Đừng để xuất phát điểm làm bạn e ngại thực hiện ước mơ

Tây Long |

Nhận được tấm vé vào Đại học Fulbright Việt Nam khi đang là học sinh lớp 12, Trường THPT Bùi Dục Tài, huyện Hải Lăng (Quảng Trị), những ngày qua, em NGUYỄN THỊ MINH HIỆP nhận được rất nhiều lời chúc mừng. Đằng sau kết quả ấy là sự nỗ lực vươn ra biển lớn của một học sinh sinh ra, lớn lên ở vùng nông thôn. Phóng viên Báo Quảng Trị vừa có cuộc trò chuyện với Minh Hiệp để nghe chia sẻ về niềm vui em vừa đón nhận.


- Đầu tiên, xin chúc mừng em đã nhận được tấm vé vào Đại học Fulbright Việt Nam. Cảm xúc của em như thế nào khi nhận được tin vui này?

- Lúc nhận được thông báo trúng tuyển vào Đại học Fulbright Việt Nam, em đã bật khóc vì sung sướng và hạnh phúc. Sau tất cả, mọi sự cố gắng của em đã được đền đáp xứng đáng. Điều ý nghĩa hơn là em đã dám theo đuổi ước mơ và sống hết mình vì nó. Việc làm đầu tiên của em sau khi nhận tin vui là cầm điện thoại lên và nhắn tin thông báo cho tất cả những người đã luôn quan tâm, yêu thương và ủng hộ mình. Nếu như không có sự hỗ trợ, động viên và đồng hành của mọi người trên chặng đường vừa qua thì có lẽ sẽ không bao giờ có Minh Hiệp như ngày hôm nay. Em rất biết ơn và mong muốn gửi lời cảm ơn cũng như tình yêu thương đến tất cả mọi người.

Em Nguyễn Thị Minh Hiệp (ngoài cùng, từ trái sang) đã và đang góp phần thực hiện quyết tâm: “Mang trời tây về với Quảng Trị” - Ảnh: NVCC
Em Nguyễn Thị Minh Hiệp (ngoài cùng, từ trái sang) đã và đang góp phần thực hiện quyết tâm: “Mang trời tây về với Quảng Trị” - Ảnh: NVCC

- Em có thể chia sẻ về hành trình đến với Đại học Fulbright Việt Nam - là trường đại học độc lập với 100% vốn đầu tư nước ngoài dưới sự tài trợ của Chính phủ Hoa Kỳ và hoạt động không vì lợi nhuận?

- Em bắt đầu tìm hiểu về Đại học Fulbright Việt Nam từ cuối năm lớp 10. Lúc đó, em có cơ hội tham gia một sự kiện trực tuyến giới thiệu về Fulbright từ ban tuyển sinh nhà trường. Đó là lần đầu tiên em biết đến việc ngoài thi tốt nghiệp THPT ra, mình vẫn còn có nhiều lựa chọn và cơ hội khác nữa. Điều ấn tượng nhất đối với em chính là triết lý giáo dục khai phóng của Đại học Fulbright Việt Nam. Tại Fulbright, em sẽ được học chương trình đào tạo nền tảng mang tính liên ngành, được học từ những chủ đề liên quan đến nghệ thuật, nhân văn, kỹ thuật cho đến khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và khoa học máy tính với trọng tâm là Việt Nam. Trong năm thứ nhất đại học, em không cần phải chọn chuyên ngành.

Thay vào đó, em có cơ hội được thử sức với nhiều môn học nền tảng và khám phá, từ đây định hình được lĩnh vực mình yêu thích và đi chuyên sâu vào nó sau. Khi nộp đơn vào trường, em sẽ tham gia ứng tuyển thông qua bộ hồ sơ tuyển sinh của trường, nơi mà em có thể chia sẻ những câu chuyện của mình. Trường còn có chương trình hỗ trợ tài chính dựa trên gia cảnh của sinh viên. Bởi, lãnh đạo nhà trường tin rằng mọi học sinh, sinh viên đều có quyền tiếp cận giáo dục, bất kể gia cảnh hay vị thế xã hội. Hầu như tất cả mọi thứ kể trên đều hoàn toàn mới lạ đối với em. Đó cũng là điều khiến em tò mò hơn nữa về ngôi trường này. Vì vậy, em đã quyết định thử sức và cho mình cơ hội được học tập trong môi trường giáo dục khai phóng.

