Giáo dục học sinh làm điều tử tế

Trúc Phương |

Từ đồ vật nhỏ như cây bút, chiếc ô đến những đồ vật có giá trị lớn hơn như ví tiền, điện thoại... đều được học sinh nhặt lại, bỏ vào “Góc để đồ thất lạc” để trao trả cho người đánh rơi. 

Mô hình này hiện đang được nhiều đơn vị trường học triển khai, nhân rộng. Qua đó, không chỉ góp phần rèn luyện tính trung thực cho học sinh mà còn giáo dục các em làm điều tử tế mỗi ngày.

Nhặt được chiếc ô của ai đó bỏ quên trên ghế đá trong khuôn viên trường học, em Nguyễn Viết Trường Thắng, học sinh lớp 6I, Trường THCS Trần Hưng Đạo, TP. Đông Hà (Quảng Trị) đã nhanh chóng đưa món đồ đến phòng Đội. Tại đây, Liên đội Trường THCS Trần Hưng Đạo, TP. Đông Hà đã xây dựng một góc nhỏ mang tên “Góc để đồ thất lạc” tập hợp nhiều món đồ do học sinh, giáo viên nhà trường đánh rơi. Ngoài chiếc ô do Thắng vừa đưa tới, nơi đây còn có kẹp tóc, bình đựng nước, tài liệu học tập, ví tiền, điện thoại, chìa khóa, mắt kính... chưa tìm lại được chủ nhân.

Thắng cho biết, đây là lần thứ 3 em nhặt được “của rơi” kể từ đầu năm đến nay. “Nhờ có “Góc để đồ thất lạc”, nhiều người đã tìm lại được món đồ không may đánh rơi. Những món đồ có giá trị nhỏ nhưng đôi khi lại rất quan trọng với người làm mất. Vì thế, em cảm thấy rất vui khi bản thân mình đã làm được việc ý nghĩa như thế này”, Thắng chia sẻ.

Em Nguyễn Viết Trường Thắng (bên phải) cảm thấy hạnh phúc khi trả lại món đồ thất lạc cho người đánh rơi - Ảnh: T.P
Em Nguyễn Viết Trường Thắng (bên phải) cảm thấy hạnh phúc khi trả lại món đồ thất lạc cho người đánh rơi - Ảnh: T.P

Tương tự, cách đây không lâu, em Phạm Kiều Anh, học sinh lớp 8C, Trường THCS Trần Hưng Đạo, TP. Đông Hà cũng nhặt được món đồ trên sân trường. Đó là một chiếc lắc tay bằng bạc. Do không thể tự tìm người đánh rơi nên em đã chủ động mang đến “Góc để đồ thất lạc” của nhà trường.

Chỉ sau một thời gian ngắn, thông qua sự giúp sức của Đội cờ đỏ và Liên đội trường, chiếc lắc đã tìm lại được chủ nhân. Nhận được lời cảm ơn của người đánh rơi, Kiều Anh vui vẻ cho biết: “Em nghĩ không chỉ riêng em mà các bạn học sinh khác cũng sẽ có hành động như vậy. Bởi vì chúng em được dạy rằng phải có tính trung thực, thật thà, nhặt được của rơi, phải trả lại người mất”.

Được triển khai từ năm học 2020 - 2021, đến nay, mô hình “Góc để đồ thất lạc” của Liên đội Trường THCS Trần Hưng Đạo, TP. Đông Hà luôn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của thầy, cô giáo và học sinh. Dù nhặt được món đồ có giá trị lớn hay nhỏ, mọi người cũng đều nhanh chóng đưa đến “Góc để đồ thất lạc” để kịp thời tìm lại người đánh rơi món đồ.

Chỉ tính riêng những tháng trong năm học 2023 - 2024, “Góc để đồ thất lạc” của nhà trường đã tiếp nhận trên 100 lượt bàn giao đồ thất lạc. Giáo viên Tổng phụ trách Liên đội Trường THCS Trần Hưng Đạo Lê Thị Thanh Nương cho biết, từ khi xây dựng “Góc để đồ thất lạc”, học sinh trong trường dường như ý thức hơn về hành động của mình, chủ động liên lạc với cô giáo tổng phụ trách Đội để bàn giao đồ nhặt được.

Cô Nương cho biết: “Tất cả những món đồ trong “Góc để đồ thất lạc” luôn được nhanh chóng tìm lại chủ nhân. Đối với những món đồ như áo, khăn còn mới nhưng không ai nhận lại sau một thời gian dài, thầy, cô giặt giũ sạch sẽ để hỗ trợ cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn. Chúng tôi cũng tích cực đăng tải những hình ảnh đẹp của học sinh khi trao - nhận đồ thất lạc lên fanpage của Liên đội trường nhằm chia sẻ những điều tốt đẹp đến với tất cả mọi người”.

