôi còn chủ trì hội thảo quốc tế với chủ đề: “Tăng cường sự kết nối và hợp tác giữa các trường học với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài trong việc phát triển giáo dục địa phương hậu thời kỳ COVID-19” và tổ chức nhiều hoạt động bên lề khác.
- Được biết, để có nguồn lực triển khai các hoạt động của mình, trước đó, Mạnh Nghĩa đã ấp ủ và cho ra đời Sáng kiến DMN, thành lập Quỹ DMN Foundation. Đề nghị bạn chia sẻ rõ hơn về thông tin này?
- Sáng kiến DMN ra đời khi tôi vừa được bổ nhiệm làm Đại sứ cho Chương trình ASEAN MY World 2030 (nhiệm kỳ 1) và sau này là Asia-Pacific MY World 2030 (nhiệm kỳ 2). Tôi sáng lập Sáng kiến DMN nhằm tuyên truyền, phổ biến và giáo dục về 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc, các vấn đề về pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế, các vấn đề mang tính quốc tế, ngoại giao cho thanh thiếu niên ở quê hương mình. Sáng kiến còn nhằm tăng cường, phát triển năng lực lãnh đạo và kết nối thế hệ trẻ, làm sâu sắc thêm sự gắn kết giữa thế hệ trẻ với chính quyền trước những vấn đề địa phương, nâng cao nhận thức về các vấn đề trong nước, khu vực và toàn cầu cũng như tạo ra một mạng lưới các nhà lãnh đạo trẻ. Ngày 7/11 vừa qua, Sáng kiến DMN đã thành lập Quỹ DMN Foundation với mục đích nhận viện trợ chính thức từ các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước nhằm hỗ trợ người dân địa phương trong việc vượt qua COVID-19 cũng như với mục đích nhân đạo nhằm hỗ trợ cho các học sinh nghèo.
- Ngoài hỗ trợ người dân địa phương vượt qua COVID-19, Sáng kiến DMN còn mang lại những điều ý nghĩa gì cho bà con, đặc biệt là các bạn trẻ?
- Thực ra, Sáng kiến DMN tập trung vào nhiều vấn đề cần giải quyết ở địa phương. Ứng phó với COVID-19 là một trong những nội dung quan trọng của sáng kiến. Tôi cũng như Sáng kiến DMN luôn nỗ lực đưa những điều ý nghĩa nhất đến với người dân. Sáng kiến DMN đã đem những hoạt động tích cực có yếu tố nước ngoài về với quê hương. Đơn cử như trong chương trình “Xuân yêu thương” tổ chức tại Trường THCS Trần Hưng Đạo, huyện Cam Lộ, tôi đã mời Thần đồng âm nhạc Jayden Trịnh Jesudhass đến từ New Zealand về tham dự với tư cách ca sĩ khách mời để truyền cảm hứng cho học sinh. Một điểm đáng chú ý khác là Sáng kiến DMN tiên phong trong việc tổ chức các workshop giới thiệu về ASEAN để nâng cao hiểu biết, nhận thức sứ mệnh là học sinh ASEAN; tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật; đào tạo, huấn luyện nội bộ nhằm tăng khả năng lãnh đạo, rèn luyện ngôn ngữ tiếng Anh, giáo dục kỹ năng mềm…
- Thời gian tới, bạn có kế hoạch, dự định gì để phát triển Sáng kiến DMN, qua đó chung tay phòng, chống COVID-19 và thực hiện các mục tiêu khác?
- Thời gian tới, tôi và đồng sự sẽ nỗ lực xây dựng để DMN ngày càng phát triển, mang lại những giá trị tốt đẹp. Trên mặt trận chống COVID-19, DMN sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động hỗ trợ người dân phòng, chống COVID-19 cũng như tuyên truyền thông điệp không nên chủ quan, lơ là với dịch bệnh như: Phát khẩu trang vải kháng khuẩn miễn phí tại các chợ; khuyến khích học sinh tìm ra những giải pháp hay trong phòng, chống đại dịch toàn cầu; hội thảo, hội nghị về giáo dục và COVID-19… Sáng kiến DMN cũng sẽ thúc đẩy mô hình “Lớp học giãn cách ngoài trời” nhằm đào tạo cho giáo viên và học sinh làm quen với môi trường giãn cách trong trường hợp COVID-19 tái bùng phát. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là Sáng kiến DMN sẽ tiếp tục tổ chức hoạt động trao quà cho học sinh nghèo vượt khó, thanh niên khởi nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19… Tôi hy vọng Sáng kiến DMN thông qua Quỹ DMN Foundation sẽ nhận được thêm nhiều sự hỗ trợ của các cá nhân, tổ chức trong nước và quốc tế.
- Xin cảm ơn bạn!
(Nguồn: Báo Quảng Trị)