Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Đây là vùng có đường bờ biển dài nhất nước, có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biển, góp phần phát triển KT-XH và đảm bảo QP-AN biển, đảo. Đặc biệt, đây cũng là vùng có bản sắc văn hóa riêng, ý chí tự lực, tự cường, năng động và sáng tạo. Kết luận của Thường trực Chính phủ về Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đặt ra yêu cầu phải hoàn thiện, bổ sung quy hoạch, để khi ban hành sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho vùng này phát triển.
Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là một quy hoạch tích hợp đa ngành, đa lĩnh vực, lần đầu tiên được lập theo quy định của Luật Quy hoạch. Chính phủ đã ghi nhận và đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương trong quá trình lập, thẩm định và hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch vùng để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là Quy hoạch vùng phải có tầm nhìn tổng thể, dài hạn với các giải pháp đột phá; mở rộng không gian và nguồn lực cho phát triển; bảo đảm gắn kết các khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp với các khu du lịch và dịch vụ; giữa phát triển kinh tế với bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, lịch sử và hệ sinh thái biển, đảo, rừng; phát huy hiệu quả các hành lang kinh tế; nâng cao hiệu quả hoạt động của các cảng biển, cảng hàng không, khu kinh tế cửa khẩu...
Bên cạnh thế mạnh phát triển kinh tế biển, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có nhiều thuận lợi để phát triển KT - XH khi hạ tầng giao thông trục Bắc - Nam đã được cải thiện trong thời gian qua.
Tuy nhiên, tiềm năng, lợi thế của vùng, nhất là kinh tế biển chưa được khai thác hợp lý và phát huy hiệu quả; hoạt động các khu kinh tế cửa khẩu, cụm công nghiệp hiệu quả chưa cao; các khu kinh tế ven biển, cảng biển phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún; thiếu dự án đầu tư quy mô lớn, có tính động lực; du lịch phát triển chưa bền vững, thiếu đa dạng, sức cạnh tranh quốc tế còn thấp. Thêm vào đó, vùng này còn gặp nhiều bất lợi về thiên tai, như gió bão, lũ lụt xảy ra thường xuyên, kết nối hạ tầng giao thông trục Đông - Tây còn nhiều khó khăn...
Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung phải xác định được tầm quan trọng, tiềm năng và thế mạnh của vùng. Từ đó nghiên cứu, bổ sung giải pháp, phương án cụ thể cho việc phát triển hệ thống cảng biển để đẩy mạnh kinh tế biển; khôi phục hệ thống sân bay lưỡng dụng; đẩy mạnh đột phá về khoa học công nghệ phù hợp với phát triển kinh tế của vùng; phát triển du lịch biển, phát huy tiềm năng khai thác các di tích lịch sử, văn hóa... Nghiên cứu, bổ sung vào quy hoạch vùng việc khai thác năng lượng tái tạo gắn với hiệu quả phát triển kinh tế, tiết kiệm đất và bảo vệ môi trường, phù hợp với quy hoạch ngành quốc gia.
Mới đây, có một sự kiện quan trọng tạo mối liên kết phát triển vùng, đó là Hội đồng Điều phối vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung đã được thành lập (7/2023). Trong thời gian ngắn, Hội đồng Điều phối vùng đã triển khai được nhiều hoạt động. Hiện nay, hầu hết các bộ, ngành và 14/14 địa phương trong vùng đã thành lập tổ điều phối cấp bộ và cấp tỉnh.
Nhờ đó, các chỉ tiêu phát triển KT - XH của vùng trong năm 2023 đạt kết quả khá với tốc độ tăng trưởng 5,51% và cao hơn so với tăng trưởng chung cả nước (5,05%), GRDP bình quân vùng đạt 75,6 triệu đồng/người, tăng 8% so năm 2022. Bên cạnh đó, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội đạt khoảng 5,5%, cao hơn so bình quân cả nước (3,65%).
Để phát huy hơn nữa vai trò của Hội đồng Điều phối vùng trong thúc đẩy liên kết vùng đạt được các mục tiêu phát triển chung, yêu cầu đầu tiên là xây dựng kế hoạch điều phối liên kết vùng, kế đến là triển khai, điều phối, tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, huy động nguồn vốn đầu tư nước ngoài và nguồn vốn từ các thành phần kinh tế trong nước để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư.
Ngoài ra phải tập trung phát triển các cụm liên kết ngành kinh tế biển với trọng tâm là liên kết giữa các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển. Phát triển các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá kết hợp với QP - AN. Phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu; liên kết theo chuỗi giá trị và có giá trị gia tăng cao; gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch.
Và một vấn đề không kém phần quan trọng, đó là đổi mới giáo dục nghề nghiệp gắn với thế mạnh và định hướng phát triển vùng, coi đây là một trong những khâu đột phá cho phát triển vùng. Chú trọng phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, bãi ngang, hải đảo. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển KT - XH với bảo đảm vững chắc QP - AN và chủ quyền biển, đảo; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)