Trong bối cảnh an ninh thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, để bảo vệ hòa bình cho đất nước, bảo vệ cuộc sống bình yên của người dân và để “Ước nguyện hòa bình” thấm sâu, lan tỏa trên mảnh đất và con người Quảng Trị, cần giáo dục giá trị hòa bình một cách có hệ thống cho học sinh (HS).
“Hòa bình” - Giá trị đầu tiên trong hệ giá trị quốc gia
Tại hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị, chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị của quốc gia - dân tộc”.
Theo đó, hệ giá trị Việt Nam gồm: hệ giá trị con người Việt Nam với 8 giá trị: yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo; hệ giá trị gia đình với 4 giá trị: ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; hệ giá trị văn hóa với 4 giá trị: dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; hệ giá trị quốc gia với 9 giá trị: hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc. Trong đó, “hòa bình” là giá trị đầu tiên trong hệ giá trị quốc gia.
Rất quan trọng trong hình thành phẩm chất cho học sinh
Giáo dục giá trị hòa bình có vai trò rất quan trọng trong hình thành phẩm chất cho HS, là cơ sở để hình thành và phát triển những công dân tốt cho xã hội. Tuy nhiên, nội dung giáo dục về giá trị hòa bình trong chương trình giáo dục phổ thông chưa được nhấn mạnh.
Khái niệm hòa bình, theo từ điển tiếng Việt dành cho HS phổ thông, là tình trạng không có chiến tranh, xung đột. Đây là biểu hiện không xung đột giữa nước này với nước khác, vùng này với vùng khác, người này với người khác, còn sự xung đột giữa con người với thiên nhiên, cũng như xung đột bên trong con người chưa được đề cập tới.
Các tiêu chí và chỉ báo về giá trị hòa bình cần giảng dạy cho học sinh
1. “Không chiến tranh”: có 2 chỉ báo (Xác định quyền được sống trong hòa bình, bảo vệ hòa bình phù hợp lứa tuổi; không thực hiện hành vi bạo lực, gây tổn hại người khác) và 3 thể hiện trong hoạt động của HS (Xây dựng mối quan hệ với bạn bè, thầy, cô; phát huy truyền thống nhà trường, Đoàn, Đội; tham gia hoạt động xã hội, giáo dục truyền thống, đạo đức, pháp luật).
2. “Không đối đầu, đối kháng”: có 5 chỉ báo (Xác định được việc làm đúng/ sai của bản thân, của người khác; lắng nghe, nhận ra khuyết điểm và sửa chữa; có ý thức hòa giải với đối phương, ngăn chặn những hành vi chưa tốt; thực hiện đối thoại để giải quyết mâu thuẫn; tôn trọng, thân thiện giữa con người với con người) và 2 thể hiện trong hoạt động của HS (Xây dựng mối quan hệ với bạn bè, thầy, cô; quan hệ với mọi người).
3. “Tôn trọng pháp luật và quy tắc”: có 2 chỉ báo (Thực hiện đầy đủ quy định của nhà trường, của gia đình và xã hội; tôn trọng lẽ phải, thật thà, ngay thẳng, luôn giữ lời hứa, bảo vệ người tốt/việc tốt) và 2 thể hiện (Rèn luyện nền nếp, thói quen tự phục vụ, ý thức trách nhiệm; tham gia hoạt động xã hội, giáo dục đạo đức, pháp luật).
4. “Hòa thuận”: có 4 chỉ báo (Trân trọng giá trị tốt đẹp ở người khác, thấy điều tích cực trong mọi tình huống; chung sống thân ái, đánh giá cao người khác; biết lắng nghe, quan tâm, chia sẻ với mọi người; tích cực tham gia hoạt động vì cộng đồng) và 4 thể hiện (Quan tâm, chăm sóc người thân; rèn luyện kỹ năng thích ứng với cuộc sống; giúp đỡ gia đình; tham gia hoạt động xã hội, giáo dục truyền thống, đạo đức, pháp luật).
5. “Không gây mâu thuẫn”: có 5 chỉ báo (Ý thức bản thân là một cá thể trong cộng đồng; nhận biết giá trị bản thân, trân trọng giá trị người khác; có khả năng đặt bản thân vào vị trí của người khác; chấp nhận sự đa dạng của mọi người, đa văn hóa, đa sắc tộc, không phân biệt đối xử; nhìn nhận mỗi người có điểm yếu, điểm mạnh riêng) và 5 thể hiện (Quan tâm đến lợi ích chung; tìm hiểu tính cách của bản thân; rèn luyện kỹ năng thích ứng với cuộc sống; xây dựng mối quan hệ bạn bè, thầy, cô; quan hệ với mọi người).
