Mới bước sang tháng 5, nắng nóng khốc liệt đã diễn ra khắp nơi trong tỉnh. Nhu cầu nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất của người dân vì thế ngày một tăng cao, trong lúc nước ngầm sụt giảm nghiêm trọng. Đây là thời điểm các đội thợ khoan giếng vất vả phơi mình giữa trời nắng nóng như thiêu đốt để tìm nguồn nước cho nhiều người dân trên địa bàn.
Đi tìm mạch nước ngầm
Dưới thời tiết nắng nóng hơn 40 độ C, sau ba ngày khoan giếng, mũi khoan của ông Thái Hà Việt Chinh gặp đá giàn nên mới xuống sâu được gần 22 m. Cái lán dựng tạm che nắng cho đội thợ khoan bị gió thổi lật tung các tấm bạt. Gạt mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt, ông Chinh tính toán, so sánh địa hình, địa chất trong vùng rồi chia sẻ với chủ nhà (là bà Nguyễn Thị Hà, xã Gio An, huyện Gio Linh) nếu may mắn thì khoan thêm bốn ngày nữa sẽ gặp nước ở độ sâu xấp xỉ 40m. Khi ấy mạch nước mạnh, sạch, giếng sử dụng mãi không khô.
Giàn khoan giếng của ông Chinh sử dụng điện để hoạt động. Đây là giàn khoan loại vừa. Để đảm bảo công việc trôi chảy, ông phải thuê thêm 4 người thợ để trông coi và vận hành 2 giàn máy. Mũi khoan làm bằng kim loại cứng dài khoảng 15 cm được nối vào ống khoan, xoáy tròn, khoan sâu xuyên qua từng lớp đất, đá.
Để khoan giếng cho nhà bà Hà, ông Chinh và thợ đã mất khoảng một tuần mới gặp trúng mạch ngầm. Chuyện khoan giếng trong mùa hạn gặp rất nhiều khó khăn. Có nhiều gia đình phải khoan đến gần mười địa điểm vẫn chưa tìm được nguồn nước. Trong 14 cái giếng ông Chinh khoan từ đầu mùa nắng hạn đến nay có đến 5 giếng không tìm trúng mạch nước, phải bỏ nửa chừng.
Nhà bà Phan Thị Duyên ở thôn An Bình, xã Gio An mời ba đội thợ khoan giếng khác nhau, khoan đến 5 mũi, có mũi sâu hơn 50 m vẫn không có nước. Rốt cuộc các đội thợ đành thu xếp giàn máy ra về mà không được thanh toán đồng nào vì theo thỏa thuận, chỉ khi nào khoan giếng có nước thì chủ nhà mới trả tiền. Trước nhu cầu bức bách về nước tưới và sinh hoạt cho gia đình, bà Duyên tìm đến ông Chinh thuê khoan giếng.
Ông Chinh chọn điểm khoan nằm hơi chếch về bên phải, phía trước nhà bà Duyên. Sau hơn 10 ngày, giếng của nhà bà Duyên được khoan sâu hơn 60 m nhưng vẫn chưa gặp mạch nước. Ông Chinh quyết tâm khoan sâu khoảng thêm 15 m nữa, khi mũi khoan xuống đến 72 m thì may mắn gặp mạch nước ngầm. Cả chủ nhà và đội thợ đều mừng vui.
Ông Chinh cho máy hút nước liên tục 24 giờ để kiểm tra mạch ngầm có đủ mạnh để cung cấp bền vững không, nếu mạch yếu, chỉ chảy vài tiếng dòng nước ngầm sẽ khô, lượng nước trong giếng sẽ hết, đội thợ phải tiếp tục khoan cho đến khi gặp được mạch nước đủ mạnh. Rất may giếng nước nhà bà Duyên gặp được mạch nước rất mạnh, sử dụng tưới liên tục cho vườn tiêu và sinh hoạt gia đình mà không có dấu hiệu thiếu hụt nước.
Những ngày hè này, điện thoại của ông Chinh đổ chuông liên tục vì nhu cầu người dân thuê khoan giếng lấy nước sinh hoạt và sản xuất rất lớn. Nhiều gia đình trước đó đã có giếng nhưng năm nay hạn nặng và sớm nên giếng đã khô khốc.
Thông thường khoan một cái giếng mất thời gian gần 1 tuần, nên đội thợ nào giỏi thì mỗi tháng cũng chỉ khoan được 4 giếng nước. Chi phí khoan mỗi giếng đến khi sử dụng được tầm 10 đến 15 triệu đồng. Giếng có độ sâu dưới 20 m khoảng 10 triệu đồng; sâu dưới 45 m có giá 13 triệu đồng; sâu hơn 60 m thì giá hơn 15 triệu đồng. Trừ tất cả các khoản thì khoan thành công mỗi giếng nước, ông Chinh lãi khoảng 2 triệu đồng.
