Giáo viên nơm nớp lo âu khi nhà tập thể xuống cấp nghiêm trọng

Hiếu Giang |

Sau hàng chục năm sử dụng, đến nay khu nhà ở tập thể của giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - THCS Tà Long, huyện Đakrông (Đakrong) đã xuống cấp nghiêm trọng.

Không chỉ vậy, do có mặt bằng thấp lại nằm sát sông Đakrông nên mỗi mùa mưa lũ thường làm khu nhà này bị ngập nặng và ngày càng rệu rã. Hơn bao giờ hết, giáo viên nhà trường mong muốn được các cấp, ngành quan tâm đầu tư xây dựng khu nhà tập thể ở một nơi an toàn hơn để giúp họ an tâm lưu trú và dạy học.

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - THCS Tà Long nằm ở Km 22 trên tuyến Quốc lộ 14, là nơi dạy học cho đa số học sinh đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Tà Long. Trường được xây dựng từ năm 2002 gồm có một dãy nhà 2 tầng là nhà hiệu bộ, một dãy nhiều phòng học và 4 phòng ở tập thể cho giáo viên. Qua hàng chục năm sử dụng và chịu sự tác động của mưa lũ nên các hạng mục của nhà trường đều hư hỏng, xuống cấp nặng. Để đảm bảo an toàn cho công tác dạy học và lưu trú cho học sinh, lần lượt các năm: 2013 đưa vào sử dụng khu nhà bán trú cho học sinh và năm 2020 đưa vào sử dụng trụ sở làm việc của nhà trường. Các công trình này được bố trí xây dựng ở trung tâm xã, là nơi cao ráo và an toàn.

Khu nhà ở tập thể của giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú-THCS Tà Long, huyện Đakrông hiện đã xuống cấp nghiêm trọng - Ảnh: Đ.V
Khu nhà ở tập thể của giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú-THCS Tà Long, huyện Đakrông hiện đã xuống cấp nghiêm trọng - Ảnh: Đ.V

Sau khi chuyển trụ sở trường qua nơi mới, ngoài dãy nhà tập thể giáo viên cũ thì một số phòng học ở khu trường cũ được trưng dụng thêm làm nơi ở cho khoảng hơn 20 giáo viên. Tuy vậy, do trải qua hàng chục năm sử dụng lại bị tác động trực tiếp hằng năm của mưa lũ nên ngôi trường hiện nay đã xuống cấp nghiêm trọng.

Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - THCS Tà Long Hoàng Đình Tuấn lo lắng cho biết: “Toàn bộ các hạng mục chính ở trường cũ này hiện nay đã hư hỏng, xuống cấp nặng. Khu nhà bếp các bức tường đã bị nứt nẻ hết, mái thấm dột nặng nên tuần trước chúng tôi mới chuyển bếp ăn vào phòng tạm phía trong cho đảm bảo an toàn hơn. Khu nhà hiệu bộ 2 tầng thì làm nơi chứa một số trang thiết bị và làm nơi trú ẩn tạm cho giáo viên phòng khi nếu lũ về... chạy lên cao không kịp”.

Theo thầy Tuấn, khu trường cũ này hầu như năm nào cũng bị lũ lụt làm ngập. Một số năm được xem là lũ lịch sử làm ngập sâu nhà trường, đến nay nhiều người còn ghi nhớ: Năm 2009, nước lũ ngập lên đến mặt sàn tầng 2, khỏa lấp toàn bộ trường; năm 2020 thì nước lên 3 lần, tuy có nhỏ hơn năm 2009 nhưng nước cũng ngấp nghé mép tầng 2... Hầu hết trang thiết bị dạy và học, đồ dùng cá nhân của thầy cô giáo đều bị cuốn trôi hoặc hư hỏng. Do nằm vị trí thấp, lại sát sông Đakrông nên việc chạy lũ của giáo viên đang ở khu nhà tập thể nơi đây cũng diễn ra như cơm bữa.

Cô giáo Hồ Thị Lưu, có 13 năm gắn bó dạy học ở Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - THCS Tà Long nơm nớp lo âu khi chúng tôi hỏi chuyện sinh sống ở nhà tập thể. Cô Lưu người ở xã Linh Trường, Gio Linh từ khi gắn bó với ngôi trường đến nay cũng là chừng ấy năm sinh sống tập thể tại đây. “Điều lo lắng nhất là phòng ở hiện nay đã bị nứt nẻ, bong tróc, thấm dột ngày càng nặng. Do ở đây thấp nên cứ mưa lớn là nước trên thượng nguồn đổ về ào ào, nhà ở tập thể bị ngập thường xuyên. Như mấy đợt mưa lớn trong tháng 9 vừa qua, toàn bộ giáo viên chúng tôi thức trắng đêm và trong tư thế chạy lên chỗ cao tránh lũ... vì nước sông dâng cao đã mấp mé phía sau nhà. Thật sự rất lo lắng”, cô Lưu nói.