6. “Bình yên trong lòng”: có 2 chỉ báo (Làm chủ cảm xúc bản thân, hạn chế cảm xúc tiêu cực với mình và người khác; tự điều chỉnh nhận thức, cảm xúc để có hành vi phù hợp và 1 thể hiện (Rèn luyện kỹ năng thích ứng cuộc sống).
7.“Tâm trí thư thái, tĩnh lặng”: có 3 chỉ báo (Trân trọng cuộc sống mọi người xung quanh; lập kế hoạch cân đối giữa việc học với hoạt động khác, không áp lực cho bản thân và người khác; tinh thần lạc quan, vui vẻ, bình yên tâm hồn) và 1 thể hiện (Rèn luyện kỹ năng thích ứng cuộc sống).
8. “Bình tĩnh”: có 3 chỉ báo (Giải quyết vấn đề bằng đối thoại thay vì đối đầu; làm chủ bản thân, không để cảm xúc lấn át lý trí; thực hiện việc tìm kiếm sự hỗ trợ để giải quyết vấn đề) và 2 thể hiện (Rèn luyện kỹ năng thích ứng cuộc sống; xây dựng quan hệ với mọi người).
9. “Thân thiện môi trường tự nhiên”: có 2 chỉ báo (Sống hòa hợp, thân thiện, bảo vệ môi trường; tích cực tuyên truyền, khuyến khích mọi người cùng bảo vệ môi trường) và 4 thể hiện (Khám phá vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên; tham gia bảo tồn cảnh quan; tìm hiểu thực trạng môi trường; bảo vệ môi trường).
Với môn Giáo dục quốc phòng và an ninh đã đề cập đến tính dân tộc và nhân văn giúp HS phát triển các giá trị khoan dung, nhân ái, hòa bình, hòa hợp, hợp tác, tuy nhiên, nội dung liên quan hòa bình vẫn còn chung chung.
Ngành giáo dục và đào tạo chưa xây dựng được các tiêu chí, chỉ số về giá trị hòa bình nên khó khăn trong định hướng nội dung giảng dạy và hoạt động trải nghiệm về giáo dục giá trị hòa bình đối với nhà trường và giáo viên. Trong bối cảnh hòa bình thế giới luôn bị đe dọa bởi chiến tranh và xung đột, việc giáo dục giá trị hòa bình thường xuyên cho HS là rất cần thiết.
Để giáo dục giá trị hòa bình hiệu quả, trước hết cần giúp HS nhận thức đầy đủ, toàn diện, phù hợp với thế giới và Việt Nam về hòa bình. Hòa bình là giá trị sống cơ bản đầu tiên, điều kiện để các giá trị sống khác hình thành và phát triển. Hòa bình còn là 1 trong 4 trụ cột giáo dục thế kỷ XXI do Liên Hiệp Quốc đề xướng “Học để chung sống”. Đồng thời, hòa bình phải phù hợp với quan điểm Việt Nam, hòa bình phải gắn với độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và hòa hợp dân tộc.
Giải pháp giáo dục giá trị hòa bình cho học sinh
Thạc sĩ Đoàn Thị Thúy Hạnh và thạc sĩ Hồ Thị Hồng Vân (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) vào tháng 8/2020 có công trình nghiên cứu “Giáo dục giá trị hòa bình qua hoạt động trải nghiệm ở tiểu học” đã đề xuất giá trị hòa bình có 9 tiêu chí: không chiến tranh; không đối đầu, đối kháng; tôn trọng pháp luật và quy tắc; hòa thuận; không gây mâu thuẫn; bình yên trong lòng; tâm trí thư thái, tĩnh lặng; bình tĩnh; thân thiện môi trường tự nhiên.
Đây là điều kiện thuận lợi để nhà trường, giáo viên có cơ sở để đề xuất nội dung, hình thức giáo dục giá trị hòa bình. Các nhà trường tổ chức các hoạt động trải nghiệm giáo dục giá trị hòa bình phù hợp với từng cấp học, vùng miền nhằm đảm bảo khả thi, trong đó, giáo viên dạy giáo dục công dân và giáo dục quốc phòng làm nòng cốt.
Đối với HS THPT cần tìm hiểu về chính sách quốc phòng “4 không” của Việt Nam: không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; và không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Thảo luận về chính sách ngoại giao đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam.
Giáo dục giá trị hòa bình với nhiều hình thức phong phú, bằng nghệ thuật, âm nhạc, thơ ca. Nhà trường hướng tới “Trường học hạnh phúc”, tạo môi trường học tập an toàn, tôn trọng để HS có sự yên tĩnh, có cảm giác tốt đẹp, sống hòa thuận, giải quyết mâu thuẫn bằng đối thoại, không đối đầu.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)