Giáo dục đại học phải tạo ra "khác biệt của khác biệt"

Gia Linh |

Ngày 6/7, tại Đại học Huế, đã long trọng diễn ra lễ trao quyết định công nhận chức vụ Giám đốc Đại học Huế nhiệm kỳ 2021 – 2026. PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trao Quyết định cho PGS.TS Lê Anh Phương.


Tân Giám đốc Đại học Huế - PGS.TS Lê Anh Phương đã có bài phát biểu giàu cảm xúc trí tuệ với những suy nghĩ, khao khát đổi mới – sáng tạo, đặc biệt là đổi mới giáo dục đại học. Dưới đây là lược ghi của phóng viên Tạp chí Lao động và Công đoàn.

Đại học Huế tiền thân là Viện Đại học Huế, được thành lập ngày 01/3/1957, từng là Viện Đại học danh tiếng của khu vực và cả nước, đến nay đã tròn 65 năm. Qua nhiều lần thay đổi mô hình và cấu trúc, song vị thế và vai trò lịch sử của Đại học Huế không bao giờ thay đổi, đó là một là đại học đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao.

Giám đốc Đại học Huế - PGS.TS Lê Anh Phương. Ảnh: GIA LINH
Giám đốc Đại học Huế - PGS.TS Lê Anh Phương. Ảnh: GIA LINH

Đại học Huế có bản sắc riêng và đào tạo đặc trưng, đó là: Khoa học Xã hội nhân văn, Khoa học tự nhiên, Y dược, Sư phạm, Nghệ thuật, Nông lâm du lịch, Luật, Ngoại ngữ, Công nghệ sinh học, Công nghệ thông tin, Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Đến nay, Đại học Huế có 8 trường đại học thành viên, 01 viện nghiên cứu; 5 đơn vị trực thuộc với đội ngũ các nhà khoa học lớn là các GS, PGS, TS từ các ngành khác nhau đến từ các trường đại học thành viên.

Đại học Huế với số lượng các GS, PGS, TS vô cùng lớn đến từ các trường đại học thành viên. Đó là một tài sản vô giá mà mỗi cá nhân, mỗi trường đại học phải cố gắng, phấn đấu và dành dụm nhiều năm mới có được. Số lượng các nhà khoa học này là nguồn trí tuệ lớn, tạo nên sức mạnh tri thức cho ngôi nhà chung Đại học Huế của chúng ta. Một sức mạnh về trí tuệ mà để có được nó mỗi cá nhân, mỗi trường đại học thành viên đã phải nỗ lực, thậm chí đã phải trả giá rất nhiều. Không gì quý hơn nguồn tài sản trí tuệ mà các thế hệ trước của chúng ta đã nhìn thấy, đã đi trước và đã dày công vun đắp trong dòng chảy 65 năm qua.

Chúng ta phải làm gì, làm như thế nào để xứng đáng với điều đó? Làm gì để gìn giữ và phát huy trong điều kiện giáo dục toàn cầu thay đổi từng ngày như hiện nay? Đó là một câu hỏi lớn mà để giải được nó không gì khác hơn là chúng ta phải đoàn kết bên nhau, đi cùng nhau tạo nên một sức mạnh tập thể. “Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.

Ở đây là cả một tập thể trí tuệ với đầy đủ các thành phần: nhà giáo, nhà báo, bác sĩ, luật sư, hướng dẫn viên du lịch, nhà khoa học, kĩ sư tin học, nhà tâm lý học... Với một tập thể trí tuệ đa dạng như vậy trong ngôi nhà chung này, tôi tin chúng ta sẽ có đủ điều kiện thuận lợi để song hành với nhau, bổ sung cho nhau, bù đắp cho nhau và cùng nhau để phát triển vì một Đại học Huế lớn mạnh – ngôi nhà chung của tất cả chúng ta.

Câu chuyện của đổi mới, của hội nhập và tự chủ đại học chắc chắn sẽ khiến cho tất cả chúng ta, đặc biệt là những người ở cương vị lãnh đạo phải suy tư, lo lắng.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Nguyễn Kim Sơn (phải) trao quyết định công nhận Giám đốc Đại học Huế cho PGS. TS Lê Anh Phương. Ảnh: GIA LINH
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Nguyễn Kim Sơn (phải) trao quyết định công nhận Giám đốc Đại học Huế cho PGS. TS Lê Anh Phương. Ảnh: GIA LINH


Với những gì chúng ta đã có từ nguồn nhân lực chất lượng cao phong phú, dồi dào, từ truyền thống 65 năm phát triển và từ những điều đặc biệt chỉ riêng Đại học Huế mới có, chúng ta ý thức rõ những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của mình và chúng ta sẽ quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, tận dụng mọi nguồn lực để hướng tới sự phát triển bền vững, và trở thành một Đại học Quốc gia trong tương lai gần.