Thầy giáo Hồ Ngọc Vương, quê ở huyện Hướng Hóa có 14 năm dạy học ở huyện Đakrông, mới chuyển về công tác và ở tại khu tập thể của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - THCS Tà Long cũng hết sức lo lắng. Chỉ tay lên phía dãy đồi núi dài và cao, hiện đã nứt nẻ một số điểm, án ngữ ngay trước mặt dãy nhà tập thể của trường với khoảng cách có hơn 100 m, thầy Vương lo âu nói: “Dãy đồi khá cao này nhiều năm qua bà con dân bản nơi đây canh tác nên đất đã tơi mềm ra, nhiều điểm có dấu hiệu trượt đất. Những năm gần đây tình trạng lở đất, sạt núi ở địa bàn miền núi thường xuyên xảy ra khiến giáo viên chúng tôi càng thấp thỏm lo lắng hơn về sự an toàn khi sống tại khu nhà tập thể xuống cấp, lại ở địa thế “phía sau sông, trước là đồi cao” như thế này. Nói thật lũ lên còn có thể chạy kịp chứ quả đồi đó không may mà ập xuống chắc chắn chúng tôi không thể chạy thoát kịp”.

Lo lắng cho sự an toàn của các giáo viên sinh sống tại dãy nhà tập thể xuống cấp nói trên, nhà trường cũng đã nhiều lần kiến nghị cấp trên để được quan tâm, xem xét xây dựng nhà ở giáo viên ở nơi khác nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Thầy Tuấn cho biết, hiện nay xã Tà Long đã dành sẵn một diện tích đất phù hợp để xây dựng nhà ở tập thể cho giáo viên nhà trường ở trung tâm xã cao ráo và an toàn.

“Ban giám hiệu nhà trường cũng như tập thể giáo rất mong được cấp trên quan tâm đầu tư xây dựng dãy nhà ở tập thể với khoảng từ 8 -10 phòng. Thật sự nhu cầu nhà ở tập thể của giáo viên nhà trường là bức thiết, vì nhà ở tập thể ở vị trí cũ hiện đã xuống cấp nặng và tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm”, thầy Tuấn nêu nguyện vọng.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Cầu An Mô cũ xuống cấp nhưng không có cảnh báo nguy hiểm

Nguyễn Vinh |

Cầu An Mô cũ bắc qua sông Thạch Hãn nối các xã rộng lớn phía Đông huyện Triệu Phong (Quảng Trị) với thị trấn Ái Tử vào Quốc lộ 1 được xây dựng cách đây hơn 30 năm nay đã xuống cấp trầm trọng, rất nguy hiểm cho người và phương tiện đi qua. Tuy vậy, mỗi ngày cây cầu này phải gánh chịu hàng chục, thậm chí hàng trăm lượt ô tô đi qua, trong đó nhiều xe có tải trọng khá lớn khiến cho cầu rung lắc rất nguy hiểm cho người và phương tiện.

Đường xuống cấp gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông

Tuấn Việt |

Thời gian gần đây, Cụm Công nghiệp Đông Ái Tử, huyện Triệu Phong được  UBND tỉnh Quảng Trị đầu tư xây dựng tuyến đường RD-03 và RD- 36. Tuyến đường này do Công ty TNHH MTV An Thịnh và Công ty TNHH Xây dựng Trường Phúc thi công. Đường có chiều rộng 23 m, trong đó lòng đường 11 m, đường cấp 4 với tổng vốn đầu tư hơn 13 tỉ đồng.

Sau bão lũ, di sản Huế xuống cấp nghiêm trọng

Lê Hiếu |

Tại khu di sản Huế, nhiều điểm di tích nước lũ tràn vào, ngập sâu như: di tích Nghinh Lương Đình, Cung An Định, Lầu Tàng Thơ… Các cổng vào khu Hoàng Cung Huế nước ngập cả mét. Nhiều di tích dọc sông Hương cũng bị ngập nặng.

Cầu Treo Cam Hiếu xuống cấp tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông

Anh Vũ |

Cầu Treo Cam Hiếu được xây dựng từ năm 1994, bắc qua sông Hiếu, nối đường liên xã Cam Hiếu - Cam Thủy, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) với Quốc lộ 9, đoạn km 7. Qua thời gian dài sử dụng, mặc dù đã nhiều lần tu sửa (lần gần đây nhất là năm 2016) nhưng hiện nay nhiều hạng mục đã hư hỏng, xuống cấp gây mất an toàn cho người và phương tiện mỗi khi qua đây.