Các F0, F1 trang bị tốt kiến thức tự theo dõi sức khỏe tại nhà, khi nào cần gọi bác sĩ, khi nào cần phải vào bệnh viện.
Phó giáo sư, tiến sư Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, khuyến cáo các F0, F1 nên dự trữ một số loại thuốc như hạ sốt, vitamin C, uống nhiều nước hoặc bổ sung thêm dung dịch Oresol để tránh mất nước, không tự ý uống kháng sinh... Nhất là vitamin C để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, dùng nước muối súc miệng, súc họng, xịt mũi...
"Nếu F0 phải dùng đến thuốc, phải dùng đến oxy tức là đã đến mức phải vào bệnh viện", phó giáo sư nhấn mạnh.
Trường hợp F0 sốt nhẹ, có thể uống thuốc hạ sốt, uống nhiều nước hoặc bổ sung dung dịch Oresol để tránh mất nước...
Không tự ý dùng thuốc kháng sinh hay các thuốc khác tại nhà. Tất cả các loại thuốc kê đơn phải do bác sĩ chỉ định.
Chế độ ăn: bổ sung tỏi, sả... ăn đầy đủ nhưng cũng không nên ăn quá nhiều, kết hợp vận động, tập luyện để nâng cao sức khỏe. Cố gắng thư giãn, giữ tinh thần thật tốt, không nên quá lo lắng, hoang mang.
Ở nhà có thể trang bị một số dụng cụ thông thường để theo dõi sức khỏe như thiết bị đo độ bão hòa oxy đeo ở đầu ngón tay, máy đo huyết áp tại nhà, nhiệt kế... Nếu có điều kiện thì mua máy đo độ oxy bão hòa trong máu ngoại vi SpO2 để theo dõi.
F0, F1 cách ly tại nhà phải tự đo thân nhiệt, theo dõi sức khỏe và cập nhật hàng ngày qua phần mềm hoặc thông báo cho cán bộ y tế; nếu không thể tự đo thân nhiệt, cán bộ y tế hoặc người chăm sóc hỗ trợ.
Người bệnh có dấu hiệu sốt tăng lên, ho khan, tức ngực, biểu hiện hô hấp, đếm nhịp thở nhanh trên 20 lần/phút (so với mức bình thường là 16-18 lần/phút), cần liên hệ ngay với các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, can thiệp kịp thời.
Bệnh nhân trở nặng đột xuất, khó thở, chuyển sang viêm phổi... gọi cấp cứu đưa tới cơ sở y tế song phải đảm bảo điều kiện đưa đi cấp cứu; có tư vấn của bác sĩ để tránh lây nhiễm cộng đồng và nguy hiểm tính mạng người bệnh.
(Nguồn: Phụ nữ mới)