Sứ mệnh của Đại học Huế đã được xác định rõ và chúng ta biết để thực hiện thành công sứ mệnh cần có 3 điều kiện chính, đó là nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ chế quản trị đại học tiên tiến và sự thống nhất trong đa dạng. Chúng ta phải nghĩ lớn và mơ ước còn lớn hơn nữa. Chúng ta đang bắt đầu một giai đoạn mới của Đại học Huế. Hôm nay, đứng ở nơi này, một niềm kiêu hãnh từ ngôi nhà chung mới sẽ nâng ta lên và hàn gắn sự khác biệt của chúng ta. Sẽ không có một sự khác biệt nào đáng trách nếu sự khác biệt đó mang lại sự phát triển cho các trường đại học thành viên của Đại học Huế. Bởi các trường thành viên mạnh tức là Đại học Huế mạnh. Sự phát triển của Đại học Huế sẽ được tạo lập trên 3 trụ cột chính: tính trách nhiệm cao, khả năng tạo dựng cơ hội và tính cộng đồng. Triết lý phát triển mà tôi hướng tới trong những ngày tiếp theo đó là: Cùng nhau kiến tạo cơ hội.

Đại học Huế cần nhanh chóng thực hiện thêm các biện pháp cần thiết để tạo môi trường làm việc chủ động cho các trường thành viên và môi trường học tập tối ưu cho sinh viên. Trong quản lý đại học, phải đặt con người ở vị trí cao nhất, quan trọng nhất. Vì yếu tố con người là yếu tố tiên quyết, quyết định sự thành bại của đại học.

Nhà đầu tư khi làm đại học có thể đầu tư kinh phí, xây dựng trường to đẹp, có thể đầu tư trang thiết bị tối tân hiện đại, có thể nhập khẩu các chương trình đào tạo tiên tiến ở nước ngoài, có thể mua lại bản quyền những bộ giáo trình mới nhất hay nhất, nhưng nếu chúng ta không có những người thầy giỏi, tâm huyết, yêu nghề, gắn bó với trường, không ngừng học hỏi và cống hiến thì tất cả những yếu tố kể trên cũng không bao giờ làm nên diện mạo của một trường đại học đúng nghĩa.

Niềm tự hào của chúng ta đó là chúng ta có hơn 1000 GS, PGS, TS ở các ngành nghề khác nhau trong ngôi nhà chung này. Tài sản quý giá đó không dừng lại và hàng năm được nhân lên bởi tôi tin là các giảng viên của Đại học Huế đã và sẽ luôn chủ động phát triển bản thân mình, năng động sáng tạo làm giàu tri thức của bản thân cũng là góp phần bồi đắp cho thương hiệu của nhà trường thêm vững mạnh. Điều đó tạo một niềm tin rất lớn về tương lai của Đại học Huế nếu chúng ta biết tạo động lực cho nhau, biết vì nhau và cũng là vì ngôi nhà của chúng ta. Ban Giám đốc sẽ nghiên cứu đề xuất những chính sách với Hội đồng Đại học, với các bộ, ban ngành có liên quan để bảo đảm có sự khuyến khích thu hút các giảng viên có trình độ, có cơ chế cụ thể động viên, tạo cơ hội cho mọi người được chủ động trong sự nghiệp của mình.

Một câu hỏi không kém phần quan trọng là chúng ta muốn nhìn thấy Đại học Huế phát triển như thế nào và theo định hướng nào? Xem xét một cách khách quan, chúng ta có thế mạnh rõ rệt trong các trường đào tạo sinh viên đa ngành, đa nghề, sẵn sàng thay đổi trong linh hoạt để phù hợp với sự phát triển của xu thế xã hội, quốc tế.

Các chương trình mang tính kỹ năng, sinh viên ra trường được người sử dụng lao động đánh giá cao ở tính thực tiễn và khả năng nắm bắt và giải quyết công việc ngay, hiệu quả. Trong xu thế hiện nay, chúng ta phải tận dụng tối đa nguồn lực đó để giữ vững những thế mạnh sẵn có, đồng thời chủ động tìm kiếm các cơ hội khác tạo nên các nguồn lực dự phòng trong tương lai để thích ứng kịp với sự thay đổi của xã hội.

Ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND Thừa Thiên Huế; ông Lê Trường Lưu - Bí thư Tỉnh Uỷ tình Thừa Thiên Huế (lần lượt trái sang) tặng hoa chúc mừng tân Giám đốc Đại học Huế. Ảnh: GIA LINH
Ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND Thừa Thiên Huế; ông Lê Trường Lưu - Bí thư Tỉnh Uỷ tình Thừa Thiên Huế (lần lượt trái sang) tặng hoa chúc mừng tân Giám đốc Đại học Huế. Ảnh: GIA LINH


Mong muốn của tất cả chúng ta đó là Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia ở Việt Nam trong thời gian sớm nhất có thể, có vị thế cao trong bảng xếp hạng các trường đại học khu vực và thế giới. Mục tiêu ấy cũng bao gồm việc, sản phẩm của chúng ta, sinh viên tốt nghiệp, mạng lưới cựu sinh viên, các sản phẩm nghiên cứu khoa học, không chỉ có việc làm tốt mà còn trở thành những nhân sự cao cấp của các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp, các cơ quan tổ chức quốc gia và quốc tế. Mục tiêu của chúng ta, vì vậy cũng sẽ bao gồm cả việc tạo ra sự khác biệt cho sinh viên Đại học Huế.

Trong điều kiện phát triển nhanh chóng của công nghệ, của thông tin chẳng những chúng ta cần sự khác biệt mà còn là ‘khác biệt của khác biệt”. Điều này đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng nghỉ. Sáng tạo trong mọi hoạt động, trong mọi khía cạnh của đời sống đại học. Liên quan đến vấn đề này, một chiến lược rất rõ ràng chúng ta sẽ tạo điều kiện tối đa cho các trường đại học thành viên chủ động phát triển thế mạnh của mình, đầu tư cho nghiên cứu khoa học để cho ra đời những công trình mang tính ứng dụng cao, có giá trị trong nâng cao chất lượng đào tạo và có ý nghĩa thiết thực để nâng hạng Đại học Huế.

Một xu hướng tất yếu khác của giáo dục đại học nói riêng và giáo dục nói chung là quốc tế hóa. Và chúng ta có đủ cơ sở để tin tưởng rằng Đại học Huế sẽ đáp ứng rất tốt yêu cầu để hiện thực hóa xu thế này. Xu hướng quốc tế hóa không chỉ thể hiện ở việc liên kết đào tạo, sử dụng các chương trình giáo dục tiên tiến, khai thác các giáo trình mang tính quốc tế cao, gửi sinh viên theo học hoặc thực tập ở nước ngoài mà còn bao gồm tham vọng để đại học Việt Nam, cụ thể là Đại học Huế trở thành nơi học tập lý tưởng cho sinh viên nước ngoài.

Chúng ta có quyền hi vọng vào sự phát triển bền vững của nhà trường bởi bên cạnh sức mạnh của truyền thống, chúng ta có sự đồng lòng, quyết tâm của các tập thể, cá nhân trong toàn Đại học Huế, sự chỉ đạo sát sao của các cơ quan quản lý cấp trên và đặc biệt sự ủng hộ và hợp tác của các đơn vị bạn, các đối tác của Đại học Huế. Sự hi vọng của chúng ta được đặt trên những cơ sở vững chắc. Trách nhiệm của mỗi thành viên trong mái nhà chung là biến những hi vọng thành hiện thực, biến những mong muốn của chúng ta thành hoa thơm, trái ngọt.

Chúng ta sẽ cùng nhau lan tỏa những giá trị tích cực cho ngày mai và cho chặng đường trước mặt. Có thể có rất nhiều kế hoạch sẽ phát sinh một cách linh hoạt để phù hợp với sự phát triển của giáo dục và xã hội. Tuy nhiên, có một thứ không bao giờ có thể linh hoạt đó là mong muốn về sự đoàn kết, chung tay của chúng ta cho sự phát triển của ngôi nhà chung Đại học Huế.

Bên cạnh những chỉ số về tăng trưởng của một trường đại học như vị trí xếp hạng, chỉ số về đội ngũ, về nghiên cứu khoa học, chương trình đào tạo hoặc cơ sở vật chất, hợp tác quốc tế, chúng ta cần có thêm chỉ số hạnh phúc. Bởi suy cho đến cùng, tất cả những việc chúng ta làm, những điều chúng ta cố gắng đều đỉ đến cái đích của sự hạnh phúc, bình yên.

