Một năm trôi qua, đại dịch hoàn toàn thay đổi cuộc sống của người dân trên thế giới, đặt ra câu hỏi lớn về phát triển và phục hồi kinh tế.
Ngày 17/11 là thời điểm tròn 1 năm phát hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên. Theo hồ sơ từ chính phủ Trung Quốc do SCMP, "bệnh nhân số 0" là một cư dân Hồ Bắc, 55 tuổi được phát hiện vào ngày 17/11/2019, tuy nhiên điều này vẫn chưa được xác nhận. Phải đến 8/12/2019, Trung Quốc mới xác định ca dương tính và nhận về vô số chỉ trích vì không cảnh báo kịp thời về sự lây truyền của virus.
Trước khi bùng phát dịch Covid-19, các chuyên gia đã cảnh báo về nguy cơ xảy ra đại dịch toàn cầu. Vào tháng 9/2019, một nhóm các nhà khoa học quốc tế cho biết trong một báo cáo rằng thế giới đang "hoàn toàn chưa đủ" sự chuẩn bị cho một sự kiện như vậy.
Ngày 11/1, một người đàn ông 61 tuổi là người đầu tiên được xác nhân qua đời do Covid-19, vài ngày sau WHO công bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu.
Tháng 4/2020, gần 1/3 thế giới chịu ảnh hưởng bởi các lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội, hàng loạt hoạt động tập trung đông người, giao thông công cộng bị đình trệ, ngành du lịch “đóng băng”.
Theo Worldometer, tính đến 17/11/2020, toàn thế giới có 55.912.251 ca COVID-19, trong đó 1.342.591 người chết, 38.922.251 người hồi phục. Số người chết và mắc mới hàng ngày vẫn đang tăng lên, ở mức hơn 500.000 ca mỗi ngày và hơn 7.500 người chết mỗi ngày. Riêng Mỹ ghi nhận 11.678.847 ca mắc bệnh, 254.068 người chết. Theo sau đó là Ấn Độ, Brazil, Pháp, Nga.
Hiện nay, rất nhiều quốc gia đang phải đối đầu với làn sóng lây nhiễm thứ 2, từ tháng 9, một số nước đã phải áp dụng lệnh phong tỏa một lần nữa như Israel, Pháp, Tây Ban Nha, Hà Lan, Đức, Italy, và thành phố New York, Mỹ. Tuy nhiên, lần phong tỏa này được áp dụng có kế hoạch theo các mức độ khác nhau.
Hàng trăm đơn vị chạy đua để nghiên cứu phát triển một loại vaccine có thể giúp nhân loại chống lại dịch bệnh chết người.
Nga là quốc gia đầu tiên cấp phép cho vaccine Covid-19 với tên Sputnik V, gây rất nhiều tranh cãi về hiệu quả khi chỉ mới đi qua 2 giai đoạn thử nghiệm và chưa hoàn thành giai đoạn thử nghiệm thứ 3. Đến nay, vaccine của Nga vẫn tiếp tục vừa được sử dụng vừa được thử nghiệm và chưa được sản xuất đại trà để cung cấp cho các quốc gia đặt hàng.
Mới đây, sau Pfizer, một nhà sản xuất thuốc khác của Mỹ, Moderna, cho biết ứng cử viên vắc xin mRNA của họ cung cấp khả năng bảo vệ mạnh mẽ, theo dữ liệu sơ bộ từ các thử nghiệm giai đoạn cuối. Moderna cho biết vaccine thử nghiệm mRNA-1273 của họ dường như có hiệu quả 94,5% - nhiều hơn so với của Pfizer’s và Sputnik V của Nga.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hơn 150 vaccine Covid-19 hiện đang được phát triển, với khoảng 44 ứng viên đang được thử nghiệm lâm sàng và 11 loại đang được thử nghiệm giai đoạn cuối.
Sau 1 năm, đại dịch đã hoàn toàn thay đổi cuộc sống của người dân trên thế giới, đặt ra nhiều thử thách trong việc phát triển và phục hồi bền vững cho các nền kinh tế.
(Nguồn: Phụ nữ mới)