- Để đến với ngôi trường này và nhận được mức hỗ trợ tài chính cao, em đã nỗ lực như thế nào?

- Ước mơ được học tại một ngôi trường giáo dục khai phóng đầu tiên ở Việt Nam của em được nhen nhóm và thổi lửa qua từng ngày. Buổi đầu, em chưa đủ tự tin nộp đơn vào trường vì bản thân hầu như không có gì ở trong tay. Lúc đó, Đại học Fulbright Việt Nam giống như một giấc mơ ngoài tầm với của em. Thế rồi, em tự hỏi: “Nếu bây giờ vẫn không bắt đầu thì phải đợi đến bao giờ nữa?”. Em đã nói với bản thân rằng: “Ngay bây giờ hoặc không bao giờ”. Kể từ khoảnh khắc đó, em tự đặt ra cho bản thân rất nhiều câu hỏi: Mình là ai? Giá trị cốt lõi của bản thân mình là gì? Mình đã vượt ra khỏi vùng an toàn như thế nào? Mình đã làm gì để đóng góp cho cộng đồng?... Ngày nào em cũng cầm giấy bút viết ra những gì đã xảy ra với mình trong suốt 17 năm qua để rồi hình thành nên những câu chuyện để mang đến Fulbright. May thay, những câu chuyện mà em tưởng chừng rất mộc mạc của mình lại tạo dựng được những giá trị, bản sắc. Kết quả là Đại học Fulbright Việt Nam đã “dang rộng đôi tay” đón nhận em. Đối với em, việc nộp đơn vào Fulbright không chỉ đơn giản là quá trình tuyển sinh vào một trường đại học nữa mà đó là quá trình để hiểu và tìm lại chính mình.

- Là một học sinh vùng nông thôn, ít có điều kiện học tiếng Anh như các bạn ở thành phố lớn, em đã vượt qua những rào cản nào để đến với Đại học Fulbright Việt Nam và vươn xa hơn?

- Là một học sinh ở vùng nông thôn, em luôn cố gắng để tiếng Anh không phải là rào cản khiến bản thân không thể tiếp cận được với những cơ hội mới. Từ rất sớm, em đã xác định rõ được mục tiêu của việc học tiếng Anh của mình là gì. Em cũng đã thử rất nhiều phương pháp, cách học khác nhau để tìm ra được lộ trình tự học phù hợp. Em đã dành 2 - 3 tiếng mỗi ngày để rèn luyện đầy đủ các kỹ năng nghe, nói, đọc và viết. Trên mạng có rất nhiều nguồn tài liệu để mình có thể chọn lọc nhằm hỗ trợ cho việc tự học. Từ nền tảng cơ bản đang có, em tin mình sẽ có thể phát triển thêm nhiều hơn nữa về kỹ năng tiếng Anh trong thời gian tới. Đến giờ, em vẫn đang tiếp tục tự học để cải thiện kỹ năng tiếng Anh.

- Không chỉ có thành tích học tập tốt, em còn có những trải nghiệm khá thú vị với tiếng Anh và từng làm Tour Leader. Em có thể chia sẻ thêm về điều này? - Em bén duyên với Amazing English Tour với vị trí Tour Leader từ năm 2018. Đây là công ty du lịch - giáo dục chuyên tổ chức tour trải nghiệm cho học sinh thực hành tiếng Anh giao tiếp với du khách quốc tế. Trong mỗi chuyến đi, chúng em luôn nỗ lực để tạo ra những trải nghiệm bổ ích, giúp học sinh ở vùng nông thôn trau dồi kỹ năng và học tiếng Anh. Qua mỗi chuyến trải nghiệm thực tế, giao lưu với du khách quốc tế, các bạn được truyền cảm hứng và có động lực yêu thích tiếng Anh hơn. Chính những nụ cười tràn đầy năng lượng của học sinh đã tiếp bước cho em và cộng sự trên hành trình thực hiện quyết tâm chung: “Mang trời tây về với Quảng Trị”.