Cô Nương cũng nói thêm, hiệu quả của mô hình “Góc để đồ thất lạc” là đã góp phần giáo dục học sinh đức tính thật thà, trung thực theo 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng, qua đó lan tỏa phong trào thiếu nhi Quảng Trị làm “Nghìn việc tốt”. Từ mô hình này, nhiều liên đội trên địa bàn tỉnh đã học tập và xây dựng các mô hình tương tự.

Được biết, ngoài mô hình “Góc để đồ thất lạc”, nhiều bài học hay giáo dục về tinh thần tự giác, trung thực được liên đội các trường học trên địa bàn tỉnh chủ động triển khai, lồng ghép theo nhiều cách thức đa dạng khác nhau.

Như liên đội Trường THCS Thanh An (Cam Lộ) thường xuyên đăng tải những câu chuyện nhặt được của rơi thông qua chuyên mục “Người tốt - Việc tốt” trên trang fanpage; Liên đội Trường TH&THCS Gio Mỹ (Gio Linh) xây dựng chuyên mục “Gương sáng đội viên” hay tuyên dương hành động đẹp vào mỗi giờ chào cờ đầu tuần như Liên đội Trường TH&THCS Cam Nghĩa (Cam Lộ)... Thông qua các mô hình, hoạt động này, nhiều tấm gương học sinh thật thà, trung thực, kịp thời báo với thầy, cô, người lớn có trách nhiệm mỗi khi nhặt được của rơi.

Đến nay, nhiều người hẳn còn nhớ câu chuyện về cô học trò nghèo ở Cam Tuyền, huyện Cam Lộ Nguyễn Vũ Thành nhặt được một ví da màu đen gồm giấy tờ tùy thân và số tiền hơn 30 triệu đồng đã báo với Bí thư Chi bộ thôn tìm trả cho người đánh rơi. Hay gần đây nhất là câu chuyện của hai học sinh của Trường Tiểu học thị trấn Ái Tử là Lê Minh Hải và Nguyễn Lê Hải Đăng đã nhặt được 1 chiếc ví màu nâu gần cổng trường, nhanh chóng báo với Liên đội trường để trả lại chủ nhân chiếc ví... Những món đồ đánh rơi dù có giá trị lớn hay nhỏ cũng được học sinh tìm cách trả lại cho người làm mất.

Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Nguyễn Thị Vĩnh An cho hay, thời gian qua, phong trào “Nghìn việc tốt” được các liên đội trên địa bàn tỉnh cụ thể bằng nhiều hoạt động thiết thực mà mô hình “Góc để đồ thất lạc” hay hành động “nhặt được của rơi, trả lại người mất” là một trong số đó. “Hội đồng Đội tỉnh đánh giá rất cao những cách làm sáng tạo của các liên đội.

Thông qua những việc làm tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa nhân văn sâu sắc ấy, thiếu niên, nhi đồng Quảng Trị sẽ hình thành được thói quen nói lời hay, làm việc tốt. Từ đó, góp phần tạo nên một thế hệ trẻ giàu lòng nhân ái, có trách nhiệm với cộng đồng”, chị Vĩnh An bộc bạch.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Hơn 30 tỉnh thành công bố lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2024 của học sinh, có địa phương 29 Tết mới nghỉ!

PV |

Dưới đây là thông tin chi tiết về lịch nghỉ Tết Nguyên đán của học sinh 30 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Nơi học sinh nói lên điều muốn nói

Thanh Lê |

“Sau hơn 2 năm thực hiện mô hình “Trường học văn minh, học sinh thân thiện, không tệ nạn xã hội”, suy nghĩ, tư tưởng, văn hóa của học sinh có chuyển biến tích cực; học sinh được rèn luyện thêm nhiều kỹ năng thông qua các hoạt động giáo dục ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp, hoạt động Đoàn - Đội. Kết quả cuối năm không có học sinh xếp hạnh kiểm loại yếu”, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Hưng Đạo, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) Đinh Thị Thủy cho biết.

Bảo đảm điều kiện ăn, ở, sinh hoạt, học tập cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số

H.L |

Đây là nội dung tại Công điện 1385/CĐTTg ngày 20/12/2023 về tăng cường, bảo đảm các điều kiện ăn, ở, sinh hoạt và học tập cho trẻ em mầm non, học sinh nội trú, bán trú, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Trao tặng quà Tết cho giáo viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở huyện Hướng Hóa và Đakrông

Đức Việt |

Trong hai ngày 27 và 28/12, Hội Chữ thập đỏ quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Công đoàn ngành giáo dục Quảng Trị, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị tổ chức chương trình “Xuân biên giới” và “Tết sum vầy - Xuân chia sẻ” tại huyện Hướng Hóa và Đakrông.