Góp phần bình ổn giá

Tú Linh |

Những năm qua, Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị đã góp phần không nhỏ trong kết nối tiêu thụ sản phẩm và phục vụ hàng hóa thiết yếu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là công tác bán hàng bình ổn giá vào dịp Tết, các đợt dịch bệnh, thiên tai.


Thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh giao, hằng năm, vào mùa mưa bão hay mỗi dịp Tết đến, công ty lại chuẩn bị hàng hóa để tổ chức những chuyến bán hàng góp phần bình ổn giá cả trên thị trường.

Tổng giám đốc Lê Quang Nhật cho biết, hằng năm đơn vị chủ động liên kết với các đơn vị cung ứng nguồn hàng, nhằm đảm bảo số lượng nhu cầu phục vụ khách hàng với tiêu chí hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng với giá niêm yết (bằng với giá đại lý cấp 1), chất lượng đảm bảo, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tại các điểm bán hàng nhiều mặt hàng thiết yếu đã được công ty dự trữ như gạo, nếp, bột ngọt, muối, đường, mứt, trà, bánh kẹo, bia, rượu, nước giải khát.

Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Chính cùng lãnh đạo công ty thăm quầy hàng bán bình ổn giá thịt lợn tại TP. Đông Hà - Ảnh: TÚ LINH
Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Chính cùng lãnh đạo công ty thăm quầy hàng bán bình ổn giá thịt lợn tại TP. Đông Hà - Ảnh: TÚ LINH

Ngoài các điểm bán hàng cố định tại thành phố Đông Hà và trung tâm xã Lìa, chợ Hướng Phùng, Khu KTTMĐB Lao Bảo, thị trấn Khe Sanh thuộc huyện Hướng Hóa, công ty cũng đã mở rộng phạm vi bán hàng lưu động tại các xã miền núi như Pa Tầng, Lìa, Hướng Lộc, Thuận của huyện Hướng Hóa và các xã A Bung, A Ngo, Tà Rụt, Húc Nghì, Tà Long, Hướng Hiệp...của huyện Đakrông nhằm tạo điều kiện cho người dân mua hàng giá bình ổn với giá thấp hơn khoảng 20% so với giá thị trường.

Ông Hồ Văn Lai ở xã Tà Rụt, huyện Đakrông cho biết, hàng bình ổn giá bày bán có niêm yết giá rõ ràng, rẻ hơn thị trường mà chất lượng lại tốt nên bà con rất vui, mua sắm được nhiều hơn. Tết năm nào cũng vậy, bà con chúng tôi đợi hàng bình ổn giá.

Việc bình ổn giá của Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị không chỉ thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh giao mà còn hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đưa những sản phẩm, hàng hóa tiêu dùng về các vùng nông thôn để phục vụ người dân.

Đặc biệt trong đợt COVID-19, ngoài những mặt hàng thiết yếu cho người tiêu dùng, công ty cũng đã dự trữ và mở cửa tại các siêu thị, cửa hàng thường xuyên để phục vụ bà con các mặt hàng phòng, chống dịch bệnh như nước rửa tay diệt khuẩn, khẩu trang, tấm kính chống giọt bắn...

Hiện nay, Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị không chỉ bình ổn giá từ nguồn ngân sách nhà nước mà còn đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến nông sản tại thành phố Đông Hà bằng vốn của mình để chủ động sản xuất, cung cấp các mặt hàng, góp phần bình ổn giá, thực hiện mục tiêu kinh doanh song hành với trách nhiệm xã hội.

Giám đốc Nhà máy chế biến nông sản Đông Hà Lê Văn Thể cho biết, nhà máy phân phối các mặt hàng có chất lượng cao do Việt Nam sản xuất như muối, mì tôm, hàng gia dụng, xà phòng các loại, văn phòng phẩm, giấy vở học sinh...

Hằng năm nhà máy được công ty giao chủ trì bán hàng bình ổn giá phục vụ tết Nguyên đán ở nhiều địa điểm khác nhau trong tỉnh và được người dân ủng hộ. Các mặt hàng bình ổn giá rất đa dạng, chất lượng, đẹp về mẫu mã.

Đối với hàng phục vụ Tết có hạt dưa, dưa món, bia, trà, thuốc lá, rượu, mứt gừng, bánh kẹo, muối Iốt...; hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu: thịt lợn, thịt bò, mì tôm, muối, gạo, đường, dầu ăn, rau củ quả, nếp, tinh bột sắn... Các sản phẩm đều đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Tổng giá trị các mặt hàng dự trữ bán bình ổn giá và phục vụ Tết mỗi năm khoảng từ 30-40 tỉ đồng.

Ngoài ra nhà máy được công ty phân công trực tiếp tham gia kết nối tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Trong quá trình hoạt động, nhà máy không ngừng tìm hiểu về thị trường và thị hiếu của người tiêu dùng để từ đó kết nối thu mua, chế biến nâng cao giá trị các sản phẩm hàng hóa sản xuất trong tỉnh nhằm giới thiệu quảng bá với các khách hàng trong và ngoài nước, tạo được uy tín và thương hiệu cho sản phẩm sản xuất trong tỉnh.

Bước đầu sản phẩm hạt tiêu và gạo Quảng Trị đã được người tiêu dùng một số thành phố như Đà Nẵng, Hà Nội, Vinh và một số doanh nghiệp nước ngoài đánh giá cao.

Đặc biệt sản phẩm tiêu Cùa có chất lượng tốt đã được các cơ quan ban ngành trong tỉnh đặt mua để làm quà và giới thiệu sản phẩm của quê hương Quảng Trị.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Làng nghề trồng hoa kiểng xuống giống phục vụ thị trường Tết

Thanh Hòa |

Theo UBND thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh, vụ hoa Tết năm nay, 2 làng nghề trồng hoa kiểng của tỉnh có kế hoạch xuống giống khoảng 410.000 chậu hoa các loại cung cấp cho thị trường; trong đó, làng nghề ấp Long Bình (phường 4, thành phố Trà Vinh) sản xuất khoảng 110.000 chậu; làng nghề ấp Vĩnh Yên (xã Long Đức, thành phố Trà Vinh) 300.000 chậu.

Ông Võ Trung Kiên giữ chức Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Trị

Hà Trang |

Ngày 2/11, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh tổ chức hội nghị công bố quyết định về công tác cán bộ. Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Ly Kiều Vân; Phó Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Hoàng Ánh Dương dự hội nghị.

Kết nối phát triển thị trường khoa học và công nghệ TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Trị

Lê An |

Ngày 2/11, tại TP. Đông Hà, Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Sở Khoa học và Công nghệ TP. Đà Nẵng phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, Sở Công thương Quảng Trị tổ chức hội nghị kết nối phát triển thị trường khoa học và công nghệ (KH&CN) TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Trị.

Quản lý chặt chẽ chất lượng, đo lường thị trường vàng

Trần Cát Linh |

Không sôi động như thị trường nhiều loại hàng hóa tiêu dùng khác, nhưng thị trường vàng và trang sức mỹ nghệ lại có giá trị giao dịch lớn. Vì thế, hơn loại mặt hàng nào hết, chất lượng vàng và đồ trang sức mỹ nghệ lưu hành trên thị trường luôn được cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra và quản lý chặt chẽ nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.