Tôi mong muốn mỗi thầy cô giáo, mỗi cán bộ viên chức, mỗi học sinh, sinh viên của Đại học Huế cùng trải nghiệm khoảng thời gian làm việc và học tập ở ngôi nhà chung này trong niềm hạnh phúc và bình yên. Dù ngoài kia sóng cả bão to, tôi nguyện sẽ cùng mọi người gìn giữ ngôi nhà của chúng ta để ngày một thêm vững chãi, trường tồn theo thời gian và lớn mạnh theo năm tháng.

Trong chặng đường dài trước mặt, vì trách nhiệm của Đại học Huế với Nhân dân, với xã hội ở những lĩnh vực khác nhau, chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, hợp tác của tập thể lãnh đạo Đại học Huế, toàn thể viên chức, lao động và sinh viên; sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo; Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, thành phố Huế; các ban ngành Trung ương và địa phương; sự quan tâm hợp tác, giúp đỡ của các đại học, trường đại học, các đối tác trong và ngoài nước để Đại học Huế xứng đáng với vị thế trong lòng xã hội.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: GIA LINH
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: GIA LINH

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Nguyễn Kim Sơn cho rằng, với sự tín nhiệm cao của tập thể lãnh đạo Đại học Huế, được sự nhất trí của Ban cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế, PGS.TS. Lê Anh Phương đã được Ban Cán sự Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ trưởng quyết định công nhận Giám đốc Đại học Huế nhiệm kỳ 2021- 2026. Nhiệm kỳ Giám đốc Đại học Huế diễn ra trong thời điểm ngành Giáo dục đào tạo triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; cùng nhiều chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước khác về phát triển giáo dục và đào tạo. Đây là thời điểm vừa là cơ hội vừa là thách thức với Đại học Huế nói chung và đồng chí tân Giám đốc nói riêng. "Có thể nói, đồng chí tân Giám đốc nhận nhiệm vụ vừa là vinh dự nhưng áp lực cũng rất lớn, áp lực xuất phát từ truyền thống đã được xây dựng 65 năm, áp lực từ kết quả cũng những nhiệm kỳ trước mà những Giám đốc trước đã đạt được, áp lực từ thời kỳ quản trị theo mô hình mới tiên tiến, áp lực từ vị trí của một Hiệu trưởng trường đại học thành viên trở thành Giám đốc Đại học đa ngành. Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo mong rằng, PGS.TS Lê Anh Phương sẽ tiếp tục phát huy lợi thế, truyến thống, để tiếp tục viết nên trang sử mới, thành tựu mới, đưa Đại học Huế thành đại học phát triển, hội nhập quốc tế, đóng góp ngày càng nhiều hơn cho sự phát triển giáo dục và đào tạo của đất nước", Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh.

(Nguồn: Lao động và Công đoàn)

Xây dựng Trung tâm Trải nghiệm sống an toàn ở Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị

Quang Hiệp |

Ngày 1/6, thông tin từ Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị cho biết, được sự quan tâm, hỗ trợ của Đại học Huế và Hiệp hội Phòng cháy chữa cháy quốc tế Hàn Quốc, một trung tâm trải nghiệm sống an toàn sẽ được xây dựng tại phân hiệu, dự kiến trong năm 2022.

Bàn giải pháp phát triển Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị

Nguyễn Vinh |

Ngày 1/11, UBND tỉnh Quảng Trị làm việc với lãnh đạo Đại học Huế (ĐHH) về hoạt động của Phân hiệu ĐHH tại Quảng Trị. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng chủ trì buổi làm việc. Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hồ Đại Nam; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự làm việc.

Đại học Huế công bố điểm sàn xét tuyển năm 2021

PV |

Đại học Huế công bố điểm sàn toàn bộ các trường, khoa trực thuộc đối với phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT 2021.

Xét học bạ: Điểm trúng tuyển bổ sung đợt 1 của Đại học Huế từ 18 – 25 điểm

Hữu Phúc |

Hội đồng tuyển sinh Đại học (ĐH) Huế vừa công bố kết quả sơ tuyển bổ sung đợt 1 theo phương thức xét kết quả học tập ở cấp THPT (học bạ) vào ĐH hệ chính quy của các trường ĐH thành viên, các trường; khoa và phân hiệu thuộc ĐH Huế.