- Em có điều gì muốn chia sẻ với các bạn học sinh vùng nông thôn đang ấp ủ ước mơ vươn ra biển lớn như mình?

- Thực tế, khi sinh ra, lớn lên ở nông thôn, bạn sẽ gặp nhiều khó khăn, thử thách hơn trên chặng đường chinh phục ước mơ. Thế nhưng, đừng để xuất phát điểm làm bạn e ngại thực hiện ước mơ. Hãy can đảm để theo đuổi ước mơ và không ngừng nỗ lực học hỏi để đạt được nó. Bởi, mỗi người trong chúng ta đều có những thế mạnh, tiềm năng riêng biệt. Một khi các bạn thực sự vượt qua được khó khăn, thử thách, dù là thành công hay thất bại thì chúng ta đều cảm thấy tự hào và hạnh phúc bởi bản thân đã rất cố gắng vì tương lai của mình. Vậy, tại sao chúng ta lại không tự tạo ra cơ hội cho chính mình? Hãy thử tham gia một hoạt động ngoại khoá để phát triển bản thân, bắt đầu việc tự học một ngôn ngữ mới, đọc nhiều sách hơn để tích luỹ kiến thức hay tham gia những khoá học về kỹ năng online miễn phí trên mạng. Hãy bắt đầu hành động ngay từ bây giờ với mục tiêu của mình, luôn vững bước và kiên trì với nó. Cuối cùng, điều em muốn chia sẻ là bản thân luôn sẵn sàng để giúp đỡ các bạn học sinh Quảng Trị. Bởi, em khao khát được lan tỏa và cống hiến những giá trị mình học được cho cộng đồng. Em luôn nhắc nhủ bản thân nêu cao tinh thần đáp đền tiếp nối và cũng hy vọng tinh thần ấy luôn được lan toả.

- Lại nói một chút về cá nhân, em có dự định, kế hoạch gì trong thời gian tới?

- Hiện tại, em vẫn đang tiếp tục việc học ở trường và ôn luyện cho kỳ thi THPT quốc gia. Bên cạnh đó, em dự tính sẽ tham gia một số hoạt động mà Đại học Fulbright Việt Nam tổ chức cho tân sinh viên để có cơ hội làm quen với các bạn mới và anh chị trong trường. Thời gian tới, em cũng ấp ủ một số ý định về việc tham gia các hoạt động liên quan đến giáo dục và phát triển bản thân dành cho các bạn trẻ.

- Xin cảm ơn em! Chúc em thành công hơn nữa trên con đường đã chọn.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Chuyên gia khảo cổ học nói về việc học lịch sử: Dân chuyên ngành còn chả nhớ được, sao bắt học sinh nhớ

TS Nguyễn Thị Hậu |

Về việc học sử của cậu bé lớp 6, tôi đành “thú nhận” với chị bạn: đến sinh viên đại học chuyên ngành khảo cổ còn chẳng nhớ hết tên di tích với di vật, làm sao học sinh lớp 6 thuộc lòng cho được!

Cần “chuyên nghiệp hóa” đội ngũ nhân viên y tế trường học

Thanh Trúc |

Thiếu nghiêm trọng đội ngũ nhân viên y tế trường học (YTTH), một bộ phận giáo viên bộ môn phải kiêm nhiệm thêm công việc của nhân viên YTTH, chưa được bồi dưỡng, tập huấn một cách bài bản về nghiệp vụ y tế nên năng lực hạn chế, xử lý các tình huống còn lúng túng…

Khai mạc Trại sáng tác văn học và âm nhạc Giáo dục & Đào tạo Quảng Trị - 50 năm vì sự nghiệp trồng người

Đức Việt |

Ngày 22/4, Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị phối hợp tổ chức khai mạc Trại sáng tác văn học và âm nhạc với chủ đề “Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị - 50 năm vì sự nghiệp trồng người, 1972 - 2022".                   

Bé 29 tuổi hoại tử bàn tay vì rút điện thoại khi đang sạc: Những bài học cha mẹ cần đặc biệt lưu tâm

Thanh Mai |

Nhiều trường hợp các bé nghịch sạc điện thoại vẫn cắm vào nguồn điện hoặc do cầm điện thoại chơi khi đang sạc dẫn đến điện giật.