Hiện ngày càng có nhiều nền tảng mạng xã hội (MXH) xuất hiện đã tác động lớn đến mọi lĩnh vực trong đời sống sinh hoạt của con người, nhất là giới trẻ nói chung và học sinh, sinh viên Quảng Trị nói riêng. Bên cạnh nhiều tiện ích, MXH cũng gây ra không ít hệ lụy về thời gian, tư tưởng, đạo đức, tâm lý, lối sống, tình cảm, quan hệ xã hội, học tập, rèn luyện, sức khỏe của các em, thậm chí là bị lừa đảo hoặc đẩy các em đến con đường vi phạm pháp luật.
Nói về ảnh hưởng của MXH trong đời sống, học tập, học sinh Phan Nữ Thái Châu, lớp 11A4, Trường THPT thị xã Quảng Trị cho biết, MXH mang lại nhiều ưu điểm nhưng có không ít nhược điểm nếu người sử dụng không khôn ngoan. Sau giai đoạn COVID-19, số lượng học sinh sử dụng MXH và internet để học tập tăng cao. Tuy nhiên, học sinh cần tỉnh táo khi sử dụng MXH, thì sẽ giúp tránh được những tiêu cực, độc hại từ các nền tảng này và internet.
MXH ảnh hưởng lên các bạn trẻ không chỉ khi chủ động tiếp thu mà còn khiến các bạn chịu ảnh hưởng bởi những thông tin độc hại. Với cơ chế tự động đề xuất của MXH, nhiều bạn trẻ dành quá nhiều thời gian để tiêu thụ hàng tá thông tin rác, dẫn đến tụt giảm năng lượng tích cực, lười nhác. Chưa kể các bạn dễ có những suy nghĩ lệch lạc mà về lâu dài sẽ hình thành lối suy nghĩ tiêu cực, thiếu động lực cho bản thân.
Vì vậy, mỗi học sinh cần hiểu và ý thức được việc sử dụng MXH của mình, chủ động tạo môi trường phát triển cho bản thân, cần cài đặt các app hạn chế thời gian sử dụng, biết chọn lựa những thông tin hữu ích và khai thác những lợi thế của internet cho việc học tập và phát triển bản thân. Thái Châu chia sẻ em rất cân đối trong việc sử dụng MXH, không chạy theo các trò chơi trên mạng làm ảnh hưởng đến học tập và đời sống sinh hoạt.
Cùng chung suy nghĩ này, Nguyễn Xuân An Duy, học sinh lớp 10D2, Trường THPT Đông Hà cho biết, mỗi ngày ngoài thời gian học ở trường, học ở nhà và chơi thể thao, em thường dành 2-3 giờ lên internet để xem thể thao. Ngoài ra, em ít sử dụng các trang MXH. Thay vì bỏ thời gian lướt MXH khiến chìm đắm trong thế giới ảo, An Duy ra ngoài để tiếp xúc với nhiều người, làm nhiều việc có ích cho bản thân.
Tuy nhiên, không phải học sinh nào cũng cân đối được việc sử dụng MXH cho có ích. Hai học sinh Phạm Gia Kiên và Trần Văn Minh Hưng lớp 11A8, Trường THPT Lê Lợi, thú nhận đang tốn khá nhiều thời gian cho MXH. Thay vì thói quen đọc sách như trước đây ở cấp học THCS, nay các em bị hấp dẫn bởi tiktok và các video ngắn của facebook khiến hay bị phân tâm, lười suy nghĩ và thấy mình quá phụ thuộc vào điện thoại thông minh.
Hai em cho biết sẽ cân nhắc kỹ lưỡng việc dùng MXH, cài app kiểm soát thời gian sử dụng nhằm giảm dần sự phụ thuộc để tập trung cho học tập. “Không thể không dùng MXH để giải trí và phục vụ học tập, tuy nhiên chúng em sẽ cố gắng để tiết chế và dùng nó một cách có lợi cho bản thân”, Phạm Gia Kiên nói.
Nhiều học sinh, sinh viên, thanh niên vì sử dụng, lợi dụng MXH một cách thái quá đã gây ra không ít hệ lụy về đạo đức, tâm lý, lối sống. Phó Trưởng Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao, Công an tỉnh, Trung tá Bùi Thanh Liêm cho biết, Quảng Trị là địa bàn có tình hình tội phạm trên không gian mạng diễn biến khá phức tạp so với cả nước, đặc biệt là trên lĩnh vực sử dụng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra hơn 40 vụ, việc liên quan đến tội phạm sử dụng trong nghệ cao, trong đó có hơn 20 vụ liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, gây thiệt hại về tài sản hơn 20 tỉ đồng. Nguy hiểm hơn là đối tượng ngày càng trẻ hóa. Theo thống kê thì số vụ việc, đối tượng là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh vi phạm trên lĩnh vực công nghệ cao chiếm hơn 20% so với các loại đối tượng khác, trong đó tập trung chủ yếu tại các địa bàn TP. Đông Hà, huyện Triệu Phong, thị xã Quảng Trị...
Trước tình hình cấp thiết này, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục tỉnh tổ chức hội thảo khoa học “Ảnh hưởng của mạng xã hội đến học sinh, sinh viên Quảng Trị hiện nay - Thực trạng và giải pháp khắc phục”. Hội thảo tạo ra diễn đàn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp nhằm phát huy các mặt tích cực, hạn chế các tác động tiêu cực của MXH. Hội thảo có sự tham gia của hơn 250 cán bộ, giảng viên, giáo viên và học sinh đến từ một số trường THPT trên địa bàn. Có 61 bài tham luận gửi về hội thảo đã nói lên mức độ quan tâm của nhiều người về vấn đề này.
Để góp phần hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của MXH lên học sinh, sinh viên, các nhà trường cần tăng cường hoạt động giáo dục kỹ năng sử dụng MXH văn minh, an toàn, hiệu quả cho học sinh, giúp học sinh, sinh viên sử dụng MXH có ý thức hơn.
Cụ thể là tuyên truyền, giáo dục về Luật An ninh mạng, bộ Quy tắc ứng xử trên MXH; phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức ngoại khóa về kỹ năng sử dụng MXH văn minh; quản lý việc sử dụng điện thoại của học sinh trên lớp; tăng cường phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong quản lý, giáo dục học sinh có ứng xử văn hóa với MXH...
Về phía học sinh, sinh viên, cần chủ động quản lý lối sống, tình cảm, xây dựng các mối quan hệ xã hội chất lượng để giảm thiểu tác hại của MXH và phát huy những thế mạnh mà MXH đem lại.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)