Một khoản tiền quá ít so với công sức nặng nhọc bỏ ra cũng như tiền đầu tư giàn máy khoan; chưa kể khoan giếng nếu không gặp nước thì lỗ trung bình mỗi cái 5 triệu đồng vì phải trả tiền công cho đội thợ.
Nghề vất vả
Ông Nguyễn Văn Hùng ở xã Gio Quang, huyện Gio Linh, theo nghề khoan giếng đã lâu. Hơn 20 năm khoan giếng, ông Hùng đúc rút được nhiều kinh nghiệm với nghề khổ nhọc này. Ông chia sẻ tùy địa hình, loại đất, đá và tùy thuộc vào mạch nước nằm ở sâu hay nông để khoan giếng.
Nếu gặp vùng đất, đá cứng thì khoan giếng sâu khoảng 20 m, tốn thời gian đến 3 ngày. Có giếng khoan mất cả tuần xuống độ sâu hơn 50-60 m vẫn không có nước. Luật bất thành văn, dẫu có khoan sâu như thế nào mà không tìm được nguồn nước thì thợ khoan giếng xem như trắng tay, không được gia chủ trả tiền.
Làm nghề khoan giếng muốn giảm số lần thất bại thì cần phải có kinh nghiệm trong việc lựa chọn địa điểm khoan. Nhiều khi chọn điểm khoan chỉ lệch 20 cm là không tìm đúng mạch nước dù đã khoan giếng xuống rất sâu. Những thợ khoan giếng lâu năm thường ví von ông Hùng là người đi “chẩn đoán long mạch”.
Bằng kinh nghiệm, giếng ông Hùng khoan phần lớn đúng mạch nước, sớm mang đến niềm vui cho gia chủ. Mỗi ngày làm việc của ông Hùng là rong ruổi khắp các làng quê từ vùng đồng bằng, gò đồi, nương rẫy để kiểm tra các điểm khoan giếng theo yêu cầu của gia chủ rồi sau đó chỉ vị trí cho đội thợ khoan của mình đặt máy khoan giếng. “Chưa có năm nào nhu cầu khoan giếng phục vụ sinh hoạt và tưới cây tăng cao như mùa hè năm nay”, ông Hùng đúc kết.
Khác với các đội thợ khoan giếng còn lại, ông Lý Văn Hoàng và Lý Văn Hậu ở xã Gio Quang, huyện Gio Linh, đầu tư giàn khoan giếng thuộc loại xịn nhất tỉnh, khoan xuyên tất cả các loại đá. Giàn khoan giếng này là khoan bằng hơi, sử dụng máy nổ, có ngày khoan đến gần 100 m đá.
Địa bàn hoạt động khoan giếng của hai anh em chủ yếu ở huyện Đakrông và Hướng Hóa. Từ đầu mùa nắng hạn đến nay, anh em ông Hoàng đã khoan được hơn 70 giếng nước cho các gia đình trên địa bàn tỉnh mà vẫn không phục vụ kịp nhu cầu.
Những ngày này, ông Hoàng và ông Hậu đang khoan giếng cho người dân ở thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông. Thời tiết càng nắng hạn, nhu cầu khoan giếng của người dân càng cao nên đội thợ phải khoan suốt ngày đêm.
Giàn khoan này luôn cần đội thợ đủ 4 người, được phân công cụ thể công việc cho từng người một cách phù hợp nhất. Người thì vận hành máy, người thì rút ống khoan lên, vệ sinh sạch sẽ rồi lại đặt xuống, người thì phải liên tục theo dõi mực nước mồi ở hố bên cạnh để cung cấp đủ nước cho giàn khoan hoạt động...
Do địa hình phức tạp, núi đá nhiều nên giếng khoan cạn nhất ở vùng Đakrông và Hướng Hóa cũng đến 50 m, nhiều giếng sâu 120 m. Ông Hậu cho biết năm nay do khô hạn nặng, mực nước ngầm hạ xuống thấp nên khi bắt đầu gặp mạch nước ông chưa dừng lại mà tiếp tục khoan thêm 20 m nữa để tìm xuống mạch nước ngầm sâu hơn. Việc làm này giúp người dân sử dụng giếng được lâu dài, bền vững, tránh được tình trạng giếng mới sử dụng một năm đã bị khô nước.
Nhờ thời gian khoan nhanh, tỉ lệ gặp nước cao và mạch nước mạnh, ổn định, đặc biệt giếng phải khoan sâu nên chi phí mỗi giếng ông Hậu khoan ở vùng miền núi là 18 triệu đồng. Nhiều gia đình chấp nhận mức giá này nên luôn tìm đến anh em ông Hoàng thuê khoan giếng. Cuộc sống hiện đại, hệ thống nước sạch ngày càng có mặt ở nhiều nơi nhưng không vì thế mà nhu cầu khoan giếng của người dân giảm xuống.
Vào mùa nắng hạn, thợ khoan giếng vẫn phải cố gắng bám trụ với nghề, tiếp tục đi tìm nguồn nước phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt và sản xuất của người